Tháng Ba-(1)

ĐỖ ĐỨC
Tháng ba. Vẫn là tháng của Mùa xuân. Trời ấm dần. Những cơn lạnh thập thò từ vùng biên ải như kẻ chơi xấu thỉnh thoảng nghịch ngợm hắt tí hơi lạnh vào nhà mình, nay đang phải rụt tay lại vì thời tiết sắp vào hè. Người bảo khỏe ra, kẻ kêu mệt mỏi, ai cũng có cái lý do của mình. Tất cả là tùy thuộc vào thể trạng của từng người. Cũng có thể tại thời tiết chuyển mùa, cũng có thể vì các chuyện cơm áo gạo tiền. Tháng Ba năm nay, gía cả chao đảo khốc liệt, không ốm không mệt mới là chuyện lạ .
Những ngày này, các bà mẹ đứng tuổi có kinh nghiệm hay dặn dò người nuôi con nhỏ: thời tiết cuối xuân thường độc, ra đường nhớ tránh cơn gió chiều. Cho con chơi rong đừng quên cái mũ che kín thóp. Bước vào mùa viêm nhiệt, không thể coi thường. Chúng chểnh mảng nghe câu được câu chăng. Gớm nói gì mà nhiều thế, cần gì những kinh nghiệm ấy. Việc ấy đã có nơi giữ trẻ, các bà bảo mẫu lo. Các bà mẹ trẻ ngày nay có mấy khi ẵm con đi chơi rong đâu. Đẩy xe nôi cũng đã có người giúp việc. Trẻ con ngày nay không còn biết đến tiếng ru vọng về từ ca dao, cũng như lớp trẻ cũng không cần lắm đến lời dạy dỗ. Kiến thức trên intenet như biển cả mênh mông, còn lời dạy những kinh nghiệm xưa thì rỉ rách như những mạch nước ngầm đang cạn kiệt.
Tháng Ba, tháng cuối của mùa xuân ở nhiều vùng thôn quê vẫn còn í ới lễ hội. Còn nhớ các cụ vùng quê tôi nói về lễ hội thế này: Tháng giêng Đông, tháng hai Đoài, tháng ba duyên hải. Các cụ ngồi nhớ vậy thôi. Cái chân cái sức không chiều được lòng người nữa rồi. Nhưng ngồi ôn lại cũng là thứ trẩy hội tinh thần, cũng cần lắm. Nhưng in ít thôi kẻo lại bị chê là càng già càng lẩm cẩm. Lũ trẻ bây giờ ngoan ngoãn không còn nhiều lắm, nhưng hư hỗn thì lại không ít.
Tháng Ba, tháng của tiết Thanh minh. Nhà nhà không quên chăm sóc phần mộ của người thân. Không ai lại quên lời nhắc của tiền nhân “ Người ta sống vì mồ vì mả chứ không ai sống vì cả bát cơm”.
Riêng tôi tháng Ba rồi mà vẫn không quên ngày 17 tháng Hai 1979. Ngày ấy biên giới phía bắc, các thị xã tan nát, máu chảy tanh lờm. Ngày này dù không ai nhắc nhở nhưng rải rác vùng biên đã có nhiều đám giỗ nhắc nhở. Miền xuôi cũng vậy. Người ta vẫn âm thầm nhớ, âm thầm xót thương vì nỗi đau vẫn ẩn sâu vào xương cốt.
Trước đó, vào nửa cuối 1978, con gái tôi đã phải chuẩn bị ghi tắt lý lịch vào trên tấm thẻ nhôm để đeo vào cổ, chuẩn bị có lệnh là bốc hót lên xe lui về phía Nam, còn bố mẹ sẽ ở lại chuẩn bị đối mặt với chiến tranh. Bây giờ nó đã là nhà báo. Hỏi lại chuyện cũ, thì bảo không nhớ, bây giờ nghe bố nhắc con mới biết. chuyện ghê thế cơ à. Ờ mà lúc ấy con mới có 6 tuổi…
Ôi tháng Ba, tháng chuyển mùa cho một năm mới lại bắt đầu.
3/2012