Số phận nghiệt ngã

Số phận nghiệt ngã
doduc
Tôi hay đi công tác miền núi. Những tháng mưa dầm dề đường hay trơn trượt nên luôn ước tìm một đôi giày dã chiến, có thể an toàn cho việc leo trèo.
Tôi đã gặp may, hôm ra nhà anh thấy có đôi giày của lính thủy đánh bộ Mỹ, gần như mới nguyên. Tôi tò mò cầm xuống xem. Thấy thế anh nói luôn: Giày này trong đế lót lá thép, chống được bẫy chông đấy. Tôi khen, quá tuyệt, mình đang ước có một đôi đi núi. Anh bảo lấy đi, tiền đưa lúc nào cũng được. Tôi mừng quá, đúng thứ mình đang cần nên rút tiền đếm đủ trả anh luôn. Anh nhìn đôi giày vẻ luyến tiếc…Cẩm tiền xong anh lưỡng lự rút lại đưa cho tôi mấy đồng. Tôi biết anh túng nên cần tiền lắm mới bán. Tôi bảo, thôi cầm cả đi.
Cũng chẳng biết đắt rẻ thế nào nhưng chơi thân với nhau như anh em thì lọt sàng xuống nia, mình chẳng có cho thêm thì thôi. Với anh ấy, một đồng cũng quý.
Chiến tranh, lại biên chế lính biên phòng nên anh đi suốt. Học đại học ngoại ngữ tiếng Nga nhưng vào làm lính văn nghệ. Anh là một tay máy cừ. Tôi không biết nhiếp ảnh là lính như anh thì làm những gì. Anh không kể, còn tôi cũng không hỏi. chẳng phải bí mật gì nhưng thời ấy chúng tôi chơi với nhau như thế, hợp tính là chơi thôi. Còn nghề của nhau thì ít biết.
Anh ít nói. Một lần tôi ra chơi, thấy tôi anh mủm mỉm nhìn tôi không chào. Rồi xoay người lôi ấm pha trà, mở tủ lấy gói thuốc sợi Cao Bằng ném cái bịch lên bàn…Suốt thời gian ấy anh chẳng nói câu nào.
Trà rót ra nóng hổi, anh bỗng nhiên anh bật ra: thử phát nhá, thử cái gì? À, vừa đi Tây Bắc về có món này…
Lấy ra gói giấy chầm chậm mở. Một cục đen sì bằng ngón chân cái hở ra, anh nheo mắt nhìn tôi: Biết gì không, cứt trâu đấy.
Tôi hiểu ngay là thuốc phiện
Anh bảo tôi, vừa đi Sì Lờ Lầu về, xin được tí này. Đàn bà mới sinh, véo bằng hạt đỗ xanh nướng lên pha tan trong nước làm ngụm là “sạch” nhanh lắm…
Tôi ngồi im nghe. Anh lại tủm tỉm: Tôi với ông thử tí nhỉ. Nói rồi anh vấn điếu sợi vàng Cao Bằng, cấu bằng hạt đỗ đen thưốc phiện, cắm vào đầu tăm, hơ vào ngọn nến. Cục nhựa ăn lửa sùi lên ánh vàng. Anh nghiêng điếu thuốc quệt cho nhựa lỏng bám vào rồi lấy tay di di cho nhựa bết vào cả điếu thuốc, anh châm lửa đưa tôi: Hút đi xem có thơm không. Tôi bập bập rít liền hai ba hơi, nhựa xèo xèo khét lẹt. Anh ngồi nhìn tôi ý nhị, hai cánh mũi phập phồng, thơm phết nhỉ. Tôi nhả hơi thuốc nói trong khóí: Thơm khỉ gì, khét lẹt mày ạ.
Anh hay khoe tôi mọi chuyện. Hai đứa hai nghề, chẳng có gì vênh nên mọi chuyện đều nói cho nhau nghe được.
Một hôm chỉ có hai thằng ngồi trà lá, bỗng anh bảo tôi: Này, con vợ tôi thế mà láo, tôi đi công tác, ở nhà nó giấu tôi lấy cả yến gạo mang cho mẹ.
Hơi bất ngờ, tôi ngồi im nghe. Anh không nói tiếp nữa. Một thoáng trầm lặng tôi hỏi anh: Nhà có thiếu gạo không? Anh bảo, hai vợ chồng đều là lính, thiếu thế đéo nào được. Vậy nó cho thế có ảnh hưởng gì trong nhà không. Anh bảo không. Lúc ấy tôi mới nói: Mày có cô vợ tốt đấy. Cô ấy yêu mẹ. Mẹ nó có yêu thì nó mới yêu mày! Mà sao mày trách nó cơ chứ? Anh hỏi lại, là ông thì ông bảo sao? Tao á, nếu là tao, tao bảo nó mang thêm cho mẹ.
Anh nín lặng, không nói gì, có vẻ tôi ngược ý anh chăng?.
Tôi nhìn thẳng mắt anh: Mày thật chẳng ra gì. Vợ thì lành, hơi vụng bếp núc, vì mày quản kinh tế, từ chai nước mắm đến gói muối, thế thì sao nó tháo vát được. Lại còn tính gia trưởng nữa chứ, cái gì cũng quát. Nếu vợ chồng hiểu nhau từ câu chuyện nhỏ thì sao nó phải trộm. Không khéo mày hất đổ hạnh phúc lúc nào không biết đấy.
Anh bần thần ngồi im.
Cuộc sống kẽo kẹt như cây trụ ép mía chạy vòng dưới bước chân chậm rãi của con trâu, nó nhạt dần đi trong buồn tẻ. Cái gia đình nho nhỏ xinh xinh hai đứa con thơ đáng ra phải rất hạnh phúc. Hai vợ chồng đều tốt, nhưng cả hai không chịu hiểu nhau, có vẻ luôn thiếu chia sẻ. Chị xinh xắn như bông hoa hồng, nhưng là hoa hồng đơn côi trong lọ gốm, chỉ mỉm cười tươi tắn khi có bạn bè đến nhà. Anh cũng vậy, khách đến chơi thì hồ hởi, nhưng khách đi rồi, mỗi người lại thu mình về trong cái riêng tư nghèo nàn của mình.
Rồi bỗng một ngày chị làm đơn xin ly dị. Nhìn lá đơn, bất ngờ anh choáng. Nước da lá chuối nướng sau những ngày ở rừng sốt rét càng nhợt đi. Anh run run quay mặt đi, cô quyết thế thật à? Chị lặng thinh phút chốc rồi nói trong nước mắt: Có em cũng như không, anh biết rồi còn gì.
Anh biết còn nói gì nữa! Một câu của vợ đã nói lên tất cả tình trạng hôn nhân. Anh yêu vợ tha thiết nhưng tính ghen nặng. Lấy được chị rồi, anh là người thắng cuộc nhưng vẫn ghen với quá khứ của chị. Cũng chẳng sứt mẻ gì nhưng mỗi lần nghe tai tiếng không đâu từ hồi chưa lấy nhau mà vẫn thấy nhột tim, không chịu nổi!
Sau này tôi hiểu ra cái chính là hai đứa vênh nhau về văn hóa sống. Chồng Nam vợ Bắc trong cách nghĩ, hoặc đơn thuần xuất phát từ một phía, còn phía kia chịu trận Chuyện ghen tuông chỉ là cái cớ, nó chỉ là cái kíp nổ thôi . Thật là tai họa cho những đôi lứa chỉ có nợ mà không duyên. Sống không có hạnh phúc thì thôi, lại còn phá nát cuộc đời nhau và theo đó con cái cũng bị thiệt thòi mất mát trên dòng sông cuộc đời khi cái bè vỡ nát.
Anh không kí đơn. Nhưng lặng lẽ sắp đồ vào va li ra cơ quan, ăn cơm bụi, ngủ đi văng. Ai khuyên bảo sao cũng không được. Bệnh ung thư tinh thần đẩy anh vào ngõ cụt và càng ngày càng diễn biến phức tạp không có lối ra. Gặp tôi, chị vẫn cười nhưng nụ cười của bông hoa héo. Chị cũng trầm cảm nặng. Tôi ra có lần thấy chị cười nói huyên thuyên, không kiểm soát được, thương lắm. Còn anh thì đánh trống lảng sang những câu chuyện khác. Rất ngại nói đến chuyện gia đình. Tôi biết ý cũng không động đến.
Một ngày cuối năm 2014 tôi bị đột quỵ. Anh cũng biết tìm vào bệnh viện thăm tôi. Ngồi một lúc, anh dúi vào tay tôi tờ 5 trăm ngàn, thôi, ông cố gắng tĩnh dưỡng nhá, rồi anh quay ra.
Sau đấy là những ngày đằng đẵng tôi nằm dưỡng bệnh nên không gặp thêm anh lần nào.
Rồi biết thêm mấy năm rồi anh không về nhà. Ăn cơm bụi, ngủ đi văng cơ quan. Thương bạn mà không biết nói thế nào. Vợ chồng nó đều tốt, mà rồi không thể ở cùng nhau, lại cũng không ly hôn, thành thứ giam lỏng nhau.
Sau đột quỵ tôi yếu nhiều, nhiều lúc đi không vững. Bệnh tim mạch lại thêm zona âm chạy vào thần kinh liên sườn phải, khiến tôi đau đớn suốt mỗi khi đụng cựa. Bệnh tật cũng lấy đi hơn nửa sức khỏe, thành ra rồi tôi cũng không thăm anh được như dự định. Còn anh thì suy tim. Bệnh tim đã sán vào tuổi già của bất cứ ai là khó mà đuổi nó ra, chỉ còn mỗi nước đi giật lùi với nó. Tôi về nằm dưỡng bệnh ở nơi xa Hà Nôi. Hai đứa biền biệt nhau. Một lần anh gọi, tôi bắt điện thoại, nghe đầu kia anh vui vẻ: Hôm nào tôi phải đến với ông mấy ngày, bao nhiêu chuyện hay muốn kể cho ông nghe để viết. Tôi nhắn vào máy cho anh địa chỉ thày lang Nông Trùng Dương để anh cắt thuốc chữa tim. Anh vui lắm, nói tôi sẽ đến ngay…
Mấy hôm sau thì bất ngờ nghe anh đột quỵ Cũng đột ngột sau buổi liên hoan gì đấy với bạn bè. Thế là anh ra đi lặng lẽ. Còn tôi cũng không đi đưa tiễn được. Thời gian ấy tôi cũng cặp kè với cái chết không biết lúc nào.
Hai năm trước đây, vào Đà Lạt tôi gặp một người bạn quen biết anh, kể tôi nghe: Anh ấy có thằng con trai đấy. Nói xong anh bạn bật iphol. Một thiếu phụ trẻ xinh xắn tuổi cỡ bốn chục bế thằng bé trai chừng ba tuổi khôi ngô dĩnh ngộ. Tôi thế à, và không hỏi thêm, bụng mừng cho anh ấy. Thế là trước khi về cõi, có đứa con giai mà chắc anh mãn nguyện. Chỉ tội thằng bé sống mà không có bố thì cuộc đời nó bị góc khuyết không gì bù đắp. 22/3.2020- 24/8.2021