Bia đá sử vàng hay nghĩa địa hư danh

dongngan

“Chữ trinh còn một chút này…”- Kim Vân Kiều

Năm trước có dịp vào Huế, đi vãng cảnh một số chùa mới xây, gặp những vườn cây mới trồng , mỗi gốc cây có một tấm biển ghi tên giám này đốc nọ trồng ngày này ngày nọ. Thì ra các giám đốc mới lên đã muốn lưu danh cùng bia đá sử vàng.
Lại nhớ chùa Bái Đính cũng vậy, mỗi gốc cây to một tấm bia đá khắc tên người trồng cùng với chức vụ . Lại nghĩ, nếu mai này vị đó lên chức thì lại phải đến quát đi khắc lại , chú nếu mai này được làm Chủ tịch mà lúc trồng mới chỉ là chức trưởng phó phòng,ty, sở thì thiệt quá, người ta lại nghĩ tay ấy chức lèng mèng.
Lúc đó chưa hề nghĩ đến các vị ấy có ngày thành tội đồ thì xử lý cái bia kia thế nào.
Một lần đi chùa Phật Tích thấy có những cây khá to của ông mới lên chức to, tấm bia đá cũng to, nghĩ ngay cây này bứng từ nơi khác về và công quả ông ấy trồng chắc cũng chỉ vài ba phút ghé chân, còn bứng cây là bọn lâu la bưng bô làm trước. Còn sau đó mặc cây sống chết với đời, khác nào đem con bỏ chợ. Việc trồng cây đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì với môi trường. Mà nếu đứt rễ không chăm bón nó chết thì các vị đó còn mang tội. Cây chết độc lắm đấy.
Khi về vườn cây trước đền thiêng Lý Bát Đế ở Đình Bảng thì thấy cơ man nào là bia dưới các gốc cây của các ông to vật nhất nhì nước. Nào đa, nào đề . Thầm ngĩ: người xưa vẫn nói thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo ở cây đề, thấy cũng ngại. Dưới bóng cây của các ông bà to hóa ra chỉ có ma quỷ trú ẩn thôi sao…
Lâu nay người ta không trồng cây nhỏ như thời cụ Hồ, trồng cây tháu như hồi mới có phong trào bia đá sử vàng nữa.
Không biết có bọn quân sư ma nào hiến kế mà khi có một ông to về nơi nào đó, họ cho đánh cây to dăm chục tuổi, có cây trăm tuổi ở nơi khác về rồi đào hố sẵn sâu hoắm như hố huyệt, hạ cây xuống đó. Ông to về hất vài xẻng đất là cầm ô doa rịn ra tí nước bằng bãi nước tiểu, xúc hai ba xẻng đất bằng vài vốc tay sau quăng xẻng vỗ tay cái bộp, cả đám đướng phụ tá hể hả vỗ tay theo rào rào. Không biết các ông ấy nghĩ gì, còn đám tùy tòng thì vui rồi, vụ này cũng kiếm tí xèng và được ghi nhớ tên tuổi hóng đường quan lộ.
Nếu cho kiểm toán chắc những cây đó tiền ngân sách chi ra cũng phải dăm chục triệu trở lên. Đâu có chuyện cấp dưới bỏ công sức không chở cây về. Có khi còn cộng tiền mua cây, công đào bới, công vận chuyển, công hạ thổ gốc. Hàng dăm chục triệu là ít. Còn cái bia đá chắc không thể rẻ.Hàng nghìn cây trồng kiểu ấy có dễ nghìn tỉ chứ đâu ít!
Ấy là mới kể vài nơi chứ còn nhiều chỗ lắm. Giờ vẫn đang tiếp diễn một cách mê muội.
Trên mạng xã hội, trồng cây đặt bia thành chuyện đàm tiếu từ nhiều năm nay nhưng chuyện ấy không chừa, vẫn cứ tồn tại cả ở hàng ngũ cấp cao!
Một thứ hư danh viển vông. Trồng cây cho trái đất xanh là chuyện khác, còn trồng cây chỉ cốt để đánh dấu chố đến đi chẳng có gì mới, loài động vật thấp nó cũng có thói quen đó. Kìa xem, cầy cáo chó sói nó đã làm việc này theo bản năng tổ tiên khẳng định vùng đất nó kiểm soát từ lâu lắm rồi. Còn đám trẻ ranh đến những khu du lịch hay dùng vật nhọn khắc lên vách đá gốc cây đánh dấu làm kỉ niệm nơi chúng đến thì chúng đã là trẻ ranh, không chấp.
Trộm nghĩ chỉ chỗ nghĩa địa mới dựng bia như thế, chứ người bình thường nhìn thấy bia ghi tên mình cũng ngại.Thế mà người mình cao chức dầy lại thích thú với việc đó kể cũng lạ lắm.
Tôi nghĩ các ông to bà lớn nên hiểu điều này làm dọn dẹp chuyện trồng cây dựng bia kiểu đó đi, chuế lắm rồi!
Thời gian này diệt tham những, cả ông cao chạm giời cũng sa vòng lao lý. Các ông nhỡ nhỡ thì nhiều như ốc bươu, có ông làm chuông xây chùa phật cũng không độ qua được sông Nại Hà. Vị đương chức vẫn có bia cùng kẻ gian trá, liệu ra làm sao nhỉ!Bia có thể rút bỏ đi, nhưng cái cây còn thì tủi nó lắm. chả nhẽ chặt bỏ cùng với tội đồ. Mà cây kia có tội gì?

Quan nhất thời, dân vạn đại. Hãy mở mắt ra, muộn quá rồi.
Bia đá này chẳng bao giờ thành sử vàng mà nó là bia ghi lại sự ô nhục nếu mắc lỗi với đất nước khi sa vòng lao lý. Chả nhẽ vác vị muốn làm Tần Cối chăng?
Bia đá ư? Đó chỉ là thứ bia mộ hư danh
16/3/2019