Vá víu

ĐỖ ĐỨC
Căn phòng làm việc của tôi ở gác hai.có cửa sổ to nhìn xuống đường. Tòa nhà nằm sâu bên trong, chừa ra phía mặt đường một khoảng sân rộng dể có thể đỗ được ôtô. Hàng rào găng tây ken dày, có gốc sù ra mốc thếch tuổi tác. Thềm đường bên ngoài rộng trên hai mét có hàng cơm nguội già nua, gọn ghẽ những tán lá nhỏ dày. Mùa đông, cơm nguội trút sạch lá, trơ lại gốc cành gân guốc. Khi xuân sang, chỉ vài cơn gió nồm kéo theo phây phẩy mưa bụi là những chồi những nụ dần dần thức dậy. Từ những chấm chồi lá mạ mơ hồ như hạt bụi trên cành, chỉ vài ba ngày sau, các cành lăn tăn đã được phủ kín một màu xanh óng ả, sắc xanh trong veo dưới nắng xuân. Những ngày ấy, chim khuyên thường kéo cả đàn lích rích trong vùng xanh lá, cần mẫn nhặt sâu bọ, mẫn cán như những công nhân môi trường
Lai lịch căn nhà cũng chẳng ai biết và cũng chẳng ai quan tâm, cho dù một phần ba thời gian trong ngày người ta gắn bó với nó. Tôi cũng nằm trong đám thờ ơ ấy. Cuộc đời cán bộ, chuyển công tác, trả lại căn hộ tập thể rồi đến phòng mới ở cơ quan mới đã thành chuyện trôi như dòng chảy.
Hàng ngày ngồi trên phòng làm việc nhìn xuống đường thấy dòng người qua lại nhộn nhịp, có cảm nhận cuộc sống thật êm ả. Đấy là những ngày đầu giải phóng miền Nam. Đời sống vẫn khó khăn, nhưng chúng tôi gắn kết và tin ở chính sách, tin ở lãnh đạo. Khi có niềm tin thì cuộc sống nhẹ nhõm hơn nhiều, vì còn hi vọng ở tương lai.
Nhưng rồi những thuận lợi cứ trốn dần, tương lai lảng vảng đâu đó như là khách bồng lai phiêu du thờ ơ với tất cả mọi người.
Hết lớp lãnh đạo này đến lớp lãnh đạo khác đi qua mặt chúng tôi. Họ đến rồi đi. Ông thì thuyên chuyển do được thăng chức, ông thì bị kỉ luật, ông thì rờ rẫm ba năm không làm nổi việc gì, khiến cán bộ kêu như ri, nên ông phải đi nhận việc nơi khác. Ở nơi khác, họ có khá hơn không cũng không ai biết. Họ cũng huyền bí như lai lịch cái nhà chúng tôi đang hàng ngày làm việc.
Đời giám đốc thứ ba thì căn nhà có chuyển động đôi chút.
Nghĩa là Bộ chủ quản cho tiền để nâng cấp căn nhà.
Thế là cái cửa sổ nhìn ra hàng cơm nguội của tôi bị bít kín, căn phòng tôi làm việc tách hẳn khỏi thế giới bên ngoài. Ngày đầu chưa quen, thấy như như mình đang giữa bầu trời bị đưa vào cõi mê. Các cánh cửa gỗ cũ dù còn trơn tru nhưng lớp sơn ngoài đã rạn bong phải dỡ ra thay cánh mới đóng gỗ xà cừ. Thợ vừa giao nhà nghiệm thu thì cánh cửa đã xệ. Ra vào đóng cửa phải đứng ré chân chèo lấy đà.
Cấp trên bảo đó là sự phát triển, cấp dưới bắt đầu biết nói ngang bảo đó là sự vá víu. Sửa sang gì thì cũng vẫn là múa tay trong bị, chỉ làm hỏng căn nhà vốn đã rất hợp lí. Nhưng nhà sửa xong thì giám đốc cũng xây xong nhà riêng, thế chẳng phải điềm tốt là gì.

***

.. Đầu những năm tám mươi, sau 5 năm giải phóng đời sống rã rượi trong sự mất giá của đồng tiền. Giấc mộng vàng son cốc sữa buổi sáng, ti vi trong mỗi nhà đi tong. Lúc khó khăn người ta hay nghĩ quẩn hay là tại sửa nhà? Sửa tuy có rộng ra nhưng phá đi mất sự thông thoáng nên làm ăn bí rì Thế là người ta nghĩ đến lai lịch cái nhà và hướng nhà. Hay bị động long mạch? Lúc ấy mới dần hé lộ đây là cái nhà thương từ thời pháp chuyên về sản khoa. Ồ, hóa ra phòng giám đốc nằm đúng phòng hồi sức cấp cứu, hẳn nào. Biên tập là phòng hộ sinh, kế hoạch tài vụ nằm đúng phòng khám, hành chính thì đóng ở phòng đón tiếp bệnh nhân. Phát hành nằm trúng phòng lưu. Hóa ra một cơ quan xuất bản giống hệt một nhà hộ sinh từ chức năng đến vai trò xã hội, chỉ khác cái tên gọi.
Tưởng chỉ cơ quan tôi như thế. Ngồi phàn nàn tại quán nước thì hóa ra các cơ quan thủ đô đều thế cả, vá víu trong cái khuôn viên được phân phối là chuyện thường ngày ở các cơ quan từ bảo tàng đến cục vụ viện. Cứ hở tí không gian nào là người ta nghĩ chêm vào đó một diện tích có thể khai thác ra tiền, ví như cho thuê làm kho, làm ga ra, ki-ốt hàng…Hóa ra sự vận động đi lên của thành phố y hệt việc gì làng xã, vẫn tùm hum vá víu sau cái lũy tre. Kiến trúc sư thì quên nghề không gian của mình, được mời sửa sang là có tiền, hành nghề theo cung cách người làm thuê kiếm sống. Chỉ tư vấn thêm vào chứ chẳng mấy khi ngăn cản.
Hình như đến giờ mọi việc vẫn như thế.13/1/2009