Kinh nghiệm vẽ giấy dó

Giấy dó dùng vẽ thì để càng lâu năm càng tốt.

Thời tiết Việt Nam hai mùa nóng ẩm. Giấy dó hút ẩm, ẩm thì giấy ngậm nước mềm ra, còn nóng thì giấy khô đi. Sự co giãn giấy do thời tiết là cho chất keo kết dính hoai dần đi. Độ mềm mại tăng lên và độ loang khi gặp màu tốt hơn.

Tranh giấy dó 8x16cm
Tranh giấy dó có độ trong trẻo và tinh tế trên sắc giấy ngà mầu, 8x16cm

Giấy dó mới sản xuất , mặt dó thường đanh, độ loang không mềm, không đều , thậm chí đểlại cặn. Nên, nếu thích vẽ dó thì khi gặp dó tốt nên mua cất đi, để đó dăm bảy năm, mươi mười lăm năm sau mới vẽ càng tốt.

Giấy dó nguyên chất màu hơi ngà, nhắm mắt lại, đặt bàn tay lên mặt giấy cho ta cảm giác mịn mát. Bây giờ muốn có dó loại ấy về Yên Phong Bắc Ninh đặt cũng được, chỉ có điều giá sẽ cao hơn giấy dó thông thường vài lần.

Giấy dó tốt, có thể bóc đôi bóc ba,mặt giấy vẫn mỏng đều nhau mà không rách.

Còn giấy dó thông thường thì tỉ lệ sợi dó thấp trộng cùng bột giấy bao bì hoặc giấy bãi bằng. Giấy này chịu lực kém. Nhưng do liên kết với sợi dó nên cũng khá bền vững.

Dó hiện nay thông thường có dó đơn (1lần), kép đôi (hai lần) kép ba (3 lần).

Vẽ giỏi, nắm được tính nết của dó mới có thể vẽ nổi dó đơn. Chỉ cần nước đầu bút quá nhiều là mặt Dó dễ bị tổn thương.

Dó lâu năm thì độ loang vô cùng mềm mại và loang đều.

Vẽ dó dù công hay phá cũng đều phải thư thái nhẹ nhàng. Dó như cô thiếu nữ khó tính, không dễ gần, nhưng khi biết cách gần thì dó cho cái cảm giác ngọt ngào của chất liệu tuyệt vời đến mức không ngờ tới.

Khi cứng, thì dó cũng rắn như đá, cứng như kim cương. Khi mềm cho cảm giác hơi nước mát, hoặc khói ảo sương mờ cảnh thiên thai. Khi cần tạo nên không gian chuyển động chỉ cần một hai nhát bút là đủ, mà không cần đánh vật như sơn dầu hoặc gò lưng trên vóc như sơn mài…

Cũng như với chất liệu khác, vẽ dó cũng cần có những kĩ năng thành thạo từ cách lấy mực, đi bút, hướng cây bút như thế nào để tạo ta cái mình cần. Vẽ dó càng cần những kĩ xảo hoạt bút và dứt khoát. Có thể ví việc xử dụng cây bút phải thuần thục như kiếm pháp. Dó không dùng cách đi bút xuề xòa chậm chạp trù trừ thiếu dứt khoát. Giống như các bộ môn nghệ thuật khác, giống như vũ nữ ballet tập gióng cả ngày để khi lên sàn diễn chỉ vài chục giây hoặc một hai phút. Nhưng đó là những giây, những phút hoàn hảo. Vẽ dó cũng vậy. Cho nên người vẽ dó, hàng ngày đều nên dành một số thời gian luyện bút để quen dần từ cách lấy mực đủ độ đến đi bút sao cho thuận với ý muốn của mình.

Tranh giấy dó  A3, 1992
Tranh giấy dó
A3, 1992

Vẽ dó càng ít màu càng tốt, càng ít sặc sỡ càng hay. Dó không ưa sự lòe loẹt, càng không ưa sự cẩu thả. Tuy là chất liệu thủ công đồng quê, nhưng lại kiêu sa đài các như chốn cung đình, vô cùng khó tính, không dễ chiều chuộng chút nào.

Đó là vẻ đẹp kiêu sa của dó mà nhiều khi chỉ người sành mới thấy. Còn nhìn dưới góc độ giá trị qui ra tiền thì dó chỉ là miếng giấy không đáng giá. Vậy mà dó kén người vẽ nhưng lại kén luôn cả người thưởng thức.

Dó ở ta thường dùng để in tranh khắc gỗ.

Tranh khắc gỗ "Tình Yêu" in trên giấy dó.  Hoạ sĩ Đỗ Đức.
Tranh khắc gỗ “Tình Yêu” in trên giấy dó.
Hoạ sĩ Đỗ Đức.

Để khi in bắt mực tốt thì trước đó người ta rải giấy xuống đất, để chừng hai ba ngày cho giấy bắt ẩm mềm ra. Khi in mực bám đều và chắc theo ý muốn. Vẽ cũng nên làm như vậy co giấy dễ thấm, dễ hút màu.

Ở nhà tầng nền xi măng hay sàn gỗ thì rải dó xuống mặt sàn, dùng bình xịt tưới hoa cây cảnh, phun bụi nước xuống từng tờ xếp rồi chồng lên nhau, dùng tấm gỗ dán ép lên bề mặt dể đó vài ba ngày rồi đem ra dùng. Hiệu quả sẽ thấy ngay.

Vẽ dó đơn, không nên bồi biểu. Hãy đặt tờ dó lên nền giấy trắng, đính hai góc trên.Làm như thế mặt tranh trong vắt, màu dó ngà trở nên quí, tranh không bị bì mặt như bồi. Lại tránh bị mốc do hồ khi tranh bị ẩm, giữ tranh được lâu bền trong khung kính.

Đây chỉ là vài kinh nghiệm nhỏ cá nhân rút ra từ trên hai mươi năm vẽ dó. Mỗi người có một cách. Theo tôi vẽ do bằng màu thiên nhiên tự chế như nước hoa hòe, nước quả dành, nước củ nâu, nước vỏ nhội, vỏ quả vải hoặc nước chè ca phê dều rất thích hợp. Màu lấy từ thiên nhiên thường bền vững và trong trẻo trên dó.

Tranh dó nếu vô tình bị gập nhàu, bạn đem vuốt phẳng, rồi đặt tờ giấy báo lên trên, dùng bàn là để độ nóng trung bình, là nhẹ vài lần là tờ dó trở lại phẳng phiu.

Tranh dó xếp phẳng, kẹp giữ hai tấm bảng gỗ dán rồi để vật nặng nén lên trên thì dó đều trở về phẳng phiu như chưa hề bao giờ nhàu nát.

Giấy dó thật là quí!

16/7/2014

 

 Xem thêm:

Tự sự: cái duyên với giấy dó

Giấy dó và tranh giấy dó

Tranh khắc gỗ 

Xem toàn bộ tranh Cao Nguyên Đá Gallery

 

 

 

  2 comments for “Kinh nghiệm vẽ giấy dó

Comments are closed.