Phản biện

Phản biện

Doduc
Trang tử viết: “Cẩn tín thư bất như vô thư”, có nghĩa là: Đọc sách mà tin cả vào sách thì thà không có sách!
Nghe vậy, mới hiểu Trang Tử ra dấu đọc sách cần phải biết nghi ngờ, để phản biện, mà phản biện là nhằm hoàn thiện vấn đề người viết sách đã nêu ra. Thế mới là biết đọc sách
Rất biện chứng, rất sâu sắc!

Thưở còn học ở trường Yết Kiêu, một lần tôi nghe giáo sư Phạm Công Thành nói: Ai bảo cô Tấm trong cổ tích là hiền lành, còn tôi thì không. Cái ác của Cám hại Tấm thì dễ hiểu, còn Tấm giết Cám đem làm mắm gửi cho mẹ Cám ăn thì cái ác ấy tột cùng, mất hết tình người.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe một lời bình có tính phản biện lại một giá trị mà người đời thường thừa nhận từ trước đến nay. Năm ấy là năm 1977. Nhớ ra là đã 24 năm tôi đã đọc sách báo và tin cái gì trong sách báo cũng đúng và không cần nghĩ ngợi gì!

Hai năm sau, vào 1980 nghe Phùng Quán bình bốn câu ca dao về Hoa sen: Sen kết thành từ bùn thối. Khi thành đạt nó khước từ nguồn gốc, nó là bọn tráo trở với nơi đã sinh ra nó – tất cả ở một chữ Gần, chỉ gần bùn thôi mà không phải từ bùn.
“Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền/ Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen/ Nhưng tôi không thể nào tin được/ Câu ca này gốc gác tự nhân dân?/ Bởi câu ca sặc mùi phản trắc/ Của những phường bội nghĩa vong ân!”.
“Vốn con cái của giai cấp cùng khổ/ Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ/ Chúng mưu toan giấu che từ bỏ/ Nói xa gần chúng mượn chuyện, sen.”( thơ Phùng Quán).
Đọc những dòng phản biện (bằng thơ) trên của Phùng Quán, tôi bàng hoàng. Thì ra lâu nay đọc câu ca dao này thuộc như cháo mà mình không nghĩ gì liên hệ đến những cuộc đời xung quanh, thấy mình sống quá hời hợt, quá đơn giản mà đánh mất đi lòng trắc ẩn cần có để chia sẻ với cuộc đời.

Từ đấy đọc cổ tích dân ca, ca dao tục ngữ tôi hay ngẫm nghĩ và thường thận trọng xem hơi thở của câu chữ để nhận diện ra gốc tích phát sinh và nhận ra rất nhiều cái lạ, mới thấy sự phản biện trên không phải là không có lí.
Vâng, phản biện là việc vô cùng cần thiết để nhận ra chân lí!
29/9/2011