Tiếp cận nghệ thuật

Tiếp cận nghệ thuật
Doduc
Cách tiếp cận tác phẩm nghệ thuật rất quan trọng, vì cách nhìn khác nhau sẽ có thể cho người ta những kết luận trái chiều, xung đột khó hóa giải.
Lại nhớ nhà văn Lê Lựu từng suýt bị kiện vì “ ông ấy viết chuyện “Sóng ở đáy sông” …là chuyện thằng Sóng con nhà tôi, ông ấy viết bêu riếu nó”. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng suýt bị kiện vì bị nghi là có ý đồ bôi nhọ Vua Quang Trung, vị anh hùng dân tộc, khi ông viết bộ ba Vàng lửa-Kiếm sắc và Phẩm tiết. Trường hợp Lê Lựu là chuyện người dân thường định kiện, còn trường hợp Nguyễn Huy Thiệp là mấy vị lý luận nghiên cứu phê bình văn học có ghế chính hiệu đánh cho Thiệp lên bờ xuống ruộng.
Tôi là người đọc sách, hiểu rằng nhân vật lấp ló trong tác phẩm nào đó dù có thật ngoài đời đều là hình tượng tác giả mượn để nói về một vấn đề xã hội lớn hơn, mang tính điển hình của thời đại, cả một cuộc sống dằng dịt mà người đọc sẽ thấy hiện ra sau từng lớp lang chương hồi và sau từng con chữ. Với tôi thì tìm ra cái sâu xa sau cái bề nổi của những câu chuyện cụ thể trong tác phẩm là cái mà tác giả cần là rất vất vả, có khi mất hàng năm. Để làm gì? Để bồi bổ tâm hồn và tri thức cuộc sống cho mình, để nhận biết con người sâu hơn mà sống cho nên người! Người biết đọc sách phải đọc ra phần tinh thần ẩn khuất ấy thì mới thấu hiểu giá trị tác phẩm, và mới là hưởng thụ nghệ thuật đúng nghĩa của nó.
Thưởng thức tác phẩm nghệ thuật trên những nguyên lý cấu trúc như thế thì không có gì đáng nói. Và những gì tác giả gửi gắm trong đó, cả tích cực và tiêu cực sẽ dần hiện lên như tấm ảnh trong buồng tối. Từ đó người đọc có thể chắt lọc được các giá trị nhân văn hoặc nhận diện ra mặt tối của tác phẩm.
Vậy là cách tiếp cận là rất quan trọng trong thưởng thức nghệ thuật. Đến đây chúng ta có thể có cái nhìn cùng nhau rằng muốn tiếp cận tốt thì cần kiến thức, muốn có kiến thức thì cần phải học để hiểu các phương pháp sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật. Học có nhiều cách trong trò chuyện trao đổi, đọc sách. Không nhất thiết phải có trường có lớp mà vẫn học được. Có điều mình có muốn mở lòng tiếp thu, loại bỏ hay không mà thôi.
Chúng ta đã có gần thế kỉ thưởng thức nghệ thuật theo định hướng. Thường vở kịch hai tuyến nhân vật địch ta rạch ròi, ta tốt địch xấu. Ta có sai nhưng mà tốt, sẽ sửa được. Còn đối phương- kẻ địch- xấu và ác muôn đời. Cách tiếp cận đó thành công thức rồi và theo thói quen đó gần như ăn vào gene. Tiếp cận lối là cách tiếp cận thô sơ, lấy thông tin bề nổi kiểu đọc báo chí. Xem tranh cũng nhìn ngoại diện để rất nhanh phủ nhận cái không vừa mắt mình nhận cái nhìn thấy ngay. Nếu có nghĩ sâu một chút thì cũng chỉ để khẳng định cái thiên kiến chủ quan của mình. Lối tiếp cận ấy hiểu đơn giản là người ta đem cái thước đo tri thức của mình ướm vào đó rồi kết luận. Cái nào chồng khít với thước của mình thì khen ngay. Ngắn quá thì chê, dài quá không hiểu nổi thì bới lông tìm vết vào những chi tiết, vạch vòi chỗ thước chưa đặt tới với thiên kiến chẳng có gì bảo đảm của mình, và quy kết, kết luận như đúng rồi! Lãnh đạo mà thế thường hỏng việc, nhận xét nghệ thuật như thế thường là gây oan sái cho tác giả. Vụ Nhân Văn giai phẩm là ví dụ điển hình về sự khốn cùng của Văn học nghệ thuật do cách tiếp cận hấp tấp nông cạn hoặc thù địch cố ý, trên tinh thần “giết oan còn hơn bỏ sót” .
Những tác phẩm văn hoặc có giá trị một thời như tiểu thuyết Chị Cả Phây (Ngô Ngọc Bội), Mùa hoa giẻ (Văn Linh), Sắp cưới (Vũ Bão) bài thơ Tây tiến của Quang Dũng, hoặc lời mẹ dặn rất chân thật của Phùng Quán v,v… và v.v. Có thể nhặt ra không biết bao nhiêu ví dụ oan sai. Văn học nghệ thuật nước ta cũng bị “ cải cách ruộng đất” cào cho tơi tả. Mà không có kết luận sửa sai nghiêm túc nên nó như căn bệnh chưa tiệt nọc, lâu lâu lại tái phát.
Và đến hôm nay sự tiếp cận nghệ thuật vẫn chưa tiến triển là bao với những nhà quản lý Văn học nghệ thuật. Môi trường xã hội vẫn quá nửa thưởng thức nghệ thuật theo thói quen cũ kĩ và sơ lược. Trong đội ngũ làm nghệ thuật gọi là có học, cũng khá nhiều người vẫn tiếp cận nghệ thuật theo thói quen đó, mà đã gần hết đời làm nghệ thuật rồi chứ trẻ trung gì cho cam!. Cho nên bảo sao văn học nghệ thuật không có tác giả tác phẩm lớn. Chưa thò ra đã chặt cụt thì còn đâu cho sáng tạo. Sao không để nó tự do mà cứ lạ mắt không như mình là chê bai lên án. Một đất nước lạ lùng, lúc nào cũng kêu gọi sáng tạo nhưng tất cả lại hăng hái chặn mọi ngả đường khi thấy gì khang khác!
Một ví dụ nóng hổi là vụ đình đám dẹp tranh Điện Biên của Mai Duy Minh vừa rồi ở triển lãm Yết Kiêu (5/2022). Quản lý thì thô bạo,dư luận quần chúng cũng nhiều ý kiến áp đặt thiếu hiểu biết, cứ nói bừa phứa theo suy luận chủ quan của mình, đó là chưa kể chửi bới thô tục vô văn hóa!
Cho ra được bức tranh tâm huyết, hoặc một tiểu thuyết hay, phải suy nghĩ cả năm trời mà người xem chưa được mấy phút đã bai bải chê bôi thì ra người xem giỏi quá(!) Họa sĩ hay nhà văn là người sáng tạo chứ có đẽo cày giữa đường đâu mà bạ ai cũng cho mình cái quyền phán xét nhanh thế. Mù mà dẫn đường đã đến lúc hết thời rồi các quý vị ạ, dù nó đang lì lợm tại vị. 21/5/2022