Những gì còn nhớ (7)

Người không kẻ thù

( Viết về chị Nguyệt, người làm tạp dịch ở cơ quan)

Chị là người đặc biệt vì chẳng có gì đặc biệt. Ai cũng cần chị nhưng lại có cảm giác chị như người đứng ngoài cái cộng đồng mà người ta gọi là cơ quan, mặc dù chị là nhân viên của phòng hành chính, có ngạch bậc lương, quy định trách nhiệm công việc và trong biên chế hẳn hoi.
Nghề của chị gọi là tạp vụ, có chỗ gọi là lao công. Nghe qua trách nhiệm công việc đã thấy dếch dác, mệt mỏi.
Tạp vụ tức là công việc tạp nham. Trong cái tạp nham ấy lại có thể rành rẽ ra hai thứ việc to nhất, đó là lo nước sôi buổi sáng cho các phòng và quét dọn mọi xó xỉnh trong cơ quan kể cả toilet. Riêng phòng giám đốc thì nước nôi chè cháo chị phải đem đến tận phòng khách cả sáng lẫn chiều, các phòng khác thì ai đến phiên trực tự xuống lấy. Tuy vậy việc ấy, phần lớn lại rơi vào đầu loại cán bộ mới ra ràng hoặc chị em phụ nữ ( khổ, cái thiên chức bếp núc ở nhà vẫn đeo đẳng các chị đến tận công sở, chứ nhâm nhi chén trà buổi sáng là việc của cánh đàn ông, còn phụ nữ thì có bao giờ). Phích nước chị mang cho các phòng không khó nhưng như thế thì các phòng lại được phục vụ giống như Giám đốc à.
Quét tước, lau chùi phòng giám đốc cho thật li lau là công việc hàng ngày không cần phải bảo. Không phải là lãnh đạo, nhưng chị Nguyệt lo trang bị thường kì vũ khí vệ sinh cho các phòng từ cái chổi, cái mo hót. Đôi khi thêm cái giẻ lau nếu có phòng ban nào đó chợt nghĩ ra yêu cầu. Còn việc quét dọn, phòng nào tử tế thì gom rác vào bồ, sáng sáng đem đổ ra xe rác để sẵn trước cơ quan. Vớ được phòng toàn bọn lười nhác, chúng đùn rác ra góc cửa, thì chị lại lúi húi bốc vét mà chẳng ca thán nửa lời vì đó là chức phận và địa hạt chi quản lí.
Ngày ngày sáng đến sớm, chiều về muộn. Ngoài lúc quét quáy, lau cầu thang và cọ rửa khu vệ sinh, phần thời gian còn lại chị lui về căn phòng xép ở góc nhà được thiết kế làm bếp đun. Cái giang sơn tí hin thân thuộc ấy đựng cuộc đời công chức của chị đã trên hai chục năm, và sẽ còn kéo dài thêm ít năm nữa.
Gần như ngày nào cũng chạm mặt vậy mà mọi người đối với chị luôn xa xa gần gần. Những câu trao đổi với chị trong cơ quan luôn ngắn gọn vừa đủ để thông tin kiểu như “ có nước chưa ”/ “ này hành lang bẩn quá”, “ xem xem cái toilet thế nào, hôi kinh”, “Nhanh tay lên tí nào, chén ấm sao bẩn thế này” …Toàn những câu nói trống không thiếu hẳn chủ ngữ mà chị nghe vẫn hiểu đầy đủ, mặc dầu chị kể ngày bé học dốt cả chính tả đến ngữ pháp. Học mãi mà chả biết gì. Bây giờ đi làm việc rồi, người ta xử tử tế hay ra oai chị đều vui vẻ chấp nhận với nụ cười thân thiện. Với lại cũng chẳng ai biết có phải thật chị cười hay không, vì chị sở hữu một hàm răng rất trắng nhưng hơi hô, có nét cười tứ quý, nên cũng dễ bị nhầm lẫn lắm. Nhà văn Nguyễn Quang Lập trong một lần trả lời phỏng vấn có nhắc lại lời ông Hoàng Ngọc Hiến rằng ở nước mình cứ phải ngu ngu, hiền hiền thì mới dễ sống. Chị Nguyệt chẳng biết có phải làm ra thế không nhưng xem ra chị là người dễ sống nhất cơ quan, luôn lấy công việc làm nguồn vui. Chẳng có ai thân trong cơ quan, nhưng chị cũng không có kẻ thù như nhiều anh trí thức khác. Chị luôn qui thuận mọi yêu cầu xung quanh, không phản kháng, không tranh luận. Vì với chị, xung quanh luôn luôn đúng. Hàng ngày đôi mắt nai trong veo của chị luôn ánh lên sự tận tụy khi tiếp cận với đủ thứ việc. Hình như chính điều đó làm cho cả những người quen thói đố kỵ nhất cũng không tìm ra cớ để mà ghét bỏ .
Còn nhớ lần cơ quan mới sáp nhập, vì là người tạp dịch, chị không cần dự họp nghe công bố nhân sự mới, làm sao mà biết ai với ai. Nên khi ông giám đốc Lữ Huy Nguyên mới về, ngồi trò chuyện thân mật với một cán bộ trong phòng, chị cũng không biết để chào. Chị chỉ biết anh cán bộ biên tập kia có thêm nghề buôn đài,nên tưởng ông ngồi cạnh cũng là lái buôn. Vốn tính thân thiện, chị mon men đến bắt quen, giọng nửa chào nửa hỏi: “Hồi này bác buôn bán có phát đạt không ạ”. Giám đốc họ Lữ ngẩn người, nhìn xung quanh không thấy ai thì đích thị là hỏi mình rồi. Còn đang ngơ ngác thì cậu cán bộ kia hiểu ngay vấn đề, vội xoa :“ Chị Nguyệt, đây là bác Nguyên, giám đốc mới của chúng ta”. Chị khựng lại, đôi mắt nai chết lặng tròn hơn mọi hôm. Mắc nạn lớn rồi, làm sao bây giờ…
Phải nhanh chóng hóa giải kiếp nạn này thôi. Buộc phải tìm ngay ra cách.
Khi nhác thấy bóng giám đốc Nguyên đi vào khu tiểu tiện, chị đã sắp sẵn xô nước đứng chờ ở cửa. Ông vừa đi ra, khuy quần còn chưa kịp đóng hết chị đã khẩn trương nhao vào đổ nhanh xô nước, quét túi bụi.
Sự phục thiện của chị có hơi thô hơi vụng nhưng bộc lộ được sự mẫn cán và thành thật mà ít ai dám làm như thế, nên đã để lại dấu ấn khó quên. Mãi sau có người nhắc lại sự kiện này, giám đốc Nguyên vẫn nhớ, khen chị thật thà và cười khục khục mãi. Cho đến hôm nay chia tay bao nhiêu bạn cùng công tác, chẳng nhớ ai,tôi lại nhớ chị Nguyệt! Dù khi còn làm việc ở cơ quan cũng không tiếp xúc trò chuyện nhiều. Lúc ấy tôi thấy xung quanh mọi người vẫn ngầm coi chị là công dân loại hai do cái nghề lao công nó không nằm trong không gian trí thức. Quả tình nghề lao công khó có chỗ để xếp hạng ở đây, cho dù do tính chất công việc, hàng ngày chị chạm mặt với mọi người nhiều hơn cả giám đốc thì cũng đến vậy.
23/7/2008