Chuyện thi Yết Kiêu

Chuyện Yết Kiêu (phần 1)

Doduc
Có một trường đại học ở Hà Nội thi vào rất khó. Hầu như chẳng ai thi một lần mà đậu. Lịch sử đã có người thi đến lần thứ 9 mới đỗ, nghe bảo đó là họa sĩ Hoàng Tích Chù danh tiếng, thời còn ông Tây. Còn chuyện thi dăm ba năm mới vào được trường như bây giờ thì là thường lắm, đã là sự tất yếu của cuộc sống, chẳng có gì đáng nói. Chỉ thi một lần đỗ ngay mới là bất bình thường.
Chẳng nói thì ai cũng biết đó là trường Đại học mĩ thuật Hà Nội đóng ở phố Yết Kêu, số 42…

Hồi tôi mới về trường, một họa sĩ người thành Nam gờm gờm nhìn tôi gùn ghè: đây là tháp ngà hiểu không. Vào được đây chỉ là những con nhà giàu, con nhà quyền quí…Tôi giật mình: Mình cũng quyền quí sao, mình là con nông dân mà, lại nghèo rớt.

Sinh viên Đại học mi thuật Hà Nội khi được hỏi nơi thụ giáo, các sĩ tử không cần dài dòng văn tự, rất tự tin đùn ra một câu ngắn vờ khiêm tốn: À, mình học Yết Kiêu.

Vâng, Yết Kiêu, chỉ Yết Kiêu thôi, không cần thêm hai từ Đại học. Nhưng nghe thế còn kinh hơn cả đại học. Yế Kiêu là khẳng định một đẳng cấp, Yết Kiêu là cái cái lò cho hàng loạt họa sĩ danh tiếng: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Bùi xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn…
Trong bóng đá cũng thế, phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh viễn!

Vâng, Cao đẳng Mĩ thật Đông Dương là trường đào tạo nghề vẽ duy nhất được thành lập từ thời Pháp thuộc có đầy mình truyền thống. Còn các trường khác đựơc nhà nước thành lập từ sau năm 1954, và một số nữa thì mãi sau này thì kể làm gì…

Dù cùng đại học cả, nhưng phải là Yết Kiêu mới là đích thực mĩ thuật. Vâng, Yết Kiêu giống như Pa ri Kinh thành Ánh sáng, thủ đô của nghệ thuật thế giới, hoặc như Rôma danh tiếng. Chưa qua hai nơi đó thì chưa thể thành tài…Sự xác tín ăn theo ấy giống giống hệt cách nghĩ của chú AQ trong tác phẩm của Lỗ Tấn. Bây giờ vẫn thế.

Nghe thế thấy ghê lắm phải không các bạn?
Nhưng như người đời đã tổng kết: Có tài thì có tật. Nhưng liệu không tài mà có tật thì sao. Lâu nay không tài thì ai thèm nói đến, nên chẳng ai lại đi đặt ra câu hỏi với người không tài làm gì.
Có tài mới thi nổi vào Yết Kiêu, và tất nhiên là phải có tật. Cái tật ấy là gì, xin hãy từ từ rồi sẽ hiểu.

Câu chuyên quyết chí thi Yết Kiêu làm tôi nhớ lại một thí sinh có tên Từ Ảnh, người ở Phòng. Tôi biết anh vào giữa nhũng năm bảy mươi thế kỉ trước, lúc tôi biết thì anh đã thi đến lần thứ tám thứ chín. Buổi ấy lên xem Bảng Vàng lại thấy khuyết tên mình, anh dụi dụi mắt đỏ hoe, lầm lũi bước ra phía cổng trường ngồi xập xuống quán nước. Bất ngờ nghe anh tâm sự với bạn:” chắc không có lần thứ Mười nữa. Mình bây giờ chỉ còn một ao ước là được khắc tên vào gốc xà cừ trước cổng thì cũng là mãn nguyện rồi.
Thi vào được Yết Kiêu quả là một kì công.
Thi khó thế thì chắc chọn được toàn người tài, những người yêu nghề cháy lòng. Chẳng thế, một bạn bảo tôi: ”Có mê nghề như mê gái thì mới vào nổi Yết Kiêu, mới học nổi nghề vẽ.

Câu chuyện tôi đang nói tiếp đây nó khoanh ra vòng ngoài một tí vì đã chót nghe ví mê nghề vẽ sánh với với mê gái.
Có cậu theo đuổi tình yêu năm ba năm, rồi còn hơn nữa mới lấy được nhau. Nhưng khi về ở với nhau, chồng làm hoàng tử – vợ làm công chúa được một ngày, trăng mật được một tuần, yêu thêm được một tháng, rồi sau đó anh chồng trở về vốn cũ, lười nhác, bia rựợu, bạc đãi vợ. Cô vợ sau khi trút bộ váy cưới mode trời Tây để ôm con đỏ thì tóc quay về tổ cu, quần ống cao ống thấp đôn đáo che đậy cho cái mái lều mỗi ngày tụt đi một gắp gianh. Mỗi ngày qua mái nhà một thoáng, đêm nằm ngửa mặt lên nóc nói chuyện với sao trời.

Sinh viên Yết Kiêu không hiếm hiện tượng này.
Thi khó lắm, vậy mà khi đỗ rồi, hăm hở được một hai tuần đầu vào trường thì bắt đầu phát tật.
Đó là tật bỏ giở giờ hình họa ra quán nhá kẹo lạc, uống chè chén và bập thuốc lá ghi sổ. Không phải tất cả thế, nhưng không phải ít. Nếu tất cả thế thì có họa trường tan từ lâu.
Ở Tây, người ta nghiên cứu hình họa trên giấy A0 một tháng một mẫu. Yết Kiêu chỉ có một tuần, mà các quí tử ở đây đôi khi chỉ cần một hai giờ, hoặc một ngày là lên hình đen sì mặt giấy, là xong rồi, là chẳng biết vẽ gì thêm nữa, thì chẳng đi nhấp ngụm chè Thái, nhai kẹo lạc, ngậm thuốc lá thì biết làm gì bây giờ hả giời.
Không ngờ tật cả thèm chóng chán len cả vào trường nghệ thuật. Cho nên không ít sinh viên ra trường chẳng làm được gì, giống như bà vợ ông lão đánh cá trong truyện cổ tích Nga, ông lão đánh cá và con cá vàng luẩn quẩn bên cái máng lợn sau bao điều ước thành công. Nghĩa là chỉ sống được với ước mơ, còn bắt tay nghiêm túc vào công việc thì lại không làm được. Có tài có tật là thế.
Chỉ một phần thôi, nhưng đó là mảng tối của một cái tên trường danh tiếng.
(còn nữa)
3/7/2010