Chạy!

CHẠY
Trời Hà Nội mấy hôm nay mưa sụt sùi. Chú em tôi ngồi ngắm mưa qua cửa sổ mà lòng không yên bởi thằng con đang vào đận thi chuyển cấp. Phải biết binh tình điểm thi để còn chạy trường. Tôi hỏi một câu trên trời “Vào trường cũng phải chạy sao”. Chú không quay lại, mắt vẫn bần thần nhìn ra bầu trời mọng nước. “Ngẫm ra cuộc đời con người nào thì cũng luôn phải gắn với chữ chạy”. Chú tâm sự “bác ạ, trong ngữ pháp tiếng Việt, chạy là một động từ mô tả sự hoạt động cấp tập của đôi chân. Nhưng chữ chạy thời nay nó phong phú lắm… Chú hào hứng “Nhiều thứ chạy, nhưng chạy nào thì cũng gắn liền với nỗi khổ bác ạ, những năm đất nước lầm than thì dân chạy loạn, giặc đến thì chạy giặc. Đói kém mất mùa thì chạy ăn. Đến hồi đất nước yên bình thì làm việc gì cũng phải chạy giấy tờ. Xem ra thời bình phải chạy nhiều hơn thời chiến: Con còn đi học đôi khi muốn vào trường tốt thì phải chạy học trái tuyến, điểm thi thiếu thì chạy điểm, rồi chạy bằng cấp cho chót lọt. Ra trường thì chạy công ăn việc làm. Quan trường thì lo chạy chức tước; Phải lo chạy cả bằng cấp để thuận tiện cho việc thăng chức. Kẻ tội đồ thì tìm cách chạy án để chạy tội. Làm kế hoạch chạy dự án phải lo trăm thứ bà rằn. Có cái chạy bằng chân, có cái chạy bằng tiền. Tiền cũng là chân. Nhưng vào thời đất nước yên bình thì tiền lại tích cực can dự vào việc chạy. Nhất là khi có chân đô la thì việc chạy càng khoẻ, càng hữu hiệu! Có những cái chạy vượt tầm cá nhân như làm xuất khẩu chạy cô-ta, thì cả chân cả tiền đều phải cùng sóng bước– chạy nào cũng khổ, nhưng sống thì phải chạy thôi.
Nhà tôi ở giữa xóm lao động, toàn dân chạy chợ. Suốt ngày nháo nhác ám mùi mồ hôi vậy mà nhiều lúc chạy cũng chẳng có miếng, lúc ấy phải chạy vạy nhờ nhõi hết người này người kia. Cái chạy này mới cực vì không có tiền chạy giúp.
Tôi nghe đủ chuyện chạy của chú ấy, bèn hỏi lại “ liệu hết chưa” thì chú bảo “hết rồi”. Tôi bảo còn một cái chạy nữa chú chưa biết đó là “chạy Khu A Văn Điển”, “chạy Mai Dịch”. Chú em tôi ngẩn ngời: “Lại có chuyện ấy thật à”.
20/8/2000