Chuyện năm xưa

Chuyện năm xưa
Doduc
Ông Thuận là ủy viên Ban biên tập.
Uỷ viên biên tập của tờ báo có hai người. Hai ông đọc duyệt bài, đôi khi được ủy thác viết xã luận. Cũng có lúc làm bài vở thay tổng biên tập đi vắng. Tôi không biết vị trí Ủy viên to bé thế nào, nhưng cùng với ông Phó tổng biên tập làm thành bộ ba quyền lực nhất trong tờ báo. Phóng viên thì như những con ong thợ đi lượm bài vở trong các chuyến đi xuống cơ sở rồi đem nộp.
Ông Thuận ít nói. Ít nói trong đời thường đã đành, ngay trong các cuộc họp ông cũng rất kiệm lời. Tôi hay bắt gặp ông ngồi lặng tờ với vẻ mặt tư lự hàng giờ trước đống bài vở phóng viên nộp.
Có lẽ ông là người cô đơn nhất tòa soạn.
Chiến tranh nên hầu hết anh em ở lại trong tòa soạn. Phóng viên hầu hết vợ ở quê hoặc làm việc nơi khác. Nhà ngay trong thị xã nhưng ông cũng hay ở lại tòa soạn. Phóng viên ăn bếp tập thể, ông ăn cơm nhà nhưng ở tòa soạn cũng nhiều lần thấy ông ngồi thừ với cút rượu, rá rau húng và bát nước mắm. Mỗi lần như thế tôi cảm thấy hình như đang có câu chuyện tay ba giữa ông cúti rượu và rá rau húng. Không có âm thanh nào thoát ra trong buổi trò chuyện. Dường như giữa họ có đường truyền ngầm tự hiểu nhau và cuộc trò chuyện khá tâm đắc. Bộ ba lặng lẽ với nhau hàng giờ mà ông là người cầm chịch. Đến khi gương mặt ông tái xanh cũng là lúc cút rượu cạn tới giọt cuối cùng và rá rau húng cũng biến mất luôn.
Mãi sau này tôi mới biết cái phức tạp trong nội bộ Đảng cơ quan tưởng như khá thống nhất đoàn kết ấy có ảnh hưởng đến tính lầm lì cô độc nơi ông.
Ông buồn vì bà vợ một nách bốn con, lương ông không đủ nuôi, bà hàng ngày phải ra chợ buôn bán rau cỏ nhặt nhạnh thêm. Có lúc bà vào làng Túc Duyên ven sông Cầu mua cả vườn bắp cải, xu hào. Rồi ngày chợ bà cùng hai đứa con gái lớn kéo cái xe cải tiến chất đầy rau đem ra chợ.
Như hôm nay chuyện đó quá đỗi bình thường. Nhưng cách đây hơn bốn mươi năm lại là bất thường.
Hóa ra họp chi bộ ông bị cạo lên cạo xuống, phê bình vì là Đảng viên, Uỷ viên biên tập mà vợ lại dính vào buôn bán. Nói như bây giờ là vi phạm quy chế của Đảng.
Ông cũng chẳng dám kêu trời. Rồi ông phó tổng cũng xắn tay vào giúp ông tìm việc cho bà vào làm việc ở một cơ quan nhà nước. Vì ông, bà phải nghe và bỏ lại sau lưng cái nhọc nhằn ra chợ hàng ngày bằng việc khá: nhận làm cấp dưỡng ở nhà ăn Đài phát thanh Khu tự trị Việt Bắc.
Ngày ngày đạp chiếc xe cọc cạch, pê đan chỉ còn lại cái bút chì, sáng sáng sang bếp Đài, chiều về đèo theo cái xô đựng nước gạo và chút ít cơm thừa canh cặn về đổ máng nuôi con lợn.
Kẽo kẹt được một năm thì công đoàn nhà Đài phát động sáng kiến thi đua. Tổ cấp dưỡng cũng không thể đứng ngoài. Một sáng kiến đưa ra, bếp ăn nuôi thêm con lợn bằng cặng rau thừa và canh cơm cặn để cuối năm nhà đài có bữa liên hoan. Sáng kiến đó xóa sổ luôn chuồng lợn riêng của bà Thuận. Bây giờ đi làm về nhẹ tênh nhưng nhà không còn chuồng lợn nữa!
Thêm nửa năm nữa, không chịu nổi bà Thuận đi đến quyết định dứt khoát.
Bà bỏ việc bếp nhà Đài. Một buổi sớm bà đến gõ cửa phòng ông Tuấn người đứng đầu tờ báo tuyên bố xanh rờn: “Hôm nay tôi đến báo anh, không còn làm việc cấp dưỡng bên Đài nữa. Tiền lương không đủ nuôi con, tôi sẽ lại ra chợ. Tôi sẽ ly dị ông Thuận để ông ở với Đảng của ông, cho Đảng ông trong sạch và từ nay xin ông cùng với Đảng của ông đừng hành ông ấy nữa, không có cớ nữa!. Theo các ông thì con tôi không có cái đổ vào mồm. Con tôi chết đói, các ông có nuôi hộ chúng cho tôi được đứa nào không, Đảng có gì cho tôi nuôi con không hay chỉ được cái mồm đạo đức giả…”
Bà té tát. Ông Tuấn lặng im. Xưa nay ông luôn có thuật lấy tĩnh chế động và luôn thành công. Nhưng lần này xem ra ông bẹp dí. Thất bại hoàn toàn!
Tôi chứng kiến cảnh đó và chợt nhớ tới chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố với đàn con thơ và cái đói mờ mắt. Người mẹ vì đàn con, bà bất ngờ trở nên hung dữ như chim chèo bẻo đánh quạ khiến ông không nói được lời nào!
Xả cơn giận dữ xong bà quay phắt ra về , không thèm đứng lại nghe lời giải thích hay khuyên bảo gì của thủ trưởng chồng mình.
Rốt cuộc thì ông bà Thuận cũng không bỏ nhau. Bà lại ra chợ buôn rau xanh và chi bộ thôi không hành ông trong những buối họp xây dựng Đảng của chi bộ nữa!
Chục năm sau khi giải thể Khu, tôi quay lại Thái nguyên định tìm đến thăm lại ông bà Thuận mới biết cả hai đều đã khuất núi.
Đi trên đồi Kép le giờ chi chít nhà xây, chẳng ai còn nhớ ông bà, Còn tôi trong đầu vẫn hiện lên hình ảnh hai ông bà Thuận với nước da đen cháy, lúc nào cũng thấy mồ hôi đẫm áo và rất hiếm hoi nụ cười. Những Đảng viên lam lũ ngay trong công sở và những cái ấu trĩ của kỉ luật Đảng thời ấy luôn được đem ra hành nhau mà Đảng vẫn không khá lên. Mãi giờ mới hiểu vì sao!
17/7/2018