Vẽ kĩ và vẽ sâu

Vẽ kĩ và vẽ sâu
Doduc
Đây là câu chuyện bếp núc của nghề vẽ. Nó không dễ hiểu với những người ngoài nghề khi phân tích tác phẩm.
Có những bức tranh vẽ kĩ đến chi tiết từng răng cưa của mỗi chiếc lá, hoặc từng gân mạch máu trên mu bàn tay người già như bản đồ sông ngòi, một sợi râu cũng có khối và có chân bóng ! Mọi chi tiết trên bức tranh khiến người xem phải xuýt xoa trầm trồ : Sao giống thế, không sai vào đâu được và thu được cảm tình của rất nhiều người xem. Nhưng rút cục, nhiều tranh như thế đã trở thành thứ sản phẩm mĩ nghệ trong tạo hình với sự tinh xảo và khéo tay của người thợ kim hoàn mà không phải là tác phẩm mĩ thuật.
Vấn đề ở đây, lối vẽ này là phải biết nhấn: nhấn chỗ cần nhấn, giữ chỗ cần giữ và lơi đi chỗ cần bớt bỏ để không phân tán hình ảnh mà họa sĩ thể hiện cho tác phẩm của mình. Nghĩa là tranh có chính có phụ, có chủ có khách. Trong hội họa không có chủ nghĩa xã hội cho mọi chi tiết. Những trường hợp này ít xảy ra với những họa sĩ sáng tác có đầu óc. Họ biết khắc chế để chi tiết không hại nội dung mà chỉ tôn vinh nội dung. Việc này tế nhị như người làm xiếc đi trên dây. Giữa cái tuyệt vời và lố bịch chỉ cách có lằn ranh mỏng. Chỉ những người thạo chép khéo tay mới mắc. Lối vẽ kĩ này đôi khi rất hại cho thị hiếu thẩm mĩ đại chúng. Người xem tranh bị cuốn hút theo kĩ thuật của người vẽ mà không nhận ra là mình không còn là thưởng thức nghệ thuật mà đang thưởng thức kĩ thuật.
Vậy là trong nghệ thuật, chúng ta cần biết vẽ kĩ với vẽ sâu là hai khái niệm khác nhau. Sự tôn trọng chi tiết thái quá thành tẩn mẩn mà gọi là “kĩ”, đôi khi làm hỏng bức tranh của mình mà người vẽ không biết. Kĩ phải là chuyển tải được cảm xúc, chứ kĩ không phải mân mê từng chi tiết. Chỉ khi ấy, kĩ mới là sâu
Vậy sâu là thế nào?
Đơn giản thôi, sâu là vẽ ở độ chuyển tải được cảm xúc vừa đủ để người xem nhận ra, không bị hút mắt theo chi tiết mà quên mất cảm xúc nghệ thuật trên tranh mình thể hiện. Trong nghề gọi việc dừng lại đúng lúc đó là nghệ thuật- “ Nghệ thuật biết dừng lại”. Việc này không dễ tí nào, nó là sự rút kinh nghiệm thường xuyên khi làm việc thành nhận thức. Và cũng phải làm việc nhiều rồi sẽ từ từ nhận ra. Tôi nhiều lúc cũng vô tình phá mất cái đẹp của mình tạo ra mà không biết.
Vẽ được sâu, thì mỗi họa sĩ sẽ có những cách của riêng mình, chẳng ai giống ai người thì dùng màu, người dùng đậm nhạt, hoặc dùng ánh sáng, hoặc cách bố cục… để nhấn đủ sức hút mắt người xem tập trung vào điều chính yếu mình định thể hiện trong tác phẩm. Mà đi sâu vào nghê thuật thì mỗi chất liệu cũng có những đặc trưng riêng để thể hiện. Rút cục lại thì nó cũng chỉ là điều chỉnh âm và dương trong nghệ thuật để có một sản phẩm hoàn hảo theo ý mình. Nói hoàn hảo ở đây cũng có tính tương đối cho mỗi năng lực cá nhân.
Nghệ thuật là món ăn tinh thần. Mĩ thuật cũng thế. Món ăn thì có từ rau muống đến cao lương mĩ vị. Có người ăn cao lương mĩ vị thấy không ngon bằng rau muống cũng là chuyện thường vì nó không hợp khẩu vị. Cháu tôi thích tranh bờ hồ hơn tranh tạo hình của họa sĩ trường sở thì có khác gì người quen uống chè xanh chê các loại trà mà giới trà đạo khen nức nở. Cho nên việc khen chê trong giới thưởng thức nghệ thuật là câu chuyện không bao giờ dứt vì trăm người trăm khẩu vị, chỉ có một số na ná như nhau là quý lắm rồi. Tóm lại chơi tranh là chơi cái mình thích, không thể ép nhau về nhận thức và ý thích được.
Vài lời trò chuyện ở góc nghĩ của tôi về nghề. Tôi biết nhiều người nghĩ khác, âu cũng là lẽ thường tình. Nên nhũng ý kiến trên cũng chỉ là để tham khảo nếu ai quan tâm. Sai đúng chẳng thể bàn hết ở đây. 17/3/2022