Trò chuyện với con

(

(gửi Thiên Hương và các con yêu)
dongngan
Nhìn Con gái đang du lịch tung tẩy trời Tây, lòng chạnh buồn vì mẹ nó sinh thời chưa biết đến nửa miền Nam, chỉ du lịch Tàu một lần do con gái cả thúc bách. Sau này khi lâm bệnh nặng, mẹ nói: lần này khỏi bệnh mẹ sẽ đi du lịch Thái Lan, nhưng rồi không có cơ hội nữa.
Mẹ là người xinh đẹp và tài hoa, một diễn viên bale suất sắc của khóa 1 trường múa Việt Nam. Ra trường lên đoàn Văn công khu tự trị Việt Bắc đóng ở Thái nguyên, là diến viên sô-lit của đoàn. Ấy là thời chiến tranh, văn công phục vụ miền núi diễn lưu động năm mấy đợt, có đợt cả tháng mẹ biểu diễn vở ba- lê “Người mẹ Bắc sơn”. Một tiếng rưỡi một mình thể hiện vở múa trên sân khấu trong cái rét ngằn ngặt mùa đông núi mà vẫn say sưa. Đó là khi tuổi dưới ba mươi và chưa có các con. Mẹ yêu thơ và thẩm thơ rất thâm hậu, yêu nghề đến mức chẳng biết đến gì ngoài nghề của mình, dù nghề chỉ cấp cho mẹ đủ bát cơm vơi. Nhưng thời mẹ sống xung quanh đều thế cả nên chẳng có gì so bì. Ăn rau mà làm nghệ thuật vẫn tươi tốt, vẫn đẹp.
Lúc có các con, bố thấy mẹ con khổ từ cái ăn đến cái mặc, nên cắm đầu vào làm ăn. Nhưng cũng không biết gì hơn ngoài cây bút, con dao khắc, bảng màu. Một lần bác Đỗ Hùng Tuân thấy rách quá bèn kéo vào cùng đi làm trưng bày cho hội chợ ở Giảng Võ. Đó là thập kỉ 80 thế kỉ 20, lần đầu đi làm thuê. Được hai ngày bác ấy đưa cho hai chục đồng, bảo: Cầm lấy chừng này, việc này mày không làm được , kẻ chữ thì vẹo vọ, thôi ngày mai không cần đi làm nữa!
Bác ấy nói đúng. Bố không có duyên làm trang trí cho các triển lãm hội chợ. Bác bảo: lạ thật cho cậu, tay nghề có mà mỗi lần cười nhìn cổ họng xanh màu rau muống, suốt ngày khắc tranh mà cũng chịu được!
Cả bố cả mẹ chỉ biết cắm cúi cho cái nghề mình yêu, như tình yêu chỉ có một hướng. Có lần Trần Quốc Toàn, một bạn thơ gốc ở phố Cầu Gỗ Hà Nội,  từ Sài gòn ra tặng cho cuốn tản văn. Cơm chiều xong, ngồi trên tầng 2 uống trà, bố đọc sách chú Toàn cho mẹ nghe, cũng là lúc chú Toàn từ nhà khách của Hội Nhà văn vào thăm, thấy thế chú rơm rớm nước mắt: Nhìn bác đọc sách cho bác gái ngồi nghe mà chạnh lòng, tôi chỉ trò chuyện được với vợ đúng một tháng sau khi cưới. Còn sau đó ai làm việc nấy. Tôi cười, vậy là có nợ không duyên thôi, chuyện ấy trên đời nhiều lắm, cũng chẳng nên buồn…
Năm nay mười lăm năm mẹ con đi xa. Một lần đi và mãi mãi về chốn hư vô, bố ngồi viết lại những dòng này, nhận ra có vẻ  như mẹ con sinh bất phùng thời.
Nhưng cũng có cái tự thân mình là thiếu tính quyết đoán.
Thấy mẹ là một diễn viên sô-lit giỏi, trưởng đoàn văn công Giải phóng Ybrơm bảo: Em về với đoàn Giải phóng đi, cứ bỏ đoàn Việt Bắc về đây mọi giấy tờ anh làm cho. Được mời gọi về Hà Nội lúc đó là mơ ước vì lúc đó tem phiếu là cái xích, hộ khẩu là cánh cửa chặn nhốt người. Từ Hà Nội lên miền núi thì dễ, nhưng trở về thì  hộ khẩu là bức trường thành.Vừa mừng vừa lo, mẹ về hỏi ông ngoại. ông bảo: Ở đâu cũng là phục vụ, con cứ nên phục tùng tổ chức. Thế là mẹ không dám đi nữa. Nếu không cuộc đời đã sang hướng khác. Thời ấy mẹ mà về đoàn Văn công giải phóng thì được đi nhiều nước và có thể cũng nổi danh, vì đi biểu diễn để tuyên truyền cho giải phóng miền Nam, diễn viên  ba lê có thể hình tốt như mẹ không nhiều!
Bố an ủi mẹ : thôi cũng may mà vì thế mình gặp nhau. 12 năm lên miền núi biểu diễn và kiêm đào tạo diễn viên cho Đoàn, mà khi rời đoàn đi học tiếp Đại học lương vẫn không được tăng một lần. Trong khi đó mấy cô mẹ đi tuyển về đào tạo cho đoàn lương cũng lên bằng lương mẹ !
Phó đoàn Vương Thào tuyên bố xanh rờn: Các cô được Đảng và nhà nước đào tạo nghề vững vàng, nay lên miền núi phải có trách nhiệm đào tạo lớp diễn viên mới cho Đoàn. Ông nói thế để xù khoản bồi dưỡng cho việc huấn luyện cho diễn viên mới tuyển. Việc ấy không thuộc trách nhiệm diễn viên nhưng Đoàn yêu cầu làm!
Những ngày hai em của Thắm học cấp 2, mẹ lấy cớ đi học cho có bằng ngoại ngữ để thi cao học. Thế là chiều chiều từ 5 giờ đến 7 giờ mẹ ốp hai đứa cùng đi học tiếng Anh. Ba năm cấp 2, cứ hết cua lại học lại. Cuối cùng ba năm hết cua C hai đứa thi vào Chu Văn An đều không khó khăn về Anh ngữ. Còn mẹ cũng có bằng cao học Văn hóa dân gian.
Bây giờ ba con thông thạo tiếng Anh, có thể dịch sách báo hoặc dịch ca bin được là công của mẹ các con cả. Bố nhắc lại kẻo các con quên!
Bố đang viết dở cuốn tự chuyện dành cho các con gồm ba phần: tình yêu-gia đình và kiếm sống, nhưng mới xong hai phần, còn phần kiếm sống chưa biết viết thế nào vì nó quá nhiều chuyện vụn. Nhưng nội dung phần kiếm sống gói gọn cũng chỉ là chẻ thân cho công việc để nhặt cho mình những đồng tiền lẻ nuôi gia đình. Lúc ấy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ, chỉ cắm cúi với nghề để kiếm sống thôi. Nhưng vì thế mà thông thạo nhiều thứ từ thiết kế , minh họa, làm bìa sách, vẽ truyện tranh, làm bưu thiếp, vẽ tranh mi ni…. Bố đã trưởng thành giữa chợ giời, làm ra chỉ có cho mà chưa phải ngửa tay xin ai trợ giúp. Lùi lũi một mình như vậy đó. Động lực của kiếm sống chính là cái nghèo xơ xác của gia đình. Ra đi từ nông thôn với chiếc đồng hồ Pon-jot bà mua cho với giá 120 đồng và miếng vải ca ki của anh rể cho “ để cậu có cái quần tây mặc” cho ra dáng  cán bộ,  mà rồi trở thành người, không thành ngợm là cả một sự cố gắng bền bỉ có được khi biết mải miết đọc sách và lăn vào việc kiếm sống bằng nghề.
Sau này, từ 55 tuổi bố thêm nghề viết. Cũng bắt đầu từ những dòng tản mạn, tạp bút chia sẻ những  băn khoăn với đời. Chủ yếu viết về văn hóa. Nhiều bạn thân ghé tai: Sao không dành cả cho vẽ mà viết làm gì cho mất công với nhuận bút bèo. Một năm viết báo tiền công không bằng một bức tranh vẽ trong vài tuần. Nhưng bố viết đâu hẳn vì tiền. Viết là việc làm đạo nghĩa ở đời thì không tính ra tiền được nên người viết xưa nay thường nghèo.
Trở lại câu chuyện con đi du lịch trời Tây bằng sức lao động của mình, thật là ý nghĩa. Lại vào đúng thời gian mất của mẹ mười lăm năm trước.
Bố nghĩ : lúc sinh con được trên 3 kg. Ba cân da thịt xương óc và dòng máu trên người con hôm nay là của mẹ cho vẫn còn nguyên đó. Nên con đi đâu đó cũng là có mẹ trong con . Nó là phần chìm mà nhiều đứa con hay quên. Những phần tốt trong con hôm nay có được là một phần gene của mẹ. Nhưng đâu chỉ là gene, mà là cả xác thịt đó chứ. Cho nên cũng là một phần an ủi. Bố thấy mẹ vẫn đang đi cùng các con.
Viết lại vài dòng gửi con nhân 15 năm giỗ mẹ để nhắc con hãy cố gắng trong cuộc sống như bố mẹ đã cố tự thân. Bố mẹ sinh con ra trên đời là món quà đất trời  tặng cho là quý lắm rồi. Còn cây có thành đại thụ hay không là tự thân vận động chứ  bố mẹ nao làm được bóng rợp cho con cả đời. Mà có làm được bóng rợp thì  khi mất mái che chắc chắn đứa con bấy bớt đó cũng chẳng trụ được lâu. Hãy lao động và đọc sách trau dồi tri thức và kĩ năng sống để tự mình tạo tán lá che cho chính bản thân mới thực sự là bền vững và đó mới là chính mình! Các con làm được thế thì bố mẹ mừng lắm.
Bố và mẹ đã như thế.
Chúc con có chuyến đi thu nhiều tri thức chứ không phải là đi tìm miếng ăn ngon và ngủ khách sạn sang. Những thứ đó vớ vẩn cả.
Viết nhân “ Ngày của cha”
ECOPARK-17/6/2018

  1 comment for “Trò chuyện với con

Comments are closed.