Chuyện năm xưa (1)

( kì một)
Dong ngan
Năm ấy 1971, tôi 26 tuổi, vừa ra trường trung cấp mĩ thuật, về báo Việt Nam Độc lập của Đảng bộ Khu tự trị Việt Bắc. Việc của tôi là làm ma két báo và đọc mo rát.
Một hôm thấy trước sân tòa soạn có chiếc xe con đỗ xuỵch, một người ăn mặc dân dã bệ vệ bước xuống xe.
Tòa soan nhốn nháo. Cánh phóng viên í ới gọi nhau lên hội trường.
Lúc ấy mới biết có Phó bí thư thường trực khu ủy Lê Dục Tôn đến thăm cơ quan.
Thức ra tờ báo của Đảng bộ Khu thì ông ấy là tổng biên tập. Nhưng ông Tổng không bao giờ có mặt, vị trí ấy có tính phù phép, giống bù nhìn giữ dưa thôi nhưng vẫn oách. Việc của ông ở tổng hành dinh Đảng bộ khu cơ.
Mấy chục năm sau tôi mới biết ông Trần Anh Tuấn, người trực tiếp nắm tờ báo, viết xã luận và duyệt bài vở chỉ là phó tổng biên tập thôi.
Lúc ấy ông Tuấn trạc bốn mươi.
Tòa soạn tề tựu đông đủ từ phóng viên đến cán bộ hành chính.
Không khí hội trường lặng ngắt.
Phóng viên Thái Dương người Nghệ hiếu động sột soạt, day mông trên ghế còn nghe thấy tiếng động phát ra.
Ông Tuấn trịnh trọng giới thiệu hôm nay trên Khu ủy có đồng chí Phó bí thư thường trực xuống thăm cơ quan.
Sau khi giao đãi vài lời trịnh trọng, ông thưa đồng chí Lê dục Tôn phát biểu chỉ đạo với cơ quan
Dứt lời ông ngồi xuống, không khí bắt đầu trở lại im ắng.Các cán bộ trong tòa soạn cũng im thít. Ông Chiêu, trưởng phòng hành chính ngồi đăm chiêu tay che che khóe miệng có bộ răng vẩu cải mả như muốn nói gì, nhưng rồi lại im.Thoảng đâu đó tiếng con mọt gặm gỗ kèn kẹt xa xăm nhưng là âm thanh duy nhất tồn tại.
Phải mất mấy chục giây, bỗng ông phó Bí thư Khu ủy phá tan bầu không khí yên ắng đó bằng một câu khá bất ngờ với tôi, một câu trống không, không ra dỗi hờn và cũng không ra trả lời: – Chuyện gì! tao chẳng có chuyện gì cả.
Không khí hội trường tiếp tục lặng tờ, tiếng con mọt gỗ vẫn gõ nhịp mơ hồ
Rồi ông tiếp: … tao chẳng có chuyện gì cả! Thằng Tuấn khôn lắm, cứ thấy tao là xin ý kiến chỉ thị…
Lại im lặng, không một ai cất lời, không ai động đậy, tất cả như ai cũng muốn co lại khối lượng bản thân cho bé đi. Không khí căng thẳng nặng nề! Nào ai biết nói gì!
– Ừ thì nói! Giọng ông Phó bí thư khu ủy bất chợt lại cất lên tiếp tục phá vỡ sự im lặng. Và sau đó ông con cà con kê kéo dài hàng tiếng đồng hồ.Tôi mơ hồ nhớ lại nó cũng kẽo kẹt như tiếng mọt gặm gỗ
Cho đến hôm nay gần nửa thế kỉ, tôi cũng không nhớ nội dung huấn thị của Phó bí thư khu ủy hôm đó. Đầu tôi ù đi, tôi từ cảm giác ngạc nhiên sang tự ái: Sao ông khách khu ủy đó gọi thủ trưởng tôi bằng thằng, nói thì trống không, hạ mục vô nhân. Tôi dù nhà quê nhưng không bị giáo dục ăn nói kiểu bãi rác đó nên chuyện xảy ra đột ngột khiến tôi thực sự khó chịu. Quan sát xung quanh tôi thấy mọi người len lét như rắn mồng năm.
Với thủ trưởng cơ quan còn thế thì chúng tôi là cái thá gì?
Đấy là lần đầu tiên tôi được ngồi trong hội trường với đồng nghiệp tiếp xúc với bề trên. Lúc đó tôi là em út cơ quan, biết gì đâu!.
Hết cuộc họp lúc nào không rõ. Tôi ấn tượng xấu mãi về vị Phó bí thư khu ủy, một chức sắc có vị trí thứ hai trong lãnh đao của Đảng bộ Khu.
Sau lần ấy tôi ca thán với một đồng nghiệp bên Hội Văn nghệ khu, thì Hoàng Tuấn Cư bạn tôi cười cười bảo: Ôi giời, thế còn văn minh chán. Sang huấn thị bên đoàn thanh niên khu ông ấy bảo: Thanh niên ngồi gần con gái tuyệt đối không được vuốt tóc nhá, có biết tại sao không, tóc là dây lồn, chỉ làm cho bại hoại tinh thần và đạo đức thanh niên thôi. Nghe vậy, mọi người chỉ còn biết lè lưỡi! Lần thứ hai tôi choáng.
Sau ngày thống nhất, ông ấy vào kinh lý miền Nam ra, đến nhà xuất bản Việt Bắc anh em xin bác kể chuyện miền Nam, thế là ông hào hứng: Ối giời, thanh niên trong đó nó mặc quần chật, cái cu nó vắt ngang thế này…Ông nói và đưa tay xưống phía bụng dưới khoát một động tác minh họa mơ hồ…Thế là mọi người ngượng ngùng nhìn xéo sang chỗ khác không dám hỏi gì nữa. Không hỏi thì thôi, ông viền!
Những câu chuyện trên tôi vừa chứng kiến và nghe chứng nhân kể lại, giờ nhớ lại vẫn thấy sượng sùng!
Ông có viết một cuốn hồi kí “ Những ngày đầu”. Một số phóng viên được ngồi nghe ông kể để chấp bút. Trong đó có Huy Hùng, một bạn vong niên của tôi. Anh ấy chỉ cái đài Orionton bảo: đấy là nhuận bút sang viết hồi kí đấy. Có một số bỏ không chịu viết.
Thì ra ông kể khoe công trạng mà họ biết là ông tô son trát phấn cho mình nên ghét không thể viết tiếp!
Rồi cuốn sách cũng ra mắt, dày ba bốn trăm trang. Nhưng cuối năm nghe nói Cục xuất bản Bộ văn hóa xếp vào loại sách xấu trong năm, vì sau khi thẩm định phát hiện ra nhiều chi tiết bịa tạc vơ vào không có.hình như vào cuối những năm sáu mươi
Lúc tôi về báo thì chuyện đó đã qua một hai năm, chỉ nghe dư âm thế, sách không thu hồi nhưng không cho phát hành.
Vì mới đây nghe chuyện quan trên nói chuyện với cử tri hoặc ở các hội nghị về tổ chức cán bộ cứ xách mé như dạy bảo con cháu, bất chợt làm tôi nhớ lại chuyện này. Hình như các quan cộng sản giống nhau một giuộc, có chức vụ rồi coi mình như cha mẹ, ăn nói thế nào cũng được, dù có được học hành chu đáo. Kỉ cương đâu, phép nước đâu, văn minh không thấy, chỉ thấy trong giọng nói thứ phong kiến hủ lậu được thở ra dưới những từ ngữ tưởng như nhẹ nhàng thân tình, nhưng thú thực đầy sự chiếu cố mà không có văn hóa!
Đúng là một thời chẳng hay ho gì mà hôm nay vẫn chưa chấm dứt!
15/7/2018- Ecopark