BUÔNG

Buông
Doduc
1 – Buông. Câu chuyện này theo năm tháng tôi thấy xảy ra ở mỗi người mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác
Chuyện này chưa xưa lắm, chỉ non nưả thế kỉ mà khó có thể quên. Thời ấy là thời bao cấp.
Thường vu Khu ủy là tương đương với cấp phó bỉ thu. Ông ấy thời tại vị luôn hét ra lửa. Lúc ấy tôi là một học sinh mới ra ràng, làm việc đi đâu cũng khép nép, nghe nhiều hơn nói, chấp nhận nhiều hơn phản ứng. Không biết từ bao giờ trong đầu tôi hình thành một cách nghĩ: chỉ là tổ phó thôi, hoặc ra công tác trước mình một ngày thôi thì hiểu biết cũng đã hơn mình rôi, huống hồ các vị trí cao hơn.
Do công việc mà tôi được một số lần tiếp xúc với ông ấy, thì thấy mọi nơi mọi chỗ ông ấy nói chuyện kiểu xoa đầu dạy bảo hoặc ban ơn cho chúng mày…Ông rõ là bề trên cứng cỏi, luôn huấn dụ kiểu thày giáo trên bục giảng. Nhưng rồi tôi nghi nghi khi một lần thấy chữ ông viết vừa sai chính tả vừa loằng ngoằng rau muống trong một văn bản ông đưa hành chính đánh máy do người thư kí đi vắng nên ông phải tự làm khi việc gấp. Thời của ông mọi cấp dưới rạp như ngọn cỏ, ông nói như gió lướt, không ai dám đánh giá gì ông, chỉ biết sợ và phục tùng là chính.
Nhưng rồi cũng đến lúc nghỉ, dù ông cũng gắng gỏi đến gần bảy mươi mới chịu rời nơi làm việc.
Mấy năm sau thằng bạn tôi công tác đi qua Võ Nhai , bảo bất ngờ gặp ông bên đường. Trời rét, ông khoác áo tơi, đội cái nón bật vành, run run trong gió…Ông đi chăn trâu cho con.
Buông tất cả về với gia đình nơi mình sanh ra, buông việc lớn, ông trở về tuổi thơ.
2 – Câu chuyện buông thời hiện tại tôi gặp ở nước Úc lại hoàn toàn khác biệt
Ông bà đã nghỉ hưu một thời gian dài. Ngoài bảy mươi, con cái đã phương trưởng, mỗi đứa một nơi, không còn điều gì làm ông bà bận tâm. Con cái không ở cùng với bố mẹ từ năm 18 tuổi. Chúng đi học rồi ra làm việc mỗi đứa một thành phố. Thăm bố mẹ chủ yếu bằng điện thoại hoặc qua mạng, ít khi chúng về nhà. Tuổi trẻ cuộc sống luôn ở phía trước mặt : học tập, ra làm việc kiếm tiền rồi đi chơi xa. Thăm thú gia đình chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống.
Hai ông bà ở trong ngôi biệt thự giữa ốc đảo xanh đầy tiếng chim mỗi sáng mỗi chiều. Rừng bên đó thoáng, cũng có suối róc rách quanh năm dù nước không nhiều.
Thiên nhiên và điều kiện sống như thế dễ ru ngủ tuổi già. Vậy mà nào có yên. Một ngày đẹp trời, tinh thần minh mẫn, hai ông bà bàn nhau rồi đi đến một thay đổi bất ngờ: Bán căn biệt thự xinh như mộng trong rừng, rồi mua một chiếc xe nhà, trên xe có đủ giường ngủ bếp ăn, toilett và phòng khách và quyết định trên chiếc xe, hai ông bà sẽ rong ruổi khắp nước Úc, sống giang hồ hết phần đời còn lại.
3 – Qủa là đất nào nước ấy, tinh nào thần ấy. Nhớ Chế Lan Viên với câu thơ: giấc mơ con, đè nát cuộc đời con. Những giấc mơ con đến nửa cuối đời chỉ còn biết mơ về nơi chôn rau cắt rốn ảm đạm cho đến lúc xa lìa cuộc đời này, buồn thiu chán ngắt với những con tính tiền xu sao cho cuộc sống gọn đầu kín đuôi.
Trên mạng xã hôi, bắt gặp hai câu thơ của Lương Tử Đức khiến tôi bâng khuâng mãi:
“Gió đồng rửa mặt tha hương /ta về quê chữa vết thương giang hồ” nghe mới thương làm sao!
Hóa ra trên thế gian này, với ta buông là khép lại, với người buông là để sống.Đều là buông cả nhưng nào có giống nhau? 29/6/2017