Kí ức trường xưa (1)

doduc
Trường Trung học Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc được Bộ Văn hoá thành lập vào năm nào tôi không rõ , nhưng chiêu sinh vào năm 1966. Tháng 7 thi, và cuối năm bắt đầu nhập học.
(Hình như khu tự trị Tây Bắc cũng có một trường như thế. Nhưng quy mô không biết thế nào)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa khi ấy là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước(?) Tôi không nhơ rõ lắm.
Tuy là trung cấp, nhưng trường có gần đủ các bộ môn nghệ thuật: mĩ thuật, múa, Kịch, Văn hóa quần chúng và thư viện. Âm nhạc có bộ dây: ghi ta, violon, đàn then, nhị, tam thập lục. Bộ hơi có Ac cooc deon, sáo trúc, còn có thêm thanh nhạc. Các thày đều từ trường nhạc, trường múa từ Hà Nội lên.
Thành ra , trường Văn hóa nghệ thuật Việt bắc giống như cái bách hóa tổng hợp nghệ thuật!
Đầu tiên trường ở Đồng Bẩm, gần núi voi. Nhưng khi tập kết thì được đón vào ngay khu sơ tán, ở rừng Khe Mo phía mỏ sắt Trại Cau. Lúc ấy bom đạn đã ùng oàng bốn phương trời đất. Phản lực con ma thần sấm xé gió trên bầu trời. Hàng ngày tiếng rít víu viu của tên lửa đối đất, đôi lúc có không chiến, rồi máy bay bốc cháy phía xa, phi công nhảy dù. Chẳng biết ta hay Mĩ, nhưng tất cả đều nghĩ là máy bay Mĩ bị bắn cháy! Ngày nào đài phát thanh cũng oang oang thông báo máy bay Mĩ bị bắn rơi.
Bom đánh vào các chỗ hiểm yếu như nhà máy điện Cao Ngạn, Khu gang thép Thái Nguyên, cầu Gia Bảy. Tiếng máy bay, tiếng bom, rốc két nghe quen đến mức hôm nào không có nó của cảm thấy thiêu thiếu, nhạt hẽo!…May mà đạn cao xạ phòng khoongcuar ta dày đặc bắn rát nên bom cũng chệch mục tiêu nhiều…
Bài học đầu tiên của đám chúng tôi là làm lấy nhà mà ở! Tất cả nam nữ không phân biệt, vào rừng chặt cây làm cột dựng nhà, chặt nứa, chẻ nan, cắt cỏ gianh về gắp ranh lợp mái. Tự làm giường chia phòng. Tập thể mỗi buồng hai người …Việc ai nấy làm, máy bay oanh tạc là việc nó, làm nhà lấy chỗ ở là việc của mình.
Khi ấy, chỉ lớp học, khu nhà hành chính, nhà ban giám hiệu, hội trường, lớp học vẽ và sàn múa, bếp tập thể là nhà nước đầu tư. Các giảng viên mỗi thày cũng tự làm lấy chỗ ở. May cũng có đám trò giỏi việc giúp thêm. Cũng mỗi thày một cái nhà bé xíu trên chục mét vuông với một giường nằm.
Chiến tranh nên cuộc sống cũng tối giản, nhà không buồng tủ, quần áo tư trang chỉ cái túi du lịch với hai ba bộ quần áo vá víu. Di chuyển đeo gọn trên người.
Ở chưa ấm chỗ thì cuối 1967, bom đạn rát quá, để an toàn, trường phải di chuyển tiếp lên Ngả Hai, thuộc đất Bắc Sơn, Lạng Sơn, chui vào giữa rừng già nguyên sinh cho chắc. Lại lần nữa tự làm nhà, làm lớp học, chặt cây vác nứa, vào tận Suối Tác cắt cỏ gianh về đánh mái. Còn nhớ tên nơi ấy thuộc xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Nhớ mãi những ngày đầu ở rừng già, những đêm mưa rừng gió bấc hú rào rào trên lá rừng đại ngàn, hươu tác he he bên lòng suối, Phải chăng chúng gọi nhau hay đánh tiếng để cho đỡ sợ khi đơn thân giữa rừng hoang? Nhưng càng tác càng lộ vị trí. Sáng xuống suối rửa mặt, còn thấy những chú cheo cheo hệt hươu con nhưng nhỏ như con phốc, nhảy lon ton bên mép nước. Mặt nước sáng mùa đông bốc hơi, một làn sương màn màn như khói bám trên mặt gương nước đó. Dưới lòng suối sâu lút đầu, đàn cá chầy đất to cớ bắp chân, vây đỏ, cắn đuôi nhau bơi lặng lẽ. Thau nước, bồn tắm của chúng tôi là cả một vực suối nước trong nhìn thấu lòng, thấy từ phù du đén tép tôm cá như thế.Nhớ những lần ra Đồng Bẩm lấy suất gạo hàng tháng vác về cho nhà bếp, dọc đường gặp những con gà lôi ( trĩ) mỏ đỏ mào đỏ chân đỏ tía, đuôi dài như phướn chạy lịch bịch trên con đường lâm nghiệp mới mở như trêu ngươi. Thỉnh thoảng nó dừng lại ngó nghiêng nhìn chúng tôi vẻ phán đoán xem là giống gì có cùng đồng loại không, rồi lại vươn cổ thủng thẳng bước đi. Thân nó to như con ngỗng, vận động chậm chạp nhưng rừng là nhà của nó nên cũng chẳng dễ mà bắt chúng khi chỉ có hai tay không. Chỉ một loáng nó đã biến mất sau những bụi sa nhân lá vươn xanh thẫm, dưới gốc thì tối om.
Thày hiệu trưởng là Trương Văn Nhung, người miền Trung, hiệu phó là Phương Giai, người Tày Lạng sơn. Cũng không biết thày hiệu trưởng hiệu phó xuất thân nghề gì. Lúc ấy học sinh như đàn nai ngố. Về học trung học có nhiều người mới lớp bốn lớp 5, thạo làm việc nặng nhọc chặt cây khiêng gỗ, còn văn hóa thì ê a, nghe hai từ làm tranh áp phích mà cậu Lục Xuân Hùng người Giáy Hà Giang bảo: em nghe tưởng là thày bảo làm cái phích đựng nước nóng cơ. Mình biết làm thế nào!
Lớp vẽ có hai cậu là cháu nhà thơ Bàn Tài Đoàn là Bàn toàn Chỉnh và Bàn Tiến Thọ mới có lớp bốn! Còn lại đều chưa hết cấp hai, là lớp bảy của phổ thông 10 năm í. Thế là trường láo nháo tổ chức lớp bổ túc 6 tháng để tất cả có bằng trung học văn sử lớp bảy, hợp lý hóa tấm bằng khi học sinh ra trường. Trong hàng trăm học sinh tự trường , có mỗi tôi là có bằng tốt nghệp 10 phổ thông. Lúc ấy, bằng tốt nghiệp lớp mười hiếm hơn Tiến sĩ bây giờ. Thế là tôi được trưng dụng 6 tháng làm thày cho mấy đứa cùng lớp. Chúng mới có lớp bốn lớp năm.
Bởi thế mà trong số 17 học sinh trung học mĩ thuật cùng tôi đã chuyển nghề, bỏ nghề, hưu hót từ rất lâu rồi. Còn nhõn có tôi vẫn làm việc được và sống bằng nghề.
Thế mới biết văn hóa nền phổ thông nó quan trọng thế nào cho sự phát triển. Giáo dục phổ thông mà hổng thì vào học nghề hay lên đại học chỉ cấp cho xã hội những đứa con èo uột. Và như thế một là đứt gánh, hai là dối trá mưu mẹo để tồn tại. Nhất là có cái thẻ Đảng thì vào chỗ nào cũng làm lãnh đạo. Mối nguy có từ trên nửa thế kỉ trước là thế đấy. 11/4/2019 ( còn nữa)