Họa sĩ của miền hư ảo

(Viết  về Họa sĩ Mai Long)

doduc

Họa sĩ Mai Long thuộc lớp lớn lên từ kháng chiến. Ông là cán bộ văn hóa yêu vẽ, rồi sớm gặp họa sĩ Tô Ngọc Vân trong công việc, Công tác cách mạng, nhưng ông có điều kiện đến xưởng vẽ của ông và được ông Vân tận tình chỉ bảo trong công việc, đó là cái duyên may  trong đời mỗi con người yêu nghề mà khởi đầu bỗng gặp được  người tri kỉ. Thời ấy theo  tinh thần cụ Hồ, mĩ thuật cũng là một công cụ phục vụ cho kháng chiến kiến quốc.  Thay vì vẽ  bài trang trí thì họa sĩ Tô Ngọc Vân hướng dẫn ông vẽ tranh cổ động, vừa là bài học , vừa xử dụng luôn vào tuyên truyền. Lúc ấy là năm 1946 ông mười tám tuổi, cái tuổi ham học ham làm đầy nhựa sống, tinh thần sáng ngời trong  lành như  giọt sương ban mai.

Ngày nay mọi người đều biết đến Mai Long, một họa sĩ lớp đàn anh có danh trong nghề. Ông có may mắn ba năm theo học khóa Kháng chiến từ 1950 đến 1953, khóa học  trên đất Phú Thọ và Tuyên Quang di chuyển  trên các điểm từ Yên Bình, Yên Phú, Lăng Quán và rồi ra công tác. Đến những năm sáu mươi thế kỉ  20 ông lại về thụ giáo 5 năm tiếp theo tại trường Cao đẳng mĩ thuật Việt Nam! Năng lực nghề được cứng cáp dần theo năm tháng dùi mài trên ghế nhà tường. Ông tự hào về việc học đã hoàn thiện để vững vàng cho những  bước nối tiếp sau này.

Bây giờ nói đến Mai Long, người ta nghĩ ông là họa sĩ  chuyên lụa,, nhưng không hẳn thế. Ông cho biết trước đây ông vẽ sơn dầu khá nhiều và cả sơn mài, sơn khắc. Mấy chục năm lại đây ông mới chuyên chú vào lụa. Những tranh lụa khổ lớn từ một mét vuông trở lên. Ông cũng bén duyên với chất liệu này khá sớm. Những bức tranh lụa của ông dần dần ra đời, đẹp như miền Thiên thai, như Suối mơ trong ca khúc của Văn Cao. So sánh thì khập khiễng nhưng khá nhiều tranh lua của ông mượt mà như dòng nhạc libero trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà  phần lớn bây giờ người ta biết đến Mai Long là dòng tranh lụa. Chính tôi cũng nghĩ ông chỉ chuyên tranh lụa!

Người Hà Nội, nhưng ông là lứa cán bộ  lên miền núi công tác từ đầu kháng chiến. Năm 1953, sau kết thúc khóa học kháng chiến,  ông được phân công lên Nghĩa Lộ công tác cả thời gian dài, mãi đến sau chiến thắng Điện Biên, thành lập Khu tự trị Thái Mèo ( sau này gọi là khu tự trị Tây Bắc) ông vẫn tiếp tục cuộc sống trên núi.

Có lẽ vì vậy mà cái duyên gắn bó với núi rừng của ông mãi mãi đi vào  trong những tranh lụa sau này, một chất liệu rất hợp với việc diễn tả mây mù bảng lảng và  khói sương mờ ảo.

Tôi bảo ông : “Anh là người duy mĩ, với anh tranh bao giờ cũng là miền cực lạc. Ở đấy cảnh đẹp, người đẹp, mây núi trập trùng tiên cảnh…Ở đấy không có nỗi buồn, chỉ có  những cảm xúc dịu ngọt, thư giãn” . Ông cười hạnh phúc, đó là cảm quan cá nhân ông về góc nhìn nghệ thuật thành tài sản riêng của tâm hồn ông. Người cán bộ họa sĩ từ kháng chiến đã có một miền yêu thương gửi gắm vào tranh, mà không thấy tiếng bom gào đạn xé, máu chảy đầu rơi, chỉ còn những thung lũng tình yêu thắm thiết từ trong sương mai mờ mờ nhân ảnh… Những ám ảnh núi rừng và con người vùng đất ấy luôn bám sát từng sáng tác của ông trong nhịp sống bình yên. Điều đó thật tuyệt!

Hãy xem những tranh ông đã vẽ, những phác thảo tranh chuyện của ông thì càng rõ hơn.

Không phải mấy ai có bản lĩnh nghệ thuật đến thế. Giữ cho mình được  một ngôi nhà nghệ thuật trọn vẹn của riêng mình như ông, một cõi tình yêu trong vắt!

Những năm tháng về hưu và đến bây giờ, ông vẫn làm việc bền bỉ và thầm lặng, chỉ được nghỉ ngơi tí chút khi đội mũ sắp áo đi thăm bạn bè hoặc dự các khai mạc triển lãm của đồng nghiệp, còn công việc nó bám níu lấy ông suốt thời gian tại phòng vẽ.

Tôi đã được ông cho xem cái kho những phác thảo tranh lụa. Những phác thảo hàng mét vuông nguyên khổ với khung lụa ông thể hiện. Ông phác thảo  bằng chì, đi từng nét, cẩn trọng và kĩ lưỡng hơn cả kiểu vẽ của Trần Duy. Những nét bút mềm mại đầy xúc cảm trên tông chì đen trắng. Mỗi tranh lụa đều có một phác thảo như thế. Bây giờ ông có thể trưng bày toàn bộ bộ tranh chì mà ông gọi là phác thảo cho lụa, nhưng từng bức, từng bức đều hoàn chỉnh đến từng chi tiết.

Ông sống vào thời lửa đạn, mà chủ trương cách mạng thì bút màu cũng là vũ khí. Ông từng vẽ truyền đơn, vẽ tranh cổ động tuyên truyền cho cách mạng, và rồi ông đến với  tranh truyện khá sớm, từ những năm 1954 khi được đặt hàng. Ông thuộc lứa họa sĩ cộng tác viên đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Những tập truyện tranh đầu tiên ông vẽ như Thánh Gióng, Sơn tinh Thủy tinh nắn nót từng hình, kĩ như khi sáng tác tranh lụa, hình chắc nịch…đã trở thành mẫu mực cho dòng tranh truyện từ thời đầu cho thiếu nhi..

Cảm phục tài năng trời ban cho ông, yêu nghề, và thêm sự bền bỉ  với thời gian ông đã vươn lên đỉnh cao, vẽ đẹp và đầy dấu ấn riêng từ tranh lụa. sơn dầu, sơn mài đến tranh truyện, mà có khi nhiều người được đào tạo kĩ lưỡng cũng không dễ làm nổi. Âu cũng là cái duyên với nghề, cái duyên với đời đã cho ông quả nghiệp đáng mừng lắm thay.

Hà nội-13/5/2018

Post navigation