Câu chuyện sổ hưu

doduc
Cách đây 4 năm, vào ngày noen tôi viết bài sổ hưu để khẳng định sổ hưu không phải là phát hiện của thế giới hiện đại. Từ xa xưa con người đã biết đến sổ hưu thậm chí con sóc, con kiến chúng cũng lo đến việc này kiếm thức ăn dự trữ, huống chi là con người.
Sổ hưu là thức ăn dự trữ khi hết tuổi làm việc cho cơ quan công quyền. Đất nước mình chỉ có đâu ba bốn triệu công nhân viên chức, đám ấy rồi có sổ hưu, còn trên 80 triệu dân làm nông và chợ búa thương mại không thuộc trong biên chế nhà nước thì lấy đâu ra sổ hưu. Thậm chí họ vẫn còn đóng thuế đều cho nhà nước từ thuế VAT đến môn bài kinh doanh và thuế doanh thu…ti tỉ thứ trong khi không có sổ hưu, chẳng có tuổi hưu.Vậy mối lo của họ còn hơn đám công chức đến vạn lần.
Nhưng cũng không hẳn chỉ là thế.
Tôi nhớ rằng người Việt từ xa xưa đâu có coi tiền là của cải, mà của cải là con cái đấy . “ Một con một của ai từ”, con cái là cái sổ hưu cho cha mẹ đảm bảo nhất.Tôi cũng đã từng là cái sổ hưu cho mẹ ở quê.
Là cán bộ, có người lo mất sổ hưu, cắn răng chịu đựng kể cả khi cấp trên sai mà không dám nói vì sợ bị mất việc, sau này không có sổ hưu. Sổ hưu là cái miếng ăn, không có thì sống làm sao!
Nhưng có cái sổ hưu khác khá cần có thì lại không mấy ai quan tâm.Đời là thế, chỉ khi rơi vào vận hạn mới thấy.
Xin tạm nói đến câu chuyện khác để đi đến cùng kì lý câu chuyện sổ hưu.
Chắc trên đời này ai cũng nhiều lần nhìn thấy cầu vồng. Cầu vồng nào thì cũng có tay vịn, nghĩa là có một cầu vồng mờ bên cạnh, nó như ánh của cái cầu vồng hắt sang.
Nhưng ở đây không bàn về nguyên lý quang học của hiện tượng thiên nhiên ấy. Mà cái tay vịn ấy ví như chỗ dựa tinh thần cho mỗi người. Giống như đi trên cái cầu chênh vênh mà có tay vịn thì con người sẽ vững vàng tự tin hơn.
Tay vịn đó chính là tình cảm của gia đình và xã hội với mình. Cái này không ăn được, nhưng còn sống mà không có nó thì khác gì chết mà vẫn đi đứng thôi.
Tôi từng săn sóc mẹ già mới nhận ra nỗi cô đơn là cái đáng sợ hơn cả thiếu ăn. Cô đơn không bạn bè, không tình ruột thịt đến với ai trong tuổi già là cái trừng phạt lớn nhất của trời đất đối với những người bất hạnh rơi vào hoàn cảnh đó.
Phật dạy từ bi hỉ xả chính là nói đến cái tay vịn này. Cho là giữ, sống lo cho người khác là lo cho mình. Người sống tốt với con cái chia sẻ với xã hội, có mối bạn bè thâm tình thì đó là đang dành dụm cho mình cái sổ hưu tinh thần giá trị không kém gì cái sổ hưu do nhà nước giữ hộ tiền khi mình đi làm việc, nếu không nói là hơn! Đã có những người sống không tử tế, cái gì cũng bo bo giữ chặt rồi sau này chết trong cô đơn. Có những quan chức khi đương quyền thì không nhớ đến “ dân vạn đại” quen sống hống hách thu vén , xa lánh bạn, chỉ sợ bạn nhờ vả suông , hoặc giúp ai cũng tính ra tiền ra điều song phẳng, rồi đến khi về hưu thì cũng là lúc cô đơn vì mọi người xa lánh.
Nội hàm cái sổ hưu của đời người nên nghĩ rộng ra thì mới thấy nó đáng giá. Còn cái sổ hưu có chữ kí chỉ là một phần của sổ hưu đời người thôi, chẳng cần phải quá lo. Hãy chắn vén cho cái sổ hưu lớn hơn với một nhận thức nhân văn hơn thì cuối đời con người vẫn xênh xang như thời trai trẻ tung hoành. Thiếu sổ hưu đó mới đáng sợ. Thiếu nó, khác gì con người đánh mất bóng của mình!25/12/2016