Trở lại Bắc Hà

Lâu lắm tôi mới trở lại Bắc Hà. Bắc Hà những năm xưa là chợ chim, chợ trâu, thắng cố chảo lớn kiểu cổ. Nnưng hôm nay, nơi trung tâm thị trấn, những khách sạn mi ni và vài khách sạn lớn cao dăm bảy tầng cao vót đã thay thế những nhà nghỉ nhỏ hai ba tầng trước đây…Những gian chợ mới xây trên nền chợ cũ mái đỏ ốp nam, chỉ cột và mái, bốn phương tám hướng thoáng đãng ra vào đều được, rõ ràng văn minh hơn hẳn lối xây ụp mái chia lô kiểu chợ Bười hoặc chợ xanh bên đê Nhật Tân Hà Nội, như ô thuốc bắc. Lối đóng ô bán chỗ là thứ quản lý kinh tế thị trường của thành phố lớn, nếu kéo lên miền núi thì nó thất bại. Người ta lại tìm ven rừng góc núi làm chợ tạm ngay, vì buôn bán đâu có nhiều vốn liếng, tuần họp một lần. Buôn bán vặt thì lùi về nhà riêng. Nếu không mở mang du lịch thì hôm nay Bắc Hà vẫn nguyên sơ ngái ngủ như mười mấy năm trước. Bắc Hà sẽ vẫn yên tĩnh thơ mộng trong trong thung lũng rừng xanh.
Bắc Hà hôm nay vừa đủ lộ vẻ đẹp của cô gái đang xoan, mọi cái đang nở nang nhưng chưa xồ xề chen lấn như Sa Pa ngột ngạt. Bắc Hà nóng hơn Sa pa vài độ nhưng vẫn là nơi mát mẻ lý tưởng cho người thành phố nếu muốn dịp cuối tuần lên thư giãn miền rừng. Vào bản Phố, nơi có thương hiệu rượu ngô nổi tiếng chế xuất từ men hạt cây hồng mi, một loại cây lương thực hạt nhỏ như kê, may mà người dân còn giữ được giống hồng mi khi suýt nữa bị đi vào tuyệt chủng. Hai bên đường thỉnh thoảng bắt gặp một căn nhà mới xây khá cầu kì duyên dáng đứng riêng biệt. Tôi nhận ra tình yêu xứ sở của những con người nơi góc núi bìa rừng. Phải yêu lắm, người ta mới chắt chiu đồng tiền để dựng lên căn nhà vững chắc như những giấc mơ tưởng như không bao giờ có được.
Đón du khách bây giờ, Bắc Hà đã có những homestay sạch sẽ tinh tươm, có mạng internet để nối hơi thở cuộc sống với thế giới bên ngoài. Chợ Bắc Hà có món thắng cố ngựa cải tiến, ngon như nồi lẩu, sạch sẽ thơm tho. Nhắc lại ngayd xưa, có người lại ước thấy món thắng cố cổ truyền. Nhưng làm như lối xưa thì ai ăn được. Thắng cố xưa là tim gan phèo phổi cùng gân xương tiết cho vào ninh cùng trong cái chảo lớn sùng sục như vạc dầu của diêm vương, chém to kho mặn mùi bốc không thơm tho gì, không phải dễ nuốt với người xứ lạ. thôi cứ để dư âm cho thực khách cũng là chuyện lạ miền rừng…
Ở sân chợ hôm nay vẫn còn hiện diện cái kỉ lục ghinet, chảo thắng cố to vật nấu được ba con ngựa xác lập năm 2008. Tôi lần mò vào xem lại “di tích” ấy. Vẫn còn biển đá ghi nhận kỉ lục, nhưng người Bắc Hà hầu như đã quên nó. Chảo đặt trên cái lò lớn có song sắt bốn mặt nhốt giữ và mái che nguyên vẹn, nhưng nay nó như cái mả hoang nằm chềnh ênh vô duyên vướng chỗ. Xung quanh cái di tích ấy đủ thứ linh tinh xếp dựa như bãi rác và trong lòng nó thì lam nham những bó vật liệu xây dựng chất xếp bừa bãi, toàn thứ bỏ thì thương , vương thì tội, di tích như cái nốt ruồi vô duyên trên mặt anh hề. Bây giờ mới nhận rõ những thứ hão huyền mà một thời háo hức tạo ra nhằm quảng bá du lịch bằng thứ ghi nét vớ vẩn nó chết ngay sau khi được xác lập.
Còn nhớ năm ấy, khi khai trương chảo thắng cố, thì một phóng viên văn hóa phỏng vấn một bác già người Mông: Bác suy nghĩ gì về cái chảo thắng cô nấu nổi ba con ngựa? Không cần suy nghĩ, ông trả lời: Chảo to bao nhiêu thì người ta vẫn phải ăn bằng cái bát bình thường, thế thì to để làm gì. Hóa ra chẳng ai đánh giá cao cái ghi nét tầm phào này cả..
Cái thực tế nhất của Bắc Hà hôm nay là du lịch đã góp phần vào cải thiện đời sống kinh tế cho một số hộ dân năng động. Dự án bình đẳng giới góp phần tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong nông nghiệp và du lịch ( GREAT) do Australia tài trợ và phối hợp triển khai đã có kết quả tốt. Trước đây ra chợ mua khẩu hang ( một loại gạo cốm) và cốm dẻo của dân tự phát, chỉ vụn vặt. Nhưng nay đã có cả bản làm cốm thành nghề, đó là bản Na lo của xã Tà Chải. Tôi hỏi một nhà, có ngày đã xuất đến 8 tạ cốm tươi khi được đặt hàng. Bản Na Kim dân làm bánh chưng đen. Loại bánh chưng gạo được trộn gio than cây núc nác và cây muối, bột thảo quả được xóc cùng vào gạo cho thơm thảo, bánh chưng để được lâu và ăn có vị núi rừng. Ai cũng biết than núc nác còn là loại thuốc chữa dạ dày. Những món ăn bản địa đó giàu hương vị và giá trị thương phẩm đang được khai thác khi người dân được vay vốn sản xuất và dần sẽ hình thành thương hiệu, đó là những thay đổi đáng kể khi du lịch phát triển.
Ăn tối ở homestay gia đình ông Lâm Văn Nhói người Tày, thực khách được thưởng thức những món ăn lành và bổ mà khách sạn nhà hàng không thể làm được, đó là món hoa chuối rừng làm nộm, là rau đá, là thịt vịt kho trám xanh, rau dớn xào, cá ướp xiên nướng trên than, rồi cốm xanh, xôi khẩu hang… Mâm cơm rải trên lá chuối tươi đầy hương vị núi rừng mà giá không cao hơn ngoài nhà hàng phố chợ.
Xã Bảo Nhai của đất Bắc Hà có vùng Nặm Đet quế bạt ngàn. Nhìn lưng chừng núi những căn nhà xây hai ba tầng của người Dao tiền lấp lánh trắng trên nền xanh núi. Đó là thành phẩm từ cây quế. Bên cạnh các đường liên xã, nhưng khuôn viên vườn ươm quế bầu sin sít cả ngàn vạn cây sẵn sàng lấp kín vườn quế vừa khai thác. Một bác xe ôm bảo tôi: đất này là gốc quế, nhưng cũng nhiều thảo quả lắm. Năm nào Trung quốc mua nhiều thì được giá. Nhưng có lúc họ đánh thụt giá xuống vài lần cũng đành chịu. Vậy là kinh tế rừng bị thả nổi, bán mua bị thao túng. Trên đường đi , có lúc bên sườn đồi thấy hàng bãi sa nhân đang bung hoa. Thì ra đất này cũng hợp với sa nhân. Dân chỉ muốn xác lập được đầu ra thì những loại cây dược liệu sẽ phát triển mà chẳng cần phải trợ cấp thiếu đói. Nghĩ đến tiềm năng đất rừng dư thừa mà người dân vẫn nghèo chỉ vì kinh tế rừng bị bỏ rơi thấy buồn rưn rứt.
Bắc Hà nổi tiếng với rừng mận hậu lớn hàng vạn gốc. Vào mùa xuân hoa mận trắng cả vùng như mây luồn núi, là là mặt đất như sương khói. Mận là loại cây hợp thổ những cho giá trị kinh tế cao nhưng giá cả cũng phập phù. Có lúc loại quả to trên chục trái một kí, giá đến 150 ngàn. Ấy vậy mà người Bắc Hà vẫn chưa thể giàu vì những sản phẩm nơi đây chưa thành hàng hóa ổn định, dù thương hiệu trong đời sống đã có rồi. Nhưng thương hiêu đó cũng vật vờ như hồn núi lang thang mà chưa nơi trú ngụ!
Đi trên đất Bắc Hà dù chỉ lướt qua cũng đã thấy giá trị đất rừng, những giá trị bản địa từ thiên nhiên và con người thật giàu có và phong phú. Nhưng cũng nhận ra sự yếu kém về quản lý và khai thác. Sự tự phát chỉ đem lại giá trị lỏi, thiếu bến vững. Rõ ràng rừng núi nơi đây vẫn đang bị bỏ quên. 7/10/2020