Tiếng rao

Tiếng rao

doduc
Tiếng rao là một hình thức truyền thông trong cộng đồng. Ở ta, tiếng rao có rất sớm từ nơi công quyền. Đó là mõ ở làng quê. Nhà mõ “ chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ tây đông” kèm theo hồi mõ cốc cốc theo lệnh của Lí trưởng là để thông báo trát quan, hoặc có khi chỉ là việc nội bộ của làng để thực thi hương ước, giữ gìn trật tự xóm thôn, mùa hanh khô thì cảnh giác chuyện củi lửa…Rõ ràng nhà mõ là tổ sư của nền thông tin đại chúng .
Còn các tiếng rao khác rải trên các ngõ làng đều gắn liền với việc mua bán trao đổi. Đó là ông đồng nát đổi bán hàn nồi hơ chậm rãi và miên man. Bà lông gà lông vịt tóc rối đổi kẹo đơi ngắn gọn và hiệu quả vì cái kẹo kéo óng ánh tơ vàng luôn là thứ hấp dẫn với mọi đứa trẻ trong xóm. Ông lang Tàu thuốc ê thì quảy bộ cao đơn hoàn tán chui rúc từ đầu làng đến cuối xóm. Còn gã hoạn lợn ơ, chân bước phăm phăm, tay lăm lăm thòng lọng. Trong túi đã thủ sẵn con dao lá lúa sắc lẻm.
Những nghề kể trên cũng dần dần đi vào dĩ vãng cùng với sự phát triển. Nghề hàn nồi nay không còn vì các loại nồi nhôm rồi đến nồi inốc tiện dụng đã thay thế trọn vẹn đồ đồng nên làng xóm cũng mất luôn tiếng rao. Bà tóc rối đổi kẹo giã biệt làng quê khi kẹo bánh công nghiệp tràn lan, cái kẹo kéo không còn hấp dẫn lũ trẻ. Ông lang Tàu thì mất hút từ lâu. Ông thợ hoạn lợn cũng bỏ rơi thòng lọng vì lợn giống được cung cấp từ trại nhân giống họ đã làm trước việc của ông rồi.
Phố phường Hà Nội là cái phố kẻ chợ nên lắm tiếng rao. Tiếng rao cũng gắn liền với một nghề đi rong. Từ ông mài dao kéo, bác bán tào phớ, và chị bán rau xanh. Tiếng rao ngày nay rất phong phú và đa dạng. Người bán kem thay tiếng rao bằng cái còi bóp í oe, hàng thị bò khoo thì đánh kéo tanh tách, anh chàng cân điện tử sức khỏe thì dùng một khúc nhạc không lời, chị đẩy xe quần áo hoặc chú bán dây rợ xích chó cùng các đồ lặt vặt thì ca cải lương hoặc nhạc sến.. Ông thu mua đồ điện hỏng thì nhong nhong xe đạp biến lời rao thành câu lục bát vui vui “…mô tơ xe đạp quạt bàn / nếu không dùng nữa thành hàng bán đi”. Trong các ngõ nhỏ luồn sâu vẫn còn bà bán bánh đa kê ê a ai kê nào ào ào ào…tận tình. Món hàng quê đặc ấy vẫn còn có cụ già và trẻ em chuộng. Cô bán báo thì gắn loa điện mở hết công suất, phát lời rao thu âm sẵn từ một tay đàn ông có giọng ám khói. Hôm nào cũng toàn chuyện giết người, cướp bóc, hãm hiếp, bắt bớ, cũng không rõ chuyên gì với chuyện gì. Ở một đoạn phố khác, vẫn tiếng loa rè ấy lại hóa xe đạp của một thằng choai.
Có một thứ rao câm lặng khá phát triển dù rất mới, đó là bấm chuông, gõ cổng. Lúc là một cậu choai, hai mắt trao tráo mời mua tăm cho hội người mù. Khi một cửa hàng gas mới mở đến ném tờ rơi gợi ý mua một bình dùng thử, rồi quán đặc sản mới mở, đến ăn được giảm giá hai mươi phần trăm, một trung tâm nha khoa tư nhân mới thành lập mời kiểm tra răng miễn phí, hội khoan giếng lọc nước, bảo đảm nước khoan lên tiệt trùng, có lúc lại là mấy bà dáng vẻ thật thà một cách đáng ngờ mở sổ ghi tên xin tiền công đức sửa chùa ở tận đẩu đâu, hoặc có lần một vị tu hành đi bán hương giá cao với lời lẽ từ bi hơn cả lời đức Phật, toàn những lời rao mời ngọt ngào miễn phí. Có hôm nghe tiếng chuông, ra nhận được một cạc-vi-dít và lời nhắn in sẵn: nếu muốn cho thuê nhà, xin liên hệ số máy… Ôi cơ man các loại tiếng rao có âm thanh và tiếng rao thầm lặng với những lời thân tình bất ngờ của những người lạ hoắc, ngọt ngào hơn cả họ hàng thân thích, gần hơn cả anh em ruột già. Riêng thằng khoan bê tông và sửa chữa điện tử điện lạnh thì khác, nó lặng lẽ xịt lên cánh cửa tiếng rao câm lặng chỉ là dòng trổ số điện thoại.
Đường phố vẫn còn đây cô bánh khúc, anh bánh bao, chị bán bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ/ Bánh mì Sài gòn ruột đặc chiên bơ . Họ xuất hiện từ tinh mơ, phần nhiều nhong nhong trên xe theo các ngõ phố chen lẫn khúc đơi và paa…ao à, lặp đi lặp lại như chiếc đĩa hát bị lỗi. Còn sau đó là ông khóa ơ ngắn gọn thoắt đến thoắt đi. Nhưng xuất hiện với tần xuất cao bây giờ phải kể đến là các chị đồng nát mua giấy vụn, và các đồ thập cẩm được thải ra, miễn là còn còn sửa sang chế biến dùng tiếp hoặc bán được dăm ba đồng. Tiếng rao của các chị là dãy chữ mất dấu, ê a như trẻ con tập đánh vần một ngoại ngữ khó. nghe chẳng hiểu là gì, vậy mà ai cũng biết ngay đó là chị đồng nát. Bây giờ lại có thêm nghề đánh giầy khâu giầy dạo, thử sức kiếm sống trong môi trường mới cũng góp một tiếng rao mới của thời người khôn của khó.
Tiếng rao phố phường thôn xóm hôm nay vẫn còn. Có những tiếng rao mất đi như nghề đồng nát, thuốc ê, hoạn trâu hoạn lợn. Có tiếng rao bền vững như ông bán phớ, như chị bán rau cô bánh mì và xuất hiện loại tiếng rao câm lặng thời kinh tế thị trường đó là những số điện thoại đầy dịt trên các cột điện, trên tuờng rào phố rao việc xin việc.
Sau mỗi tiếng rao là một số phận Và còn bao nhiêu số phận khác phụ thuộc sau các tiếng rao? Tiếng rao là nhịp sống của đường phố và làng quê chúng ta. Nếu một ngày nào đó bặt tiếng rao, có lẽ ta sẽ bị cảm giác bị lạc mất quê hương. 2010