Thanh minh sớm


Doduc
Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tại địa điểm cầu Khánh Khê (Lạng Sơn), nơi đã diễn ra trận đánh khốc liệt chặn đứng mũi vu hồi của bọn xâm lược Trung Quốc năm 1979.

1 – Tiết Thanh minh vào tháng Ba hàng năm. Những ngày ấy mỗi nhà chọn một ngày kể từ mùng ba tháng ba, đi đắp điếm lại mồ mả, làm sạch cỏ cho phong quang. Với miền núi đó là ngày lễ trọng hơn cả rằm tháng Bảy của người đồng bằng. Tết Thanh minh, nhà nào cũng xắp một mâm cỗ lớn có hoa quả xôi gà rượu hương nến ra cũng bên mộ cúng bái và rồi ngả lễ “ thụ lộc” với nhau ngay nghĩa địa. Vừa ăn, vừa véo xôi búng ra xung quanh như chia phần với người đã khuất. Phần rượu không dùng hết được bịt nút kín hạ thổ ngay cạnh khu một. Năm sau vào thanh minh lại đào lên…
Tết thanh minh với miền núi thật thiêng liêng. Con cái đi đâu xa cũng về ngày ấy đi tảo mộ. Thanh minh đi vào tâm thức mỗi người , một năm có ngày thanh minh để tưởng nhớ và chăm sóc cho nhau phần tinh thần dòng tộc. Thanh minh là ngày đoàn tụ giữa người sống và người đã khuất, để có một ngày nhắc lại tên nhau gọi nhau như khi còn sống…
2 – Ý nghĩ ”Thanh minh sớm” hôm nay bật ra trong đầu khi tôi cùng mấy bạn đồng niên cùng nhau đi Lạng Sơn thắp hương cho những người lính trận đã bỏ mình trong trận chiến ác liệt chống quân xâm lược Trung Quốc khi chúng tràn xuống 6 tỉnh biên giới phía Bắc. cuộc đi này trước tháng thanh minh ít ngày
Lũ giặc với chiến thuật biển người đã tàn phá từng ngôi nhà từng thước đất với tâm lý hung hãn phá sạch giết sạch mù quáng và vô thức. Thật đau lòng cho cả hai dân tộc. Tôi nghĩ bên Trung Quốc , người dân trong những ngày này cũng có những thanh minh sớm như bên mình. Những ngày này, không biết bao nhiêu đám giỗ của bao nhiêu gia đình của hai nước, chỉ vì một quyết định thù nghịch vô lối của kẻ đứng đầu nước lớn tàn bạo và dã man, coi mạng người như cỏ rác chỉ để thỏa cái máu hiếu thắng của kẻ cho mình là đại bá, có quyền làm mọi chuyện dù tàn ác và vô luân.
Đến Lạng sơn, điểm đầu tiên là nghĩa trang Cao Lộc, đã thấy mấy xe khách đầy ắp những cựu chiến minh luống tuổi. Họ mặc áo lính mới, ngực đeo huân chương, lặng lẽ xuống xe với những bước chân tuổi tác , đầu hơi cúi đi lần lượt lên nghĩa trang thắp hương và trò chuyện cùng người đã khuất. Những ngôi mộ xếp hàng, có bia ngay ngắn, mộ có tên, hoặc ghi rõ là chưa xác định danh tính…hàng trăm ngôi mộ đều gắn những bình hoa và những nén nhang còn đang ngún khói tỏa ra trong sớm xuân lạnh và lất phất mưa phùn.
Thanh minh sớm, không có gà xôi oản, chỉ có những nén nhang tình nghĩa. Những bóng quân phục xanh màu lá chen lẫn những đoàn dân sự của các cơ quan đoàn thể và những người có con em nằm xuống nơi đây. Tất cả đều lặng lẽ, chào nhau lặng lẽ. Hình như mọi người cố gắng không làm động đến những anh linh vì nước quên thân, để các anh yên nghỉ.
Rời nghĩa trang Cao Lộc, chúng tôi tìm đến nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Lạng Sơn trong lòng thị xã. Lúc này cựu chiến binh của mấy sư đoàn chiến đấu tại đây đang làm lễ tưởng niệm. Một nhà báo bên Thông Tấn xã lách người tìm đến bên một tấm bia nằm riêng biệt phía trái đài Liệt sĩ, đó là bia tưởng niệm nhà báo Tacano, Nhật Bản bị bọn bắn tỉa trung Quốc hèn hạ hạ sát ngay trên một ngã tư đường trong thị xã. Anh trân trọng nhắc lại tên người phóng viên Nhật và cho tôi xem lại hình ảnh năm xưa, nơi Tacano bị sát hại còn lưu trong iphol, rồi sau đó trở lại cái ngã tư nghiệt ngã đó xác định lại vị trí Tacano đã nằm xuống khi đang đi cùng mấy phóng viên bên Thông tấn xã.
Tất cả không ai muốn nói gì thêm. Sự im lặng như để mỗi người cùng nhau tưởng nhớ về quá khứ để khắc thêm vào tâm khảm những gì mà lịch sử có thể lãng quên.
Trong ngày Thanh minh sớm này, chúng tôi lần mò hỏi đường tìm lên pháo đài Đồng Đăng. Một địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến chống xâm lược của quân dân Lạng Sơn. Pháo đài ba tầng hầm người Pháp xây kiên cố trên một đỉnh núi cao. Nghe kể cuộc chiến không cân sức giữa chiến thuật biển người, chừng ba trăm dân đã rút vào trong pháo đài, cùng những chiến binh cuối cùng cố thủ. Không làm gì được chúng đổ xăng phun lửa đốt và dùng bộc phá đánh sập nóc pháo đài, chôn sống luôn những người cố thủ trong đó. Thật dã man và tàn bạo đến cùng cực của giặc xâm lăng. Một người bạn nói với tôi, Đây là di tích chiến tranh đẫm máu nhất trong cuộc chiến. Mai này chắc phải được xác định là một di tích quan trọng đánh dấu sự dã man của giặc, và sự mất mát lớn lao của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc!
Tôi đã gặp thêm ở đây đoàn đi viếng của những người bạn bên Bảo tàng Mĩ thuật, cục mĩ thuật nhiếp ảnh Bộ Văn hóa và Hội Mĩ thuật Việt Nam. Họ lên Lạng sơn và tìm đến những nơi trận chiến ác liệt nhất để nhớ lại lịch sử tàn khốc và thắp những nén nhang tưởng nhớ cho những người quên thân vì nước.
Cầu Khánh Khê là điểm cuối cùng chúng tôi tiếp cận. Cả một đài tưởng niệm trang trọng trên bờ núi cao vơi 4 tấm bia lớn ghi tên mấy trăm chiến binh đã nằm xuống trong trận chiến chặn đứng mũi vu hồi của giặc khi chúng đánh bọc hậu vào thị xã Lạng Sơn.
Tiếc là tấm bia tưởng niệm lại không ghi rõ địa danh nổi tiếng này. Còn tấm bia bằng xi măng ở đầu cầu Khánh Khê được một công nhân đang thi công thủy điện giải thích đã được chuyển đi nơi khác để tiện thi công(?). Chẳng biết có đúng không.
Thanh minh sớm, ngày Thanh minh này sẽ còn mãi kể từ 17 tháng 2. Ngày này sẽ thành nếp trong lịch sử dân tộc vì những gì gây nên nỗi đau thì không bao giờ bị chôn vùi vào dĩ vãng.
Ngày 17/2/2018