Mệnh vô chính diệu

Mệnh vô chính diệu
Doduc
Tôi không biết gì về tử vi. Nhưng thói đời càng không biết càng hay tò mò. Cũng có vài ba người lập lá số tử vi cho tôi giải mã nhiều điều, có đúng có sai, nhưng tôi cũng chẳng nhớ hết vào đầu, chỉ còn nhớ mình Mệnh vô chính diệu. Nghĩa là mệnh không có sao chủ. Không có sao chủ nghĩa là không có chỗ dựa, giống như đi làm mà thiếu thẻ Đảng là khó mà được bổ nhiệm vào chức sắc gì. Giỏi gì cũng chỉ là nhân viên sai bảo!
Qua Lục thập hoa giáp ( 60 năm) nhìn lại đường học hành thì nghiệm thấy cái mệnh mình có phần xác đáng lắm. Trời sinh ra mình để thử thách, để dày vò một con người. Nếu kém ý chí thì chắc vào sọt rác lâu rồi.
May mắn trên đời, dù chưa hiểu gì về hai chữ ý chí, hay giá trị của sự học nhưng tôi trời phú cho nết ham học và ham đọc, ham tìm hiểu. Lúc học phổ thông đã biết viết thơ con cóc vẽ hoa dây cho báo tường của lớp được khen là có hoa tay.
Tuy ham học nhưng có đến 5 lần cơ hội vào đại học đều bị tuột khỏi tay vì những chế định của nhà nước và cũng có lần không gặp may. Nên với tôi, ý nghĩ vào được Đại học luôn xa vời. Mọi bất trắc luôn rình rập. Và cuối cùng cũng chỉ phọt phẹt kiếm được cái bằng hàm thụ. Mà may quá cơ, vừa rồi Quốc hội đã vất vả thông qua nghị quyết san phẳng bằng tốt nghiệp chính quy với hàm thụ tại chức như nhau để dễ cất nhắc những cán bộ có tuổi trẻ lêu lổng, khi được bổ nhiệm mới đi hàm thụ.
Thế cũng là may, nhưng không tận dụng được gì, vì đã nghỉ hưu. Vả lại ham chức tước mới cần, chứ mình chỉ ham làm nghề, nên cái bằng phọt phẹt có đăng quang thì với mình nó cũng chẳng có ý nghĩa gì! Cái đó chỉ lợi cho đám con cái lêu lổng thất học hoặc các ông bà quan muốn leo cao thọc sâu mà trình độ chẳng có gì thôi.
*
Lần 1.mất cơ hội vì lý lịch (1966)
Cơ hội đầu tiên vào năm 1966, nghĩa là đang làm nông dân lúc 20 tuổi thì một hôm có hai cán bộ đi xe ô tô tìm vào nhà nói chuyện với bố mẹ tôi xin cho tôi về tờ báo của Khu tự trị Việt Bắc để gửi đào tạo phóng viên. Thời ấy người làm báo bao cấp, ai cũng làm được, thế mà tìm người cũng không dễ.
Hai ông đó là Trần Anh Tuấn, phó tổng biên tập báo Việt Nam độc lập của Đảng bộ khu tự trị Việt Bắc, và người thứ hai là Nguyễn Trọng, ủy viên biên tập của quý báo.
Sau khi cơm nước xong, hai ông dặn gia đình cứ chờ giấy báo rồi làm hồ sơ. Sau đó các ông lên làm việc trên Ủy ban .
Một, hai, ba tháng, rồi mấy năm sau mất hút con mẹ hàng lươn, không còn dấu hiệu gì của cuộc hẹn hò. Đó là lần đầu tiên nhỡ hẹn với đại học. Sau này ra trung cấp về báo thì ông Trần Anh Tuấn mới bảo: lên xã làm việc với Đảng ủy và ủy bạn mới biết nhà cậu bị quy sai thành phần trong cải cách, nên ông cụ bị khai trừ đảng. Đến khi sửa sai trả lại Đảng tịch không chịu nhận lại, còn nói khó nghe. Thế là thuộc loại gia đình lạc hậu, phần tử chậm tiến bộ. Đảng ủ xã nói thế thì bọn tôi sao dám tuyển dụng cậu nữa!

Lần 2: mất cơ hội chỉ vì là người Kinh ( 1970)
Ngày tốt nghiệp Trung cấp, ông Trần Đình Thọ, hiệu trưởng trường Cao đẳng mĩ thuật Hà Nội lên dự. Ông chấm hai người là tôi và anh Hoàng Quốc Cứu, người Tày, cán bộ của ty văn hóa Hà Giang, bảo cho hai cậu này về Hà Nội thi tuyển để đào tạo lấy giảng viên cho trường. Việt Bắc xa xôi, điều giáo sinh lên, ai cũng ngại!
Trưởng phòng tổ chức Phi Sơn làm danh sách phát hiện ra tôi là người Kinh. Ông hỏi Trưởng khoa là họa sĩ Vi Kiến Minh, người Nùng. Ông Minh bảo, là người Kinh à, cho nó ra công tác.
Thế là cơ hội được thi vào Đại học lần hai lại tuột khỏi tầm tay chỉ vì không là người thiểu số.

Lần 3: mất cơ hội do bị đổi quyết định nơi công tác ( 1971)
Năm 1970, Quyết định đầu tiên ra trường tôi được phân công về Bảo tàng Cách mạng ở Thái Nguyên. Nhưng bên báo Việt Nam độc lập đòi đích danh tôi, nên trường phải ra ra quyết định lại, để tôi về báo.
Năm ấy Bảo tàng có giám đốc mới là ông Phúc Quyền. Buổi ra mắt, ông tập hợp toàn bộ cán bộ rồi phát biểu: Tôi lớp 5. Đảng nhà nước phân công tôi về làm giám đốc, nhưng tôi thì biết gì đâu mà làm. Bây giờ thế này; ai sơ cấp thì phải đi đào tạo trung cấp, ai trung cấp thì phải đi đào tạo đại học. Đất nước cần những người có trình độ làm việc, chứ như tôi thì làm được gì! Cứ đi học đi, thiếu người thì tôi lại xin!
Thế là một loạt được cử đi đào tạo!
Cậu bạn đổi cho tôi được chuyển về Bảo tàng mới văn hóa lớp 8, thế là trong danh sách được đào tạo, về học trường Đại học văn hóa, cho hết lớp 10. Nó may thế.
Năm ấy nếu ở Bảo tàng thì chắc chắn tôi sẽ sang Liên xô học, vì bằng tốt nghiệp phổ thông lúc ấy rất hiếm và tôi lại là đứa chăm chỉ học..
Lần 4: mất cơ hội do những quy định quái gở ( 1976)
Năm 1975 là đủ 5 năm ra trường, nằm trong diện qui định được cho đi thi đào tạo chính quy bậc đại học.
Tôi lên xin với Phó tổng biên tập được về Yết Kiêu thi học chinh quy nhưng không được. Với lý do: lấy cậu về đào tạo người sắp nghỉ hưu, nên không thể cho đi khỏi cơ quan được. Có chăng thì hàm thụ.
Đành thi hàm thụ. Nhưng năm ấy thi trượt. Năm 1976 thi lần 2. Nhận giấy báo trúng tuyển thì cũng là lúc khu tự trị giải thể. Lúc này tôi được tự do đi đâu thì đi. Tôi cầm tờ giấy trúng tuyển lên gặp hiệu trưởng Trần Đình Thọ xin được cho vào chính khóa, nhưng ông giải thích hai loại hình đào tạo khác nhau. Thôi cứ về công tác rồi một năm ba tháng xuống học hàm thụ.
*
Giờ quay lại cái “mệnh vô chính diệu” thân cư mệnh thì mới thấy rõ là đường học hành của mình bị chặn dữ dội như thế nào. Nếu không tính kì thi đầu tiên lúc phổ thông thì có đến 5 cơ hội có thể được đi đào tạo đều gẫy ngay trước mặt.

Cuộc thứ nhất thi tổng hợp Văn nếu thành thì chắc chắn là nghiên cứu văn học chứ không là họa sĩ.
Cuộc thứ hai sẽ thành nhà báo xịn.
Cuộc thứ ba chí ít sẽ thành giảng viên tại trường nghệ thuật Việt Bắc.
Cuộc thứ tư được đào tạo tại Nga thì chắc nghề sẽ khác, vị trí khác.
Cuộc thứ năm: Ít nhất được đào tạo chính quy bài bản về nghề vẽ
..
Nếu kể từ phổ thông thì tôi có 5 lần cơ hội vào đại học đều bị tuột. Đó là một thử thách khốc liệt cho cái “Mệnh vô chính diệu” của mình. Phải tự đọc học hỏi và làm việc lăn như bi và kết cục có cái bằng đại học ngu như tại chức khóa 10, Đại học mĩ thuật Hà Nội!

Nhưng hôm nay thì mọi việc vỡ nhẽ “ mệnh vô chính diệu” là như vậy, và thân cư mệnh là như vậy. số mệnh nó thế, chẳng thể trách ai. Số phận thử thách mình, mình sinh ra để được thử thách! vượt qua thì tồn tại vẻ vang!
Đó là cái lò bát quái luyện đan của Thái thượng Lão quân.
*
Đến hôm nay , 17 người cùng vào trung cấp khóa 1 trường Việt Bắc 1966, 15 người cùng học tại chức khóa 10 Yết Kiêu 1976, người còn người mất nhưng đều hoặc bỏ nghề chuyển nghề hoặc về hưu. Không còn ai dính với nghề trừ tôi ra. Tôi vẫn làm nghề và sống với nghề.
Có lẽ tại mệnh vô chính diệu mà được thế chăng?

Cú đầu thi tổng hợp văn trượt , nhưng rồi nghề viết vẫn tự có trên 20 năm, viết cho hàng chục tờ báo và tạp chí trong nước, giờ đã có gần chục đầu sách đã in .
Cú cuối cùng cạy cục được đào tạo dài hạn thì kết cục chỉ học hàm thụ vậy mà hóa may mắn vì vẫn phát huy được nghề
Có một lần ngồi trò chuyện với nhà văn Kim Lân, cụ bảo, văn chương là nết đất anh ạ, không phải cứ học là thành đâu…

Nửa thế kỉ làm nghề, không có giải to bé gì nhưng có 14 tác phẩm trong sưu tập của Bảo Tàng mĩ thuật Việt Nam và 15 tranh trong sưu tập Bảo tàng văn hóa các dân tộc Thái Nguyên. Cũng thấy là vinh dự lắm.
Trong cuộc chiến “ Thân cư mệnh” này một là thành người, hai là thành giẻ rách lau bàn. Tôi đã may mắn thành người.
Vậy rơi vào “Vô chính diệu” và “Thân cư mệnh” cũng không có gì đáng sợ lắm đâu nhỉ.
Cả sự nghiệp học hành chỉ có được cái bằng cử nhân Hàm thụ xấu xí!
Nhưng xét cho cùng may mắn tự đến không có. Mình phải luôn tạo may mắn cho mình bằng tích lũy kiến thức để đón lấy cơ hội khi nó xuất hiện. Đã là que diêm thì phải tự cháy lên chứ đừng nghĩ là ai sẽ đốt hộ! Và nữa, hãy sống với lời dặn của ông bà cha mẹ” xởi lởi trời cởi cho/ so đo trời co lại”. Hãy nhân ái với mọi người quanh bạn! 2/8/2019