CHỈ CÓ TRỜI BIẾT

CHỈ CÓ TRỜI BIẾT
doduc
Tên em nghe như tiếng nước suối giữa đại ngàn, lúc rộ lúc mờ như trong xào xạc gíó núi. Thật đẹp! Còn tên chồng em giống núi tiền, đọc lên người nghèo giật mình, kẻ tham nhũng thì trợn mắt muốn vồ lấy cất đi. Cuộc hôn nhân đôi ấy thật môn đăng hộ đối. Vợ là tiên trên núi, còn chồng cự phú thủ đô, cùng là diễn viên một đoàn, sống chẳng thiếu gì từ vật chất đến tinh thần.
Tôi quen cả hai qua vợ. Nhà tôi là vũ công ba lê, nhưng ở đoàn văn công khác. Đôi bạn kia ở đoàn khác. Nhưng cùng nghề nên đều quen biết nhau qua các hội diễn thường niên. Quen sơ thôi, nhưng cũng đủ để giao tiếp thân tình. Sau đấy biết thêm em là em gái vợ bạn thân của tôi. Em cũng biết vậy nên gần tôi hơn.
Cô vợ tên hay như tiếng suối nước ngân trong đêm giữa đại ngàn ấy có hình thức của một siêu hoa hậu. Cho đến bây giờ bao nhiêu cuộc thi người đẹp đã qua mà tôi chưa thấy hoa hậu nào hơn cô ấy. Người xưa nói, anh hùng và mĩ nhân là báu vật ở đời, thì bảo cô ấy là mĩ nhân chẳng sai tí nào!
Thời chiến tranh, một tí phấn son cũng chỉ dành cho trang điểm khi lên sân khấu biểu diễn, còn đời thường là mộc trăm phần trăm. Vậy mà cô ấy vẫn dày dặn phong độ tiên dung, gương mặt lúc nào cũng rưng rưng như phủ phấn, mắt sáng long lanh mà hiền dịu, phong thái khoan dung sang nhã tự nhiên. Cái đó trời dành cho chứ luyện cũng chẳng được. Vẻ đẹp cao sang ấy khiến người đời ngưỡng mộ đến mức không thể có ý nghĩ vẩn đục muốn chiếm đoạt nảy ra trong đầu khi nhìn thấy.
Một chiều nọ tôi đến chơi với vợ chồng em ấy ở nơi đoàn đóng quân. Cô bảo chồng: Anh đi mua cho em mấy lạng giò để em làm bếp sắp cơm. Anh Đức hôm nay ở đây ăn chiều với vợ chồng em..
Tôi liếc qua căn phòng son rỗi trong khu tập thể hơn chục mét vuông của vợ chồng em rất gọn gàng ngăn nắp sáng sủa. Chưa lộn xộn tã lót đồ chơi vì em chưa sinh con. Thời chiến kế hoạch gia đình của diễn viên luôn được săn sóc để khỏi ảnh hưởng đến kế hoạch đi diễn phục vụ lưu động.
Bữa cơm hơn 40 năm trước có giò lụa, rượu trứng còn thoang thoảng vị ngon đến hôm nay. Thật tình là tôi không đủ lời tả cảm giác ấy. Thời ấy vợ chồng tôi chỉ cơm với tép rang mặn và rau muống luộc chấm tương. Không có gì để so về hai bữa ăn của nhà tôi với bữa ăn của đôi vợ chồng son ấy. Không phải có khách thì vợ chồng em cũng ăn uống đầy đủ như thế.
Tưởng chẳng có hạnh phúc nào hơn. Có ghen thì chỉ trời ghen với vợ chồng em còn xung quanh thì không thể, không thể vì không ai đủ tầm để ghen.
Đận ấy, đất nước vừa thống nhất được mấy năm. Cuộc sống khó khăn hơn cả trong thời chiến. Mĩ cấm vận, Tàu cắt viện trợ, gây hấn biên giới, việc chưa từng có. Pôn pốt trở mặt cắn ta ở phía Tây Nam và cả trên biển. Đói kém thăm hỏi mọi nhà. Dân tình nhốn nháo. Chính sách cũng nhiễu loạn, thu nhà người mới ăn nên làm ra bằng chỉ thị mồm.Thông tin truyền tai tù mù. Bên thắng cuộc không chìa tay với Mĩ, làm xã hội sây sẩm vì cấm vận và mùi hôi của Trung Nam Hải phả sang. Cuộc sống như bị bóng đè, người dân bất an. Thế là cuộc trốn chạy bắt đầu. Đi đâu cũng được, miễn là không ở lại. Lây như bệnh dịch. Dân văn nghệ cũng bị tác động. Nổi tiếng như ca sĩ Ngọc Tân cũng dắt díu cả nhà xuống thuyền để rồi chỉ còn một mình sống sót .
Chuyến đi biểu diễn nước ngoài năm ấy thành chuyến đi định mệnh gieo tai họa xuống cái gia đình nhỏ bé của em, chịu tai họa là chồng em. Người gây ra chuyện lại là em, người vợ yêu quý mà anh ấy hết sức cưng chiều.
Trên đường đi nước ngoài biểu diễn trở về thì em và một nữ diễn viên khác biến mất ở Băng Cốc. sự kiện này chấn động trong giới nghệ sĩ. Không ai ngờ em, một diễn viên trẻ có năng lực, xinh đẹp, hiền hậu, có một gia đình viên mãn trong mơ ước của rất nhiều người, và nhất là có một người chồng, một chàng tuấn tú phong lưu mã thượng yêu vợ đến chân tóc mà em lại rũ bỏ đi đến một phương trời xa lạ đầy bất trắc. Trốn chạy để làm gì, để làm gì, để làm gì? Hỏi đâu là lý do để nó xảy ra…Không có câu trả lời, không ai có thể lý giải nổi.
Bi kịch như một thứ định mệnh trời xui đất khiến, như không có thật, không thể có thật.Thế mà nó xảy ra thật mười mươi.
Chồng em phát điên, cũng trốn bỏ khỏi đoàn xuống thuyền vượt biển đi tìm vợ, cũng biệt tăm tích luôn. Chuyện đời không còn gì giật gân hơn thế.
*
Bẵng đi dăm bảy năm. Một hôm em nghe tin em về Hà Nội
Em đến tìm tôi. Thời gian đã lấy đi một phần sắc nước hương trời, nhưng em vẫn đẹp với vẻ đẹp đấy đặn của thiếu phụ. Sau đây là câu chuyện em kể lại cho tôi.
Chúng em yêu nhau, cả hai cùng đắm đuối chứ chẳng ai ép buộc. Vâng, hạnh phúc lắm. Vợ chồng như đôi sam quấn quýt, không còn gì mãn nguyện hơn. xung quanh nhiều người thiếu đói còn vợ chồng em chẳng thiếu gì. Hay tại sự quá đầy đủ quá có khi cũng là mầm gây họa! Tối tối, chồng bê chậu nước nóng cho em ngâm chân. Anh ấy nhẹ nhàng rửa chân cho em, dùng khăn bông trắng thấm khô rồi bế em lên giường. Em cũng chẳng biết mình có đáng được thế không. Ban đầu, cảm giác hạnh phúc tràn trề. Nhưng việc đó diễn ra đều đều rồi cũng dần cảm thấy bình thường như vốn nó phải thế. Sự việc kéo dài mãi khiến em thấy nhàm chán, mất dần cảm giác trân trọng thiêng liêng. Một tình yêu nô lệ khiến cuộc sống nhạt nhẽo và dần trở nên vô vị. Lại còn thấy phiền toái nữa. Chả nhẽ cuộc sống vợ chồng chỉ có thế! Cái này thì mọi người có thể hiểu cùng chia sẻ với em: không phải lúc nào người ta cũng thích thú với việc được săn sóc chiều chuộng. Bị chăm sóc đến phiền hà, nhiều lúc muốn yên thân một mình cũng không được. Căn phòng tập thể nhỏ bé không cho ta tiện nghi ấy. Cảm giác khó chịu cũng không khác mấy có con rận đang lủi ở chân tóc hoặc con rệp nằm trong nẹp áo cứ diễn ra mãi.
Lúc ấy giá có đứa con rồi thì tình cảm vợ chồng chắc sẽ khác. Sẽ ấm áp hơn nhiều. Đứa con sẽ là sự gắn kết. Sự bận rộn với nó cũng chia sẻ cảm xúc gia đình. Vì không vướng bận, lại rồi suốt ngày bên nhau nhìn mặt nhau mãi cũng chán. Chán nó làm cho em mất dần yêu thương. Nhưng đây mới là điều tệ hại, một thứ axit ăn mòn mãi sau mới nhận ra. Anh ấy ghen. Thì ra từ lâu em bị coi như tài sản riêng để anh cất giữ. Anh ghen với mọi sự đùa bỡn của xung quanh, một cử chỉ của ai đấy, dù không cố ý cũng khiến anh để ý nghi ngờ. Đến nỗi đi ra ngoài em luôn bị một cảm giác bị giám sát từ phía sau. Vâng, cảm giác bị cặp mắt theo dõi đã giết dần giết mòn tình yêu, nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng. Anh không nhận ra thứ tình mù quáng nó tệ hại thế nào vói tâm lý em mà cứ hồn nhiên tận tụy giữ gìn vuốt ve em như đồ vật, còn em không thể nói. Nói ra thì phũ phàng quá. Cuối cùng em như bị tâm thần đẩy đến cảm giác mình bị nhốt trong cũi. Đã trong cũi thì phải phá cũi. Phá cũi để chạy trốn thôi. Tâm lí bức bối muốn tìm cách thoát khỏi đôi mắt giám sát ấy bằng bất kì giá nào cứ lớn dần lên và tìm chờ cơ hội. Chưa biết cơ hội thế nào, nhưng phải dứt ra. Lần trốn chạy duy nhất đó đến giờ nghĩ lại vẫn bàng hoàng vì sự liều lĩnh bột phát. Nó đột biến chỉ vì cảm giác chỉ có cách thoát khỏi tình trạng đó thì mới sống được.
Ma xui hay quỷ khiến, hay số mệnh thế nào đến giờ vẫn không lý giải nổi. Thời gian ấy, cảm giác duy nhất là phải thoát ra, đi đâu thì đi, phải thoát ra. Lúc không còn tình yêu thì tất cả còn lại chỉ là sự ghét bỏ muốn khuất mặt xa lánh anh ạ. Em cô đơn đến cùng cực. Lúc nào cũng nghĩ đến cách mặt để không phải nhìn thấy anh ấy là ý nghĩ duy nhất. Giờ nhớ lại thấy mình thật tệ hại, thật điên rồ, nhưng cơn điên ấy có phải nó có gốc rễ từ sự quá đầy đủ và được chiều chuộng quá mức hay vì gì cũng không rõ nữa?, Có lẽ trời không muốn cho mình hưởng hạnh phúc vuông vắn đó chăng, trời đã gây cho mình sự ngu tối chốc lát phá bỏ cuộc sống của chính mình.
Sợ thật! Sự chiều chuộng càng tuyệt vời bao nhiêu thì khi ghét bỏ, thấy đó như bả độc mà mình không biết để xa lánh. Ngu dại thế chứ.
Em ngồi kể lại câu chuyện trốn chạy của mình. Tất cả chỉ có vậy. Bổi hổi như nó mới xảy ra hôm qua, và chưa qua được cảm xúc rối vò.
Tôi thì nghĩ rằng một cuộc tình tan vỡ nó có nhiều nguyên nhân lắm. chìm có, nổi có. Có những cái không thể nói ra được hoặc có những cái đương sự không nghĩ tới, không ngờ tới mà vẫn là nguyên nhân. Còn lời em kể chỉ là một phần sự thật nổi bật nhất nhưng chắc đâu đã đúng nhất. Nó chỉ như cái dây cháy chậm. Nếu không có lửa xoẹt vào thì cũng chẳng có chuyện gì xảy ra
*
Đến đây tôi chợt nhớ đến truyện ngắn Rừng trúc của một nhà văn Nhật Bản. Truyện không có chuyện, cũng không có cốt chuyện..
Chuyện về một một xác chết ven đường, khi nhà chức trách lấy lời khai của 7 nhân chứng từ một người qua đường, một nhà tu hành, một đôi sinh viên, một tiều phu, một thương nhân, một nhân viên cảnh sát và cuối cùng là lời khai của hồn ma. Bảy lời khai hoàn toàn khác nhau về diễn biến sự việc. Chuyện của em cũng vậy, cho tôi cảm giác đây chỉ là một lời kể. Em kể thật nhưng thật này chỉ là cái vỏ, còn sự thực chắc đâu đã nằm trong đó. Sẽ còn nhiều lời kể khác từ câu chuyện này. Những váng nổi chưa chắc là sự thật. Sự thật luôn sâu kín. Chuyện đó cũng chỉ có trời biết.
Trời dành cho số phận chuân chuyên thì em phải gánh. Chứ cuộc trốn chạy đó có đâu đem lại cho em hạnh phúc nhiều nhặn gì. 28/8/2021