Đạo lý sống

Doduc
1- Ở nông thôn Việt Nam ta bao đời nay con trâu luôn là đầu cơ nghiệp. Ba việc lớn ở đời: Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu ( an cư, ổn đinh và lạc nghiệp). Không phải ngẫu nhiên có sự tổng kết này. Từ xa xua trong một bài hát Mo kì Yên của người Tày , chuyện con người biết dùng con trâu kéo cày đã đánh dấu một bước ngoặt lớn về đời sống kinh tế.
Cho nên người nông thôn quí con trâu, người miến núi quí con ngựa , con bò vì nó là sự đảm bảo chắc chắn cho cuộc sống của mỗi gia đình. Con trâu con bò không còn là một công cụ thông thường, mà nó gắn bó trở thành người bạn thân thiết với nhà nông, nên mới có câu ca dao tình nghĩa đọng lại:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

2- Hôm lên chợ Bắc Hà thấy một ông người Mông bán ngựa. Nhận tiền xong, ông ôm đầu ngựa, dúi vào tai nó những câu tiếng Mông thống thiết. Rồi ông bỗng khóc rống lên. Lau hàng nước mắt đầm đìa, ông thẫn thờ rời khỏi khu chợ ngựa, dáng đi thất thểu. Ban tôi biết tiếng Mông, bảo ông ấy nói thương ngựa lắm nhưng cần tiền quá phải bán thôi. Ông ấy dặn ngựa về với chủ mới phải trung thành chịu khó. Lúc nào có tiền ông lại đi chuộc ngựa về.
Ngày còn bé trong lần bố bán trâu, tôi thấy bố cũng ôm cổ trâu dặn dò trâu những câu ân nghĩa lắm. Động tác cuối cùng là bước theo vỗ nhẹ mấy cái vào mông trâu trước khi người mua dắt nó ra khỏi cổng để an ủi trâu lần cuối, hai mắt ông đỏ hoe. Có cái gì ngàn ngạt trong cuộc tiễn biệt như giữa con người với nhau..

3- Tôi đã xem một buổi cúng rừng của người Dao ở mạn Mù Cang Chải. Lễ cúng rất to, thức cúng đầy ắp bày ở bìa rừng, được thày Tào cùng với người già nhất bản trịnh trọng vừa rót rượu mời, vừa khấn rừng bằng những lời thống thiết. Nếu đứa trẻ nào chứng kiến cảnh cúng rừng từ bé thì khỏi phải dạy chúng thế nào là tôn trọng, bảo vệ rừng, vì chúng sẽ nhớ mãi cảnh này.
Ngày còn bé, mẹ tôi chỉ phía rừng Na Mận bảo:” Vào sâu hơn nữa là núi Chúa. Nơi ấy là rừng thiêng. Rừng ấy có đủ loại cây ăn quả. Nhưng nếu có vào thì chỉ được ăn no, không được đem về. Con ơi, chỉ vô ý để rơi hạt quả vào túi là bà Chúa làm cho quên mất đường về nhà đấy”. Tôi chưa vào núi Chúa. Nhưng câu chuyện rừng thiêng núi Chúa còn nhớ tới bây giờ.

Đó là đạo lí sống một thời. Bây giờ người ta không sống bằng đạo lí cổ sơ nữa, nên đất đai và rừng rú không còn được tôn trọng. Nó không còn vai trò như người bạn để chia sẻ, cả con vật cũng vậy, tất cả chỉ được coi là phương tiện phục vụ cho con người. Sống trên mặt đất, đi lại trên mặt đất mà coi thường đất, biến đất thành lợi lộc để gặm nhấm thì sẽ có lúc đất sẽ nghiệm thu lại chúng ta..

23/5/3010