Tre già măng mọc

doduc
Có khi nào bạn quan sát cây sấu thay lá chưa. Khi một một lớp lá xanh non xuất hiện thì loạt lá già mới trút cuống. Mùa sấu thay lá nhưng cành sấu không bao giờ trụi thùi lụi, trơ cành, tán sấu bao giờ cũng khép kín. Bàng với bằng lăng thì khác một chút. Cây mận tam hoa cũng vậy. Mùa đông về cây mận, cây bàng, bằng lăng rụng lá trơ cành như cây chết tròng. Mận già thân mốc thếch trông càng ra dáng chết. Nhưng chỉ lắc rắc mưa xuân, là những chồi náu sau lớp vỏ dầy khô khốc của những cành tưởng chẳng còn tí sức sống bỗng bung ra. Chả mấy chốc bung nụ trổ hoa và vài tuần sau đó màu xanh là non đã lợp kín cây. Việc thay lá, với loài sấu là “phụ tử đồng sàng” (cha con cùng giường), với bàng, bằng lăng hay mận lại có vẻ lễ phép, tôn ti trật tự khắc nghiệt hơn. Mắt chồi luôn sẵn sàng, chỉ chờ lá già rụng xuống là mầm chồi nhú ra khoe sức sống của cây ngay sau đó.
Lại có loại cây chỉ nẩy chồi khi cành bị cắt tỉa. Chồi non ngủ trong lớp vỏ già, chỉ đợi cành sâu cành yếu vô dụng được cắt đi nó mới hé mắt bước vào đời. Cây luôn sống theo quy luật ấy. Nó có vẻ tinh tế như con người hoặc quy luật hơn con người !
Cây mít, cây dâu da trồng góc vườn, nếu buộc trâu dưới gốc, vắt quần áo bẩn, chăn chiếu bẩn lên chẽ cành, đố mà cây ra quả. Muốn ra quả phải giữ cho gốc cây sạch. Phải tử tế cây mới cho hoa trái.
Con người cũng vậy, thiếu trọng thị thì rất khó có sự hợp tác!
Người trồng cây có kinh nghiệm luôn biết cách tỉa cành. Những cành vô dụng phải được cắt đi thì chồi non mới bung ra cành khỏe. Người trồng bon sai, tạo cây thế lại càng giỏi trong tỉa cành tuốt lá tạo dáng cho những mầm cây mới ra đời.
Đó là qui luật tự nhiên, Tuy nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc. Không thế thì cây cối sẽ không phát triển được.
Nhìn cây cối rồi nhìn sang con người, thấy con người còn phải học nhiều từ cây cối vì không tự giác như cây cối vào mùa thay hoa đổi lá. Hơn nữa con người lại sẵn sàng quên quy luật vì lợi ích riêng của mình. Vì thế mà càng dễ gây nên mối hại cho chính xã hội loài người!
Nhưng có một người hiểu quy luật ấy là ông Nguyễn Sự , bí thư Hội An. Ông đã hiểu sâu sắc và làm theo quy luật một cách tự nhiên, xin về hưu trước tuổi, khiến mọi người cảm phục.
Nhưng số người như ông Sự quá ít . Một loạt những người đứng đầu Hội đoàn sau khi hưu trong chính quyền, tuổi qua bẩy mươi qua các Đại hội vẫn còn dây dưa cố bám lấy cương vị như lá chuối khô mà không chịu rời tầu, bẹ chuối mủn nát vẫn chưa chịu bóc khỏi thân thì sự trì trệ là không sao tránh khỏi.
Tre già măng mọc là một qui luật. Quy luậy ấy phải được tôn trọng! 9/2020