Tản mạn Long Biên

Bài dự cuộc thi entry “Cầu rồng kể chuyện ngàn năm”

Tản mạn Long Biên

Doduc
Không biết từ bao giờ, mấy câu lục bát đã nêm vào đầu tôi
Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi
Suốt ngày cầu nhộn nhịp vui
Dưới cầu nước chảy xanh ngời bãi ngô.

Không biết tác giả là ai, Bài thơ hình như đã vào sách giáo khoa cho lứa tuổi lớn lên đi đánh Mĩ . Bài thơ có thể vẽ lên giấy thành một bức tranh.
Tôi thường ê a những câu lục bát trên khi thong dong nằm xoài trên lưng trâu sau mỗi buổi chiều tà đưa trâu về chuồng.
Rồi cũng được biết đến cây cầu khi mùa một mùa hè cuối thập kỉ 50 (thế kỉ trước) bố cho tôi về chơi Hà Nội.
Trên chiếc xe đạp già nua mác Chămpiona lọc cọc, bố chở tôi qua cầu vào trung tâm Thủ đô.
Ngồi sau xe, hết nhìn cây cầu, lại nhìn dòng sông. Hai mông đít giơ xương day đi day lại trên chiếc Poócbaga của chíếc xe cà tàng nhảy tong tong vì mặt cầu khấp khổm mà chẳng thấy đau. Thoáng thích chí, lại thoáng sợ hãi thấy độ cao nóc cầu chót vót khi nhìn lên và thăm thẳm lòng sông khi nhìn xuống. Lứa tuổi ấy, cây cầu và dòng sông với tôi thật hùng vĩ.

Thấp thoáng hai bên thành cầu, thợ cạo gỉ và thợ sơn như những con kiến cần mẫn. Bố kể Long Biên có hẳn đội thợ sơn cầu, cứ cạo rỉ sơn đến đầu bên kia là quay lại bên này làm lại từ đầu, công việc quanh năm suốt tháng chỉ có thế.. Cầu Long Biên thời ấy không bao giờ vắng bóng thợ thợ bảo dưỡng. Màu ghi sáng làm cho cây cầu trông lúc nào cũng dịu dàng.tươi mới, không như nham nhở như bây giờ.

Đó là chuyến đi đầu tiên và cũng là chuyến đi làm tôi nhớ mãi. Trong tâm khảm tôi, cây cầu dài vô tận, nhìn bên này không thấy đầu cầu bên kia. Đây mới là con sông cái, sông Mẹ mênh mang một màu phù sa đỏ cuồn cuộn trôi tít tắp như bài hát Hồng hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê huyền diệu rải dài trong giấc mơ…

Chỉ nghe bố một lần nói đại, cầu sông Cái dài bốn cây số đó con. Có lẽ độ dài thật không đến thế. Nhưng gần năm mươi năm qua, và cả bây giờ, với tôi cây cầu vẫn dài bốn ki lô mét! Biết là không đúng nhưng tôi không muốn thay đổi số đo. Tôi tin lời bố và chỉ muốn nghe một lần độ dài của cây cầu thiêng liêng với lòng kính cẩn vô cùng về sự hùng vĩ của nó là quá đủ.

Cho đến một ngày
Đó là những ngày vào giữa thập kỉ sáu mươi thế kỉ trước, người Mĩ ngụy tạo sự kiện vịnh Bắc Bộ mùng năm tháng Tám để lấy cớ leo thang ra tấn công miền Bắc, dùng không quân thả bom, bắn rốc két nhằm phá những cây cầu huyết mạch. Trong đó cầu Long Biên là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Tôi đã đi trên cây cầu những ngày đó, khi ngửa mặt nhìn lên trụ cầu cao chót vót thấy những khẩu 12li7 và những chiến sĩ bảo vệ cầu như chim xây trên tổ trên cao, hiên ngang lẫm liệt.
Lúc ấy tôi cũng không thấy sợ, chỉ thấy sự quyết liệt của chiến tranh. Nếu là một chiến sĩ cao xạ chắc tôi cũng làm như thế, cũng hiên ngang như họ mặc dù biết ở đó có đủ sự hiểm nguy rình rập.

Rồi những trụ cầu đã sụp đổ khi trúng bom. Con rồng sắt kiêu hãnh trong tâm trí tôi đã sập gẫy hai ba nhịp. Nghe tin ấy tôi cảm thấy như cơ thể mình trúng đạn, xương cốt mình nứt rạn, đau đớn.
Tôi được biết một trong những ụ pháo trên nóc cầu đã dính rốc két của dám giặc trời, người lính chiến bay băng xuống lòng sông Cái, máu hòa với nước phù sa thẫm thêm màu cờ, cuồn cuộn trôi theo dòng. Câu ca dao về dòng sông lại một lần dính máu của những người lính kiên cường. Máu của dân tộc ta đã đổ cho sự sống của cây cầu huyết mạch.

Tên Hồng Hà và sau này là sông Hồng trở nên quen thuộc. Người ta gần như quên mất cái tên thiêng liêng sông Cái, cái tên mà mẹ tôi đã gọi, bố tôi đã gọi,. Đó là tên dòng sông của lớp người già. Đó là cái tên gốc gác đầu tiên tôi biết được về dòng sông này.
Hôm nay trong tôi sông vẫn là dòng sông Cái, mặc dù trên bản đồ và trong sách giáo khoa, tên dòng sông đã được định vị bằng màu phù sa. Tôi nghĩ màu ấy chỉ là mô tả sắc diện của dòng sông, đâu phải tên sông.
Hôm nay với tôi cây cầu vẫn là Long Biên và độ dài vẫn bốn ki lô mét. Tôi không muốn đánh đổi sự mơ hồ lấy con số chính xác vì kí ức tôi muốn cây cầu phải như thế.

Năm nay kỉ niêm Ngàn năm Thăng Long, tôi muốn được gọi to tên những người lính năm xưa từng quyết chiến trên ụ pháo đặt ở nóc cầu, nhằm thẳng quân thù mà bắn. Họ cần được vinh danh. Những người còn sống sẽ là những vị khách số một được đặt chân đầu tiên trên cầu vào ngày mở hội.
Còn cây cầu vẫn cứ là Long Biên. Cũng có thể như bố tôi gọi đó là cầu Sông Cái.
.
Đó là tấm lòng tôi về dòng sông và cây cầu Long Biên quen thuộc.Tất cả đã thuộc về vĩnh hằng.
12h đêm, ngày 11/7/2010
Trân tranh ¾ của Đức và Urugoay (3-2)