Kinh tế vỉa hè

doduc
Một lần vào chơi với bạn ở phố Hàng Quạt, anh bạn giới thiệu luôn món miến ngan Lương Văn Can, Anh bảo muốn ăn phải đi sớm, chứ bảy rưỡi là nhẵn.
Tôi theo lời chỉ dẫn và quả thật Hà Nội những hàng ăn ngồi xổm vỉa hè thế này thường khá ngon lại rẻ. Tôi ngồi ăn nhìn lên mảng tường làm lưng cho gánh hàng thấy chi chit toàn đinh là đinh. Sau mới vỡ nhẽ là từ tám giờ sáng nó lại thuộc cai quản của một bà bán quần áo. Những đinh dày tía lia kia là để mắc áo. Ba bốn giờ chiều lại là chỗ treo bán đồ chơi cho trẻ con. Mấy mét vuông thềm đường mà ba chủ thuê bán hàng. Chủ nhân có nhà mặt đường có một khoản cho thuê kha nhá mỗi tháng, chẳng cần làm ăn gì vẫn tươm…
Giống như chuyện trên, phố Nguyễn Du cũng có một hàng bún ngan bán sáng, chiều một hộ kinh doanh món hang khác, tối lại hộ khác nữa cà phê
Một Hà Nội vỉa hè linh hoạt trong làm kinh tế, Đó là chưa kể những quán chè chén la liệt, rồi cà phê cóc từ đường to đến ngõ nhỏ chi chit như vừng.
Rõ ràng có một “Nền kinh tế vỉa hè”. Người dân sống bám vào vỉa hè có đến hàng vạn. Là con đẻ của phố phường , nhưng nó chỉ phát triển mạnh từ thời bỏ bao cấp. Đó là tầng lớp nghèo phố thị, buôn thúng bán bưng, tấp vào vỉa hè và đường phố để sống, chính quyền lơ là “a lê”, chiếm vỉa hè ngay. Lâu dần hàng rong, quán chè chén thành ra như thứ “bản sắc văn hóa”. Có nhếch nhác bộ mặt phố phường, nhưng do có nhiều cái tiện cho dân sống nên nó cứ nhẩn nha song hành với sự phát triển đô thị và phình phàng dần ra theo thời gian, thái quá gây ách tắc thì thành chuyện bức xúc, giống như từ tí quà biếu xén nhỏ phình lên thành hối lộ, còn người nhân quà thành tham nhũng thì ai mà chịu được.
Vỉa hè chính là thứ “ tự cứu mình trước khi trời cứu” của người dân, và từ đó nó lạm phát đến mức khó kiểm soát.
Tội của vỉa hè bị chiếm dụng cũng có nguồn xuất phát từ trách nhiệm của cơ quan công quyền quản lý đô thị, có tắc trách và có cả lợi ích kiếm ăn trong đó. Nên chuyện dẹp lấn chiếm để buôn bán giống ném đá ao bèo, bắt cóc bỏ đĩa, chỉ rầm rập ra quân cho có chuyện, rồi sau đâu lại vào đấy. Thêm nữa, chính quyền không kiểm soát được xây dựng, cao ốc tràn lan trong nội đô chật hẹp, dân trong phố đông lên như lũ suối mùa hạ.
Đúng là cần dọn dẹp lại cho sạch hè phố. Chủ tịch Hà Nội, ông Trung nói không làm rầm rộ nhưng kiên trì và cương quyết. Nội dung lời nói của ông liệu có thành hiện thực. Khá cương quyết trong việc phá dỡ lấn chiến thềm đường, và những quán có chiếm vỉa hè dứt khoát được dẹp bỏ. Thấy rồi, nhưng duy trì trật tự được bao lâu thì thời gian sẽ kiểm chứng.
Có nhiều người lo lắng cho đời sống những hộ dân sống bám vỉa hè. Nhưng một thực tế là người dân tự xoay xở cũng nhanh lắm. Khi bị kiểm soát riết là họ đều có phương án chuyển đổi thích nghi với hoàn cảnh mới ngay. Dân ta quen“ ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” như câu thành ngữ. Chỉ khi cơ quan công quyền bê trễ, thậm chí đồng lõa thì hè phố mới trở lại lộn xộn. thế thôi. 15/3/2017