Đào phai

Đào phai
doduc
Ngày bé trước nhà tôi cũng có một cây đào. Nó chẳng phải được trồng, chắc là ai đó ăn rồi bỏ rơi hạt, cây đào mọc lên bên bờ dậu, chẳng ai để ý đến nó. Cho đến một ngày kia đào đơm hoa.
Đó là giống đào phai năm cánh mỏng như tơ, sắc hồng nhạt. Bố không cho ngắt hoa, bảo cứ để nó nở cho đẹp. Qủa thật trước dậu ven nhà , có sắc hồng ấm áp của đào thấy không gian thơ mộng hơn. Sang xuân cánh hoa rụng dần để lại những trái đào xanh nhỏ trong veo như mắt con châu chấu tre. Rồi nó lớn phỗng lúc nào không biết. Lúc đào phơn phớt hồng đầu núm, đào to bằng chén mắt trâu rồi dừng lại. Với đám trẻ tuổi tôi, đó là thứ quả tuyệt vời. Vị chua dịu của trái đào cho cảm giác dịu ngọt lan man suốt tuổi thơ.
Sau này lớn lên, có dịp đi đây đó mới thấy trên núi cũng có giống đào phai. Đất Mộc châu cũng hợp với cây đào. Đào sinh ra như để làm bạn với con người chủ yếu giống đào phai cho quả, len lỏi ven bờ đầu làng cuối xóm. Đôi lúc cũng có cây bơ vơ ven đường như cô gái mải rong chơi. Trong rừng sâu tuyệt nhiên không thấy đào. Đào không bao giờ sống cùng dưới tán cây khác. Những cây đào Mộc Châu cành gốc ngoằn ngoèo, trên thân bám đầy địa y rêu tảo, những vẩy to như cánh bèo tai chuột mốc xanh đốm trắng làm cho đào trở nên lụ khụ như ông già có tuổi. Nhưng thực ra gốc đào ấy cũng chỉ dăm bảy năm, nhưng giữa không gian ẩm thấp xung quanh là rêu có nên các loại tảo mới bám vào thân nó. Cây chanh ven rừng có khi có tầm gửi, nhưng đào thì không thấy có. Phải chăng nhựa đào đắng mà tầm gửi không bám vào được. Mùa đào chín người ta chỉ bứt để ăn chơi. Không thấy đào thành hàng hóa bao giờ. Kể ra thời nghèo khó đó, nhưng quả rừng như khế, bứa, dâu da hay mận đào vườn chưa lúc nào thành hàng hóa. Thừa thì cho nhau. Dù vậy nhưng hết mùa cũng không mấy thấy đào bị bỏ rụng rơi trên mặt đất bao giờ. Bọn trẻ con thường dọn sạch
Tuy cùng là đào cánh đơn, gồm năm cánh mỏng như cánh ve sầu, nhưng Hà Giang thì màu đào thắm hơn. Khí hậu Hà Giang thế mà hợp với cây đào. Chỉ 3 năm đào hạt nẩy lên đã có thể ra hoa, bốn năm năm thì cây đào xum xuê phủ nửa mái nhà. Dân vùng đào thì người ta lại không cắt cành cắm lọ trong nhà, mà để tự nhiên cho đào nở đẹp. Họ có ý thức nhân rất văn tự nhiên, sợ cây đau, chỉ cần ngắm hoa trên cây trước nhà là thấy đẹp lắm rồi.
Nguòi Hà Nội xưa ưa thanh cảnh hay chơi đào phai cánh đơn. Chỉ cần một cành đào nhỏ trong lọ để trên góc bàn thờ thôi đã thấy ấn tượng phảng phất sắc đào như tiếng nhạc xa xăm gió thoảng. Nguòi Hà Nội chê bích đào cánh kép chém to kho mặn không chơi, mặc dù bích đào rầm rộ có từ lâu.. Nay thì thú chơi thanh cảnh đó mất dần, nó chỉ hợp với lối sống chậm nhàn tản của một thời đã qua.
Một nghệ nhân đào Nhật Tân, cụ Mầm mới mất năm ngoái kể với tôi: Chơi đào thế theo cụ biết có từ thời Pháp trị. Thời ấy những người trồng đào thế được trọng vọng lắm. Trước tết họ xuống vườn chọn cây đánh dấu. Gần tết thì khiêng lên. Họ trả công sòng phẳng và còn đãi bữa cơm đàng hoàng. Chơi đào là chơi cả tháng. Từ hai ba tháng chạp đến hết tháng giêng mới trả đào về cho chủ gốc.
Thú chơ tao nhã một thời sống chậm của người Hà Nội đã qua. Giờ đây cuộc sóng nhộn nhịp thì đào và người trồng đào cũng hùa theo. Những đào phai trên núi có người rước cả cây, chiếm gọn nửa gian phòng khách. Họ cho vào nhà những cành mới chỉ nhú tí nụ hoa, gốc cắm vào chum nước lớn và dây nhợ giằng chéo giữ chặt mùa xuân trong đó. Nhưng mà nào đã mấy khi ngồi ngắm đào. Nó chỉ như thứ trang trí cho tầm vóc chủ nhân. Người ta đua nhau với thú chơi đào kì lạ.
Nhưng thời nay nó thế. Không gian phố phường ngất ngư bê trông, họa sĩ vẽ tranh to vật vã hàng mét vuông, đào thì choán ngợp phòng khách, hoa thì cả bó lớn…Thế mới đã mới thỏa sự ham muốn tầm cỡ. Người chơi hoa không biết đến hoa, chỉ biết đến chính họ.
Phảng phất đào phai cánh đơn nhẹ như tiếng tơ âm thầm trong gió không còn nữa, mà giờ chơi hoa là bão là giông, là thể hiện bản thân. Hoa lá chỉ còn là cái cớ. Đào đã phai rồi.
27/12/2020