Bong bóng phập phông

Doduc
Hôm qua ngồi với một ông bạn mới nghỉ hưu. Chưa tan ấm trà đã đứng phắt: Phải về đi đón cháu, đến giờ rồi.
Ông bạn nửa đùa ca cẩm: Nửa đời làm oxin cho nhà nước, còn phần non nửa tiếp tục làm oxin cho con.
Nghe thế tôi chợt nhớ lại thờ đánh Mĩ, bố ra chiến trường, mẹ tối tăm với ruộng đồng. Con cái chúng lớn lên bên ông bà.
Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Lứa ấy chúng lớn lên cũng có đứa hư, nhưng ít hơn bây giờ.

Từ công hòa Sec, một cô bé người Việt tâm sự trên blog: “ Hồi ấy cháu ở với bà. Cái gì bà cũng mắng: “con gái con lứa ăn uống thì phải ý tứ, cứ nhồm nhoàm…con gái gì mà nằm ềnh trên giường khi có khách cũng không biết ngồi dậy thế hả, Đi đứng ý tứ tí nào, gớm cứ như đám ông mãnh, chạy nhẩy vừa vùa thôi, vào đây mà nhặt rau. Hồi ấy cháu ức lắm, thấy bà cay nghiệt. Những lúc ấy mẹ cháu chẳng có ở bên bênh cháu. Nhưng bây giờ đi xa thấy nhớ bà. Bà không còn nữa nhưng có bà mà cháu biết thêm bao nhiêu điều. Nếu không vì thương cháu luôn răn đe thì cháu không thể biết đúng sai hu hu…”.
Tôi đọc dòng com men của cô gái người Phú Thọ ấy cũng thấy cay sống mũi, vì thực tình cô nói đúng cái quan sát của tôi. Trẻ lớn lên cạnh ông bà ít đứa bị hư. Ông bà có nhiều kinh nghiệm sống, chiều cháu nhưng nghiêm khắc nên con cháu được nhờ

Thời bình hôm nay, con cái đi nhà trẻ mẫu giáo mầm non, tối về quẩn quanh bố mẹ được chiều hơn lứa đàn anh đàn chị thời chiến tranh và con đàn. Con cái nhà khá giả hoặc con cái quan chức không phải chịu cái khốn khó thời bao cấp vây quanh. Nhà có người giúp việc, khi cần nó còn dạy cả họ khi cậy thế bố mẹ!
Khi có tiền một số nhà bù cho con như để trả thù cái nghèo đói một thời. Thế là chúng ỉ tiền sinh hư quậy phá, khó bảo. Một số thành hư hỏng hoàn toàn.
Trẻ em đi bụi, có hai loại bụi thuộc hai thái cực: nghèo quá, và giàu quá. Nghèo quá, thì đi bụi lang thang, giàu quá thì bụi phá phách vô lối.

Lại nhớ câu ca dao một thời:
Trời mưa bong bóng phập phông
Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai.
Đấy mới thực sự là thảm cảnh
7/11/2011