Thèm ấm chè thường

Doduc
Giáp tết tôi nhắn một người chuyên bỏ hàng chè Tân Cương, đặt nửa cân loại trên ba triệu/kg và nửa cân loại rẻ hơn, trên một triệu một kg.
Tôi bảo: chè đợt trước do một người bạn mua của chị tặng, tôi uống thấy ngọt nhưng không có vị chat của chè Thái. Chè nước vàng nhạt, được ba lần chuyên, tạm gọi là giống vị chè xuân…
Nói thế bởi tôi chợt nhớ đến cô bạn đồng hương bên truyền hình mấy năm trước cô qua nhà biếu nửa kí chè. Cô bảo: bố mẹ em làm đại lý chè Tân Cương. Tôi cảm ơn rồi cất vào góc tủ, bỏ quên luôn, vì hộp chè đang uống còn nhiều. Khi dùng hết mới chợt nhớ ra, và lần đầu mang chè Tân Cương ra pha. Tuy ở đất Đại Từ, cách Tân Cương chẳng mấy, nhưng cái danh chè Tân Cương giống như cam Bố Hạ Bắc Giang, cam Vinh Nghệ An, Bưởi Đoan Hùng Phú thọ, bưởi Diễn…cảm thấy nó xa vời khó mà tiếp cận. Cũng bởi tính tôi không cầu kì, uống trà chưa đến mức thưởng thức, mà chỉ là thứ nước uống thông thường mà thôi.
Ngay chè được cho, bảo là Tân Cương mà cũng bán tín bán nghi. Thời này nhiều cái giả dối tràn lan nên tự nhiên tâm thái mình mang bệnh đa nghi nặng từ lúc nào chẳng rõ.
Nhưng rồi, chén trà Tân Cương cô bạn cho ấy rót ra tôi thấy quả là có khác. Nước xanh trong vắt, uống có vị chát thơm mà không đắng. Ngụm chè để lại dư vị ngọt ngào mãi trong cổ họng, lại đậm đà hương nếp…Đúng là danh bất hư truyền. Cảm nhận đầu tiên của ấm chè Tân Cương là vậy. Hóa ra chè Tân Cương ngon là có thật, ngon hơn hẳn thứ chè sao suốt tôi chế biến khi còn ở nhà.
Tôi không gặp lại được cô bạn để hỏi thêm về cách chế biến loại trà này lúc ấy thế nào. Mấy năm sau tôi có nhắn cô mua hộ nhưng không lấy được loại chè như cô cho lần đầu. Nghe nói trà đó có giá trên ba triệu một kí.
Tôi nhắc lại chuyện trà Tân Cương ưống lần ấy cho chị bán chè nghe, chị cười: Thế bác không bảo em trước. Chè Tân Cương giờ có nhiều loại lắm bác. Có loại chát như bác nói, lần sau em mang xuống cho. Lâu nay em bỏ chè ở Hà Nội chỉ loại ngòn ngọt ít vị chát này thôi, Loại này nhiều người ưa dùng. Còn các loại khác bác nói cũng có…
Tôi gốc gác dân vùng chè Đại Từ, Thái Nguyên. Trước khi rời nhà đi học nghề, vẫn lên đồi hái chè, sao chè, vò chè tay đen sì vì chất ta nanh chè bám chặt vào kẽ tay và chỉ bàn tay. Tôi hiểu chất lượng chè sao ngay khi mới hái về khác với chè hái để ôi qua đêm. Chè để ôi hôm sau sao sẽ mất vị thơm ngon, từ vị chát ngọt chuyển sang the đắng…Nên sau này uống chè không cần hỏi người chế biến cũng biết ngay người ta làm chè thế nào.
Nhưng chuyện chế biến chè từ bấy đã trên 50 năm. Cách mạng khoa học kĩ thuật đã thay đổi nhiều lắm rồi. Xưa chè mọc tự nhiên, bón phân hữu cơ, giờ thì thuốc sâu thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ thay thế phân chuồng. Trước sao chè thủ công bếp củi, giờ thì bếp than bếp ga, và lò sao công nghiệp kể cả vò chè cũng có máy thay tay. Sao xong còn công nghệ đánh mốc cho đẹp mặt chè cũng có máy giúp. Chè ngon đắt tiền đến tay người tiêu dùng giống như cô gái đã mac- kê phấn son dày dặn mới bước ra sân khấu. Người ta vẫn bảo tiền nào của ấy mà. Cách chăm bón và sao sấy chè cách đây năm chục năm đã đi vào cổ tích.
Khi biết chè Tân Cương có nhiều loại, người ta có thể tạo ra chè không còn vị chát để hợp khẩu vị người tiêu dùng Thủ đô, và cũng có loại còn vị chát truyền thống nữa… thì hiểu rằng khoa học kinh tế thị trường thì ra không chỉ là bản thể của giới shop-bit, của truyền hình, mà nó sấn luôn cả vào ẩm thực. Đến mức nó có thể cho sản phẩm đứt khỏi nguyên gốc dù vẫn dưới tên cũ. Vậy là cuộc cách mạng công nghệ đã ăn sâu, rất sâu vào cuộc sống hôm nay…
Thế mà giờ đây tôi lại thèm ấm chè thường. Vâng, ấm chè mà hái về sao suốt trên chảo gang bếp củi vò tay. Tự nhiên thấy tin và thèm ước sản phẩm của 50 năm trước. Thành thực mà nói mình ngại sản phẩm biến đổi gene, cũng như chè được khen ngon đủ loại nhưng can thiệp quá nhiều từ phân bón, thuốc tăng trọng và kĩ thuật chế biến sành điệu. Vẫn cho mình cảm giác ghê ghê…
5/2/2021