Thịt trâu ngày tết

Tạp bút
Doduc
Câu chuyện suất thịt trâu ngày tết này có dính líu đến sản phẩm xuất bản, nên tường như là hai việc khác nhau mà lại gắn kết với nhau nhọc nhằn và đáng nhớ…
Một kỉ niệm khó quên trong đời làm biên tập của tôi là thực hiện tập truyện tranh Phạm Tuân bay vào vũ trụ cùng nhà du hành Vichto Gorobatco vào ngày 23 tháng7năm 1980. Chuyến bay kéo dài có bảy ngày 20 giờ. Tập truyện tranh 32 trang, Nhà xuất bản đặt họa sĩ quân đội Huy Toàn thực hiện cũng chóng vánh hoàn tất ngay sau khi con tàu Soyuz hạ cánh một tháng.
Họa sĩ vẽ tranh truyện về chiến tranh thì họa sĩ Huy Toàn luôn là số một, các loại vũ khí từ máy bay các kiểu, xe tăng các loại của ta và đối phương, cho đến khẩu súng cool hay mô hình vũ trụ bác ấy luôn có sẵn trong cái bồ tư liệu. Đặt vẽ về chuyến bay của Phạm Tuân và Gorobatco là đề tài khó nhằn. Ấy vậy mà họa sĩ Huy Toàn vẽ xong trong có 10 ngày, còn đốc thúc nhà in mất 20 mươi ngày thì sách xuất xưởng.Trong một tháng cả vẽ cả in xong cuốn sách thời ấy là hi hữu vô cùng. Cũng là một kỉ lục
Nnững năm ấy sau cuộc chống quân xâm lược Trung quốc ở tỉnh biên giới phía bắc xã hội gần như kiệt quệ, nhà nhà thiếu thốn đủ thứ mà thiếu nhất vẫn là miếng ăn. Nhưng không khí cả nước bừng bừng một khí thế bất khuất. Cái đói cái thiếu cũng được khuất lấp đi một phần bởi khí thế đó.
Dù chưa bỏ bao cấp nhưng manh nha sự tự chủ trong các cơ quan đang hình thành dần. Tiền lương thấp lại chậm, nhà xuất bản phải tự xoay xở việc làm thêm cho công nhân viên chức để có thêm thu nhập như in bản nét tranh tết rồi cho tô phẩm, bồi bìa lịch, mỗi người phải đi bán lịch tết…Mọi suy nghĩ là cho miếng ăn, nghĩ cái gì cũng chỉ để thêm thu nhập cho cán bộ viên chức đỡ khổ. Thế là cuốn sách ra đời vào dịp gần cuối năm được một sáng kiến đề xuất đem làm quà giao lưu kết nghĩa với địa phương nào đó để có cơ hội thêm đấu gạo miếng thịt cho cái tết đến gần
Lúc ấy họa sĩ Đặng Nam ở trong Ban chấp hành công đoàn. Ông là bạn thân của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, mà vợ ông Bạo lại đang là bí thư Đảng ủy xã ở quê tận Thanh Hóa. Ông Nam có trách nhiệm lo hàng tết. Kế hoach được ông trình bày: Nhà xuất bản sẽ đem một lượng cuốn thư câu đối và cuốn truyện tranh Phạm Tuân bay vào vũ trụ vào Thanh Hóa, quê của nhà điêu khắc, làm quà tặng cho cả xã vào dịp tết. Đổi lại xã sẽ bán cho Nhà Xuất bản một con trâu già đã hết sức kéo với giá rẻ để mổ thịt ăn tết
Giáp tết kế hoạch được triển khai ngay. Nhà xuất bản bố trí một chuyến xe vào Thanh Hóa. May mà mọi việc suôn sẻ đến bất ngờ! Trâu già xã cũng tìm ra. Đoàn vào hôm trước thì hôm sau trâu được mổ ngay tắp lự, thịt được đưa ra trong ngày và chia được trên bốn mươi suất cho trên bốn gia đình, mỗi suất một ki lô. Giám đốc đến nhân viên tạp dịch đều bằng nhau. Rất cộng sản chủ nghĩa!
Tôi là người đến nhận phần thịt vào cuối buổi chiều, lúc trời đã nhá nhem, khi trên sàn chỉ còn bốn suất chưa người đến lấy. Suất nào cũng đều ghi tên gài giấy rành mạch. Còn nhớ trong bốn suất thì có Giám đốc và một trưởng phòng. Khi trưởng phòng nhận phần, ông hất hàm hỏi nhân viên hành chính chịu trách nhiệm chia thịt; Suất một cân hả cô? Ông hỏi để cho chắc chắn rằng mỗi người chỉ một cân. Nhân viên gật đầu. Ngần ngừ giây lát, ông lặng lẽ bốc phần của giám đốc đút vào túi, và gài giấy ghi tên giám đốc sang phần của ông. Chắc ông nghĩ phần cho giám đốc nhỉnh hơn.
Bốn mươi năm rồi, mà hình ảnh đó không phai mờ trong đầu tôi. Cái đói, cái thiếu đã làm cho người ta so đo và tính toán đến chi ly,và sự hoài nghi cũng không giấu diếm. Thật đáng thương cho một thời, cái thiếu đói cũng góp phần làm hao mòn tính cách con người…
Còn tôi thì nhớ lại chuyện con trâu già được hiến tế cho cơ quan năm ấy. Nghĩ vẫn thương trâu phải “ra đi” cho cái tết nghèo của cán bộ Nhà xuất bản. Có lẽ chỉ có tôi đeo nặng tâm trạng ấy, vì mình xuất thân nông thôn, gắn với trâu từ suốt tuổi thơ, và luôn nghĩ con trâu là bạn cày cuốc , không bao giờ có thể bị giết thịt.
22/11/2020