Những lần lên Cao Bằng

Những lần lên Cao Bằng

11/1972.Lần đầu tiên lên Cao Bằng thăm bản định cư người Dao của Bàn Thượng Đức. Đường rải cấp phối xấu khủng khiếp. Chiếc xe díp nhãn hiệu Rumani vừa đi vừa đẩy nhọc nhằn chạy gằn trên đường, máy hổn hển, két nước sùng sục. Lúc vượt qua đèo Côlia thì dò dẫm như thằng mù qua đường. Lái xe Lựu cằn nhằn: Đường đất kiểu này thì ba tháng thay một da bơm, biết kiếm đâu ra! Chẳng là máy yếu luôn phải làm việc quá tải, da bơm xăng luôn sục trong nhiệt độ cao nên thoái hóa nhanh.
Tháng 11, cái lạnh được mưa bụi và gió núi làm chất phụ gia xúc tác, khiến ai cũng tê cóng. Gió thốc mạnh qua cánh cửa mất kính, khiến bạt nóc run lên bần bật, chỉ chực rách toang. Bản Chang, đích chúng tôi đến cách xa Uỷ ban xã chừng ba cây số đường, luồn dưới rừng trúc. Trong đó đoạn đầu chừng nửa cây số dốc nghiêng 45 độ. Đi xuống bản hay lên xã đều phải víu cây cỏ ben đường để chống trượt. Trong lúc đang nóng máy, lái xe nhanh mắt đã chọn gồ đất cao lui chiếc xe cà khổ lên đỗ ở đấy đế sớm hôm sau chỉ việc gài số nhả phanh cho xe trôi mới hòng nổ máy. Ở cái nơi lạnh xấp xỉ 10 độ này thì có rã tay quay maniven cũng đừng hòng xe nhúc nhích.
Nhìn về xuôi, đồn Phja Đén( núi đèn) khi lên phải ngửa cổ thì giờ đây nhìn xuống chỉ nhỏ như con ốc sên bị bỏ quên giữa ngàn xanh mịt mùng sương mù. Loáng thoáng bên dệ đường, những bụi mác kham(*)lẻ tẻ, lá đỏ khé lên vì khô khát và rét buốt. Những chùm quả chua chát chứa đựng sự cực khổ vẫn cố giữ sắc xanh giòn, nhưng rồi cũng có chùm tím tái khi hanh heo quá độ.
Lần đầu tiên giữa một vùng rừng sâu núi thẳm, một ốc đảo sống của người Dao định canh định cư có ánh điện của đập thủy điện công suất 45 ki lô oát. Người phụ nữ Dao biết ngồi bên máy khâu, gạo ăn dùng máy xay xát, có radio để nghe tin tức. Một mẫu hình tươi sáng của chủ nghĩa xã hội. Người chủ nhiệm hợp tác xã, anh Bàn Thượng Đức được trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc mấy năm nhưng không lên được anh hùng. Những điển hình như thế là điểm đến của cánh làm báo của ngày ấy, đến để ca ngợi cho mọi nơi học theo. Nhưng rồi mãi mãi chỉ có một mình nó khi nhà nước bỏ tiền đầu tư. Tài liệu tuyên truyền thì lấy ở các báo cáo của ủy ban và Đảng ủy xã. Khác hẳn cách làm báo ngày nay.
Lần ấy khi về gặp một đoàn 5 người Dao lầm lũi đi xuôi. Thấy tiếng xe, tất cả chợt dừng rồi quay đầu lại. Người già nhất trong đoàn nhô ra rất nhanh, tay rút từ trong ngực áo ra tờ mười đồng đỏ rực vẫy vẫy. Lái xe thò đầu ra nói như quát: “Gì thế/xin cho đi nhờ/thế đưa tiền ra làm gì/ để không nhờ được thì trả tiền”. Mọi người bật cười vì cách vẫy xe kì lạ. Xe chật, chỉ còn hai chỗ. Họ chụm lại nói với nhau bằng tiếng Dao rồi quay lại ra hiệu thôi không nhờ nữa. Xe lăn bánh tiếp được hơn chục mét thì thấy đoàn người đã bị gói gọn vào trong sương mù.
21/3/1979.Chiến tranh biên giới. Phía Trung Quốc đã rút. Chuyến đi vào vùng bom đạn ấy không hiểu sao chiếc Gat 69 lại có thể nhồi được đến tám người cùng tư trang, cộng thêm phuy xăng 200 lít, cộng thêm xoong chảo, tạ gạo, nồi thức ăn kho mặn với ngổn ngang đũa bát! Thêm khẩu sten và trăm viên đạn. Ngồi lên lòng nhau, lèn như cá hộp. Họa sĩ, biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa đi vào cùng chiến tranh trang bị như lính hậu cần. Đi để nhận diện chiến tranh, đi để nhìn tận mắt cái tàn nhẫn do người anh em liền núi liền sông gây ra với đồng bào ta. Hôm nay 21/3, đã im tiếng súng nhưng chỉ gặp người tất tả đi xuôi. Cơ quan hành chính Tỉnh đã lui về Ngân Sơn từ sau ngày bị tấn công chớp nhoáng. Tháng Ba, trời khô ráo và lạnh giá. Từ Ngân Sơn đã ngửi thấy mùi chiến tranh tanh lợm. Dư chấn của những trận đánh như còn rung rinh trên khắp núi đồi và làng mạc. Chặng đèo Cao Bắc, những trận địa pháo mới tập kết, chốt trên những điểm cao, đất lật đỏ lòm. Qua Tài Hồ Sìn, nhìn bên đường thấy một xác người còng queo, đã rã hết thịt, chiếc sọ trắng mốc lăn lóc bên cạnh vỡ ra như vỏ dừa. Vẻ như dân thường. Mọi người ngoảnh mặt đi, rờn rợn. Không một chân hương rơi vãi, không một mảnh chiếu đắp điếm vì người sống cũng còn phải đang lo cho chính mình chưa xong. Xe lướt nhanh. Từ đây mùi khăn khẳn của thịt thối bao trùm không gian. Ruồi nhiều như muỗi, vo ve lao vào xe khi ngửi thấy hơi người. Đây đó vỏ hòm đạn, đồ quân trang lăn lóc. Căng thẳng hiện ra trên gương mặt tất cả các thành viên trong đoàn. Qua trạm gác dã chiến trình giấy tờ, chúng tôi vượt ngầm sông Bằng lao vào thị xã. Trước mặt chúng tôi là một thị xã đã bị hủy diệt trăm phần trăm. Nhà bị đánh sập toàn bộ. Những căn nhà mất mái, vách tường đứng mê dại, vỡ loang lổ trông như người chết đã bay mất đầu.
Chúng tôi xuống xe, lặng lẽ trôi trong hoang tàn. Những cột điện bên đường, cái nào cũng bị nổ mìn gẫy chân, quì sụp xuống, cốt thép trơ ra như gân gà, vẹo vọ. Đồ gia dụng bếp núc vung vãi khắp các góc phố. Chăn màn, đệm quần áo cháy rụi lẫn tro than mái gianh. Bên mép sông còn thấy cả chiếc tủ lạnh Saratop bị hất nghiêng kè với đá làm công sự. Một con lợn choai đang thối rữa mất hai đùi phía sau, trông còn rõ vết dao cắt. Tôi cùng họa sĩ Lưu Yên, họa sĩ Trịnh Phòng tản ra tìm góc ghi kí họa. Đào Việt, Hữu Nền lò dò bấm máy, Võ thị Hảo, Hoàng thị thiệu rón rén, mắt tròn xoe ngơ ngác mở sổ tay ra chẳng biết để làm gì khi bất chợt thấy một con lợn sống sót của trại lơn Mỏ Muối trong thị xã đang lúi húi gặm xác của một người lính đối phương ở những phần không có quần áo che phủ. Chưa có người thu dọn chiến trường. Chuyến đi thực tế vào một thị xã bị lính Trung Quốc tàn phá vừa rút để lại nhiều ấn tượng đau lòng khó quên. Đến hôm nay nhớ lại vẫn sôi lên căm giận,.
Lấy nước sông Bằng nấu cơm ngay bên vệ sông. Ăn trong nỗi ám ảnh của túm ruột lòng thòng mắc vào cành cây còn đang phập phều trên mặt nước. Nhưng không còn nguồn nước nào khác thì đành phải vậy. Trưởng ban quân quản đại diện chính quyền, phó chủ tịchthị xã Lâm Ngọc Thụ tiếp chúng tôi trong hầm, bên hông kè kè khẩu súng lục như một sĩ quan chính hiệu, nhắc nhở chúng tôi hãy nhìn kĩ trên lối đi mỗi khi thấy dây dợ. Thường là lựu đạn đã mở chốt móc dây vào nhau, sẽ phát nổ khi có ai vấp vướng. Đó là cách làm của đối phương khi rút chạy để sẵn sàng sát thương những ai vô ý. Trong thị xã còn đầy những quả mìn chống tăng chôn vội, trơ cái mặt thớt lì lợm dọa dẫm. Dưới hầm,chúng tôi vừa nói chuyện vừa giật mình vì tiến AK lẹt đẹt đứt quãng từ khoảng đồi phía xa, đôi lúc lại víu òa tiếng đạn pháo đơn lẻ hoảng hốt dội vào thinh không. Được nghe bao chuyện thương tâm và những hành động anh hùng. Lại gặp xe của Hội Nhà văn: Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Chiến tranh dây dưa đến cả làng văn thơ nghệ thuật, chẳng ai thể ngồi yên. Ở Ngân Sơn trông ông Thuận dài cổ không nuốt nổi miếng cơn rang đãi khách của trạm đón tiếp mà còn thương mãi đến bây giờ.
Kỉ niệm cái đêm ở Ngân Sơn đến bây giờ chưa mờ phai khi cả đoàn ngửi áo của nhau đều phát hiện ra mùi gây thối sực đầy trong thị xã đã ướp vào từ hôm trước. Hẳn nào mà suốt dọc đường về cứ thấy lũ ruồi vo ve bám riết. Đêm ấy được giấc ngủ yên tĩnh. Một bác trung niên chạy loạn khi biết chúng tôi là đoàn cán bộ nhà xuất bản Văn Hóa thì bùi ngùi tâm sự: “ Nhà tôi sập rồi, cháy hết cả. Thế là bức ảnh in cảnh hồ Ba Bề có bãi lau trắng cũng bị cháy theo, tiếc quá”. Đó là bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng chụp vào mùa thu năm 1967 trong lần đầu ông lên Ba Bể…
Lên Cao Bằng lần ấy thế mà đã trên một phần tư thế kỉ.

12/1999. Lại đi Cao Bằng. Đem sách cho vùng biên. Chiếc Dae Woo mười sáu chỗ đóng kín cửa, giá rét đứng ngoài.Trời hanh heo, không một hạt mưa. Lên đến dỉnh đèo Gió đưa mắt về hướng Bắc: Cả một biển mây mù và hơi lạnh. Vậy mà bên này đèo, về phía nam vẫn quang quẻ, tầm nhìn xa trên mười ki lô mét. Lúc này gió mùa đông bắc đang tràn về. Không mấy chốc sương mù sẽ trườn qua đèo tấp xuống sẽ lấp đầy lòng thung dưới chân đèo. Ai đó trong đoàn lẩm nhẩm câu thơ của Nông Quốc Chấn: “ Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ em biết mùa Thu đã hết rồi…”Chỉ khoảnh khắc này mới thấm được cái tuyệt vời của câu thơ vào bậc hay nhất đời thơ ông. Cả đoàn dừng xe, kéo nhau tựa vào cột mốc ven đường chụp tấm ảnh kỉ niệm, dù biết tất cả đều sẽ nổi chìm trong biển sương mù. Cậu lái xe người Tày kể: “Nghe bảo dưới chân đèo này hình như đến giờ vẫn còn lưu giữ một lời nguyền độc: Mỗi năm cứ có một đám cưới , thế nào cũng có một người phải chết. Người ta bỏ thốc độc để hạ độc một người, tốt nhất là khách xa. Nếu không cả bản sẽ gặp tai họa lớn…Mấy ngày nữa thôi, loài người sẽ đặt chân vào thế kỉ 21mà ở đây còn chuyện đó sao?
Câu chuyện đó cũng bảng lảng như sương mù xứ này rồi nhanh chóng chuyển sang chuyện khác. Qua Ngân Sơn, Đèo Cao Bắc dài như dây diều dốc ngược về phía Cao Bằng. Xe lăn bánh trên mặt đường dốc nhưng phẳng phiu. Nếu không bị xô dập bởi những khúc quành dốc cao và những cua tay áo đột ngột làm xe chao đảo thì sẽ tưởng đang đi trên đường cao tốc Nội Bài.

11/2004. Từ Bắc Cạn, con đường lần này như đang trong tình trạng chiến tranh. Hai bên đường, đất bị xé toang đỏ ngòm như một trọng điểm thời đánh Mỹ. Đang là mùa khô nên thi công cấp tập. Xe ủi, xe gầu bạt cua hạ dốc mở đường rộng sang hai bên. Đường nằm trong tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên suốt đất nước. Tất cả cây cối, bụi chuối hai bên đường, các mái nhà bị lợp trong lớp dày bụi đỏ. Bụi thay cho sương mù. Lâu lắm mới lại gặp một cung đường đang tân trang như thế này, như là để gợi nhớ lại thời gian nan của đất nước. Nhưng chắc khoảnh khắc này sẽ qua nhanh để con đường rộng ra cho lưu lượng giao thông sẽ ngày một ngày hai tăng dần lên trong sự phát triển. Đi vất vả trong niềm vui. Đám bụi mờ bất lực khi bị chặn đứng bên ngoài, không làm sao lọt vào được để khuấy bẩn trong xe, tức tối cuốn mù lên như cơn lốc. Ngày mai, Cao Bằng có một hội thảo lớn về “đời và thơ” của đại lão tiên sinh Bàn Tài Đoàn, nhà thơ người Dao vào tuổi thượng thọ chín mươi.. Phải đi vội, không kịp ghé quán bên đường để kiếm vài ống khẩu lam ôn cảm giác thời cơm ống. Lên đến đỉnh đèo Gió, giật mình thấy chiếc xe công ten nơ lật nghiêng khi vào một cua tay áo. Hàng tung tóe. Chủ hàng đững thõng bất lực. Chiếc xe chở hoa quả từ biên giới về. Buôn bán đường này luôn đông như mùa chiến dịch.
Buổi ra về bỏ lại sau lưng một rừng màu ngói đỏ lô xô cao thấp nhà tầng, in sắc nóng lên thềm núi xanh mù. Cao Bằng sống lại, thay đổi diện mạo nhanh hơn cả điều ước của cây đũa thần cổ tích. Xe lại dừng chân bên đèo Gió để mọi người trong đoàn mua chút quà rừng. Lại xúm xít quanh những chồng lọ măng ngâm ớt với mác mật, món gia vị đặc sản của núi rừng.
Bất chợt thấy một bà mẹ người Dao tiền dưới chân dốc. Bà từ trong bản chống gậy lần từng bước nhích ra phố chợ. Trùm lên bộ váy áo truyền thống là tấm áo khoác thùng thình mà một người trong đoàn nhanh mắt đã nhận ra ngay đó là áo khoác Nga. Chắc là quà của con cháu đi học hay lao động từ trời Âu mang về.
Cao Bằng xa. Nhưng mỗi lần lên Cao Bằng đều gặp thêm một nét mới.
13/1/2005-2/2009