Những gì còn nhớ (24)

Vẻ đẹp trường tồn

Lê Công Thành là nhà điêu khắc tài danh. Ông quê ở Đà Nẵng. Sáng tác của ông tập trung vào phô diễn vẻ đẹp cơ thể phụ nữ.

 

Viết về Lê công Thành với tôi là quá sức, bởi nhận thức được sự sâu lắng phía sau những khối hình ông tạo ra cũng nhọc nhằn không kém gì lao động của chính ông, người tạo ra nó.
Hình tượng quán xuyến trong điêu khắc của Lê Công Thành là người đàn bà. Những người đàn bà chứa đựng đầy uy lực về tính dục. Nếu nhìn trần trụi bên ngoài thì uy lực hấp hút của họ không người đàn ông nào có thể khước từ. Nỗi thèm khát đắm mình để được hòa vào trong đó chiếm đoạt cảm xúc của họ. Ông nói: “Tôi tạc tượng người đàn bà vì từ trong dục tính và trong thân xác của người đàn bà, tôi có thể hiểu hơn sự thật bí ẩn của đời sống. Tình dục rất quan trọng trong đời sống của người đàn ông. Làm tình không phải là điều đơn giản. Khi tôi vẽ, tôi nặn tượng, hay tôi giao hòa với người đàn bà, tôi hiểu hơn những sự thật của cuộc sống…”. Ông nói : “ Hội họa là một phương tiện. Đề tài cũng là một phương tiện. Trong cuộc sống, tất cả đều là phương tiện. Chỉ có một mục đích duy nhất đó là cái Đẹp”. Nhưng ông lại có một phát hiện khác nữa: “tất cả mọi người đang nói về phương tiện và coi đó là mục đích cuối cùng. Tại sao vậy?Đơn giản là không một ai có thể giải thích về cái đích mà mình muốn vươn lên.Ai đã nhận ra được điều này thì họ lại phải câm lặng. Nhà trường chỉ biết giảng giải về phương tiện chứ không thể nói về mục đích”

Tôi phải trích dẫn dài dòng lời ông nói để mọi người cùng hiểu thêm về thế giới quan của Lê Công Thành đối với nghệ thuật.Và ông đã sáng tác như đang trôi bơi trong dòng sông Mê đó và cuốn mọi người đắm chìm theo ông.
Ông nói với tôi rằng: “ Trong tôi có cả Đa-Vít, cả Henri Mo và nhiều người khác nữa, nhưng tôi vẫn là tôi”. Ông có tự huyễn hoặc mình không hay đó là sự thật? Bởi cái khó nhất trong đời một con người là nhận biết được chính mình, biết mình là ai và đang ở đâu. Nhận thức được điều đó là con người đã ở vào một đẳng cấp khác. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là đã thoát tục. Tôi tin ông đã nói đúng sự thật về mình. Đó là bản lĩnh nghệ sĩ trong con người ông. Bởi vì tác phẩm bao giờ cũng là sự kiểm chứng có sức thuyết phục mạnh nhất và sớm nhất. Tác phẩm của Lê Công Thành đã cho ta thấy ông không lẫn vào đâu được dù chỉ chiêm ngưỡng có một lần.Ông đã dựng được đài vinh quang cho sự nghiệp của mình.

Tôi chưa làm nổi việc phân tích các giá trị trong điêu khắc Lê Công Thành, nhưng có thể nói về sự cảm nhận các tác phẩm của ông.
Về tính hiện đại trong tác phẩm Lê Công Thành thì để các nhà phê bình có chuyên môn sâu phát biểu có lẽ sẽ chuẩn mực hơn. Tôi chỉ muốn nói về cội nguồn lối nhìn phương đông đã bám riết lấy ông trong điêu khắc.
Tôi lưu ý đến tính phồn thực trong điêu khắc Lê Công Thành. Phồn thực trong tác phẩm điêu khắc của ông cực mạnh. Mạnh đến mức áp đảo tất cả những ai yếu bóng vía. Nhưng cội nguồn của nó có phải ông lấy cảm hứng từ Chămpa hay Ấn Độ? Tôi ngờ rằng không hẳn và cũng không phải thế vì nó đã vượt tầm về sự mê mẩn đến siêu lãng. Nó là Đời trong Đạo. Ở đây tôi muốn nhìn phồn thực ở khía cạnh khác, khía cạnh văn hóa dân gian..
Làng Nành thuộc đất Kinh Bắc có mảnh đất Thạch Sàng mang hình âm vật, hình tượng sinh thực khí, biểu tượng cho sinh sôi. Lại có chuyện Ông Đùng bà Đà của người Mường mà sinh thực khí của các vị cũng tầm cỡ đến mức huyền thoại. Tranh hứng dừa có thể xếp vào loại sex siêu đẳng, cấp thế giới từ cách đây dăm sáu trăm năm. Chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng , nở thành trăm người con cũng thật là kỳ vĩ. Còn trong điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên thì chuyện khoe âm vật, khoe dương vật (chữ của nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm Thượng) là cực kỳ mạnh mẽ. Nhìn là sex, nhưng ẩn sau nó là vũ trụ quan về tính trường tồn trong dân gian. Chỉ những sinh thực khí to lớn bề thế và mạnh mẽ đến siêu phàm như vậy thì mới có thể cho sức mạnh trường tồn. Tôi ngờ rằng chính là nó đã hun đúc cho điêu khắc Lê Công Thành thêm một nhận thức về vẻ đẹp và hấp dẫn của đàn bà mà những ông kễnh châu Âu kia cũng chỉ là chút xúc tác về hình thức. Chuyện khoe âm vật mà Lê Công Thành tập trung đưa vào điêu khắc cũng vượt xa tất cả các bậc tiền bối từ dân gian đến hiện đại cả về thời và lượng. Ở đây Lê Công Thành đã rơi vào cõi mê. Ông tắm mình trong phồn thực để tái tạo ra các âm vật vừa hùng dũng vừa thách thức vừa lẫm liệt phi thường qua mọi đẳng cấp. Và sức ẩn chứa của sex với Lê Công Thành chính là sự bất diệt. Nó đánh thức con người nhận thức lại về sự thiêng liêng cao cả chứa chất trong cơ thể người đàn bà mà ông đã đọc ra từ đời sống con người. Trò chuyện với tôi , ông ca ngợi những đường cong gợi cảm trên cơ thể người đàn bà như là một phát hiện riêng tư. Còn tôi lại nhìn thấy nội lực trong những đường cong đó tiềm chứa sức mạnh của Thiền. Giống như sức mạnh của nét mềm như gió mà nặng như sắt thép trong tranh khắc các đại gia Hokusai, Utamaro, Hirosighe xứ Phù Tang khi họ diễn tả phong cảnh, sóng nước hoặc chân dung các geisa, hoặc các samurai vậy.Đó là chưa kể đến các khối tròn lẳn ông tạo ra khá gần với các khối của tượng Hộ pháp, Kim cương nhưng đã được chưng cất đến tinh khiết vào cơ thể người đàn bà. Nói điêu khắc của ông là đời nằm trong đạo cũng một phần là như vậy.

Nhưng tựu trung lại là gì vậy trong các giá trị mà Lê Công Thành đã tạo ra? Có thể nói ngay đó chính là Hồn Việt ông đã đưa được vào điêu khắc mà hình tượng người đàn bà là phần chính yếu trong tư duy nghệ thuật . Còn điểm nhấn quyết liệt thì tập trung vào âm vật, một cửa mở ra cho tất cả mọi sự sống trên đời này. Điều này dễ nói trên trang viết nhưng lại là sự thách đố với bản lĩnh của người nghệ sĩ điêu khắc. Sự thách đố này không nằm ởkỹ năng, dù kỹ năng cũng không phải là chuyện coi thường được. Mà cái vướng chính là ở phía tâm lý xã hội. Mảnh đất nho học ngàn năm đã một thời lấn sân,áp chế tất cả tư tưởng trái với nó, bắt tất cả phải nhìn nhận theo một khuôn phép. Nó đóng khung tư tưởng con người bằng những định kiến. Đạo tam tòng tứ đức đã biến vai trò chính yếu của người phụ nữ thành nô lệ, bị khinh rẻ và bị hạ thấp nhân phẩm xuống đến tột cùng. Nhưng ông đã đàng hoàng bước qua được cái cửa chắn sắt thép đó để bộc lộ được vai trò mạnh mẽ của người nghệ sĩ, tôn vinh một giá trị vĩnh hằng đã bị vùi lấp bao đời.Cho đến ngày nay, dù nho học đã lùi xa nhưng tinh thần Nho giáo vẫn còn đầy ắp trong đầu không ít người. Họ là lực lượng không thể tiêu hóa nổi điêu khắc của ông . Nhưng điều đó không quan trọng, nó chỉ là dúm nhỏ trong nghệ trường khi mà nghệ thuật đã lĩnh ấn tiên phong trong việc tháo dỡ các quan niệm cũ kỹ và chật hẹp để ung dung bước vào ngôi đền của sáng tạo. Vượt lên trên tất cả, ông đã là con cá chép đã qua nổi qua vũ môn.
Có người bàn đến ảnh hưởng của Henri Mo với Lê Công Thành như một thứ bóng rợp. Tôi cho rằng trong nghệ thuật sự ảnh hưởng qua lại từ tư duy triết học đến hình thức biểu cảm giữa các tác giả (nhất là với các bậc tiền bối đã định danh) là điều thường xảy ra.Trong quá trình đi tìm mình, để hoàn thiện mình, không ai là không có một người thày tinh thần dẫn dắt. Điều cốt yếu là cuối cùng Lê Công Thành vẫn là chính ông. Với điêu khắc Việt Nam,Lê Công Thành có đóng góp đặc biệt không thể so sánh với ai trong sự bứt phá và bản lĩnh nghề nghiệp với (gần như) chỉ trên một đề tài xuyên suốt. Ông không bị sa đà vào hệ lụy của mối quan hệ đời thường. Ông sống với một chuẩn mực chín nẫu trong ông , đó là cái đẹp trong nghệ thuật. Ông coi đó là mục đích và ông đã làm được. Tôi thực sự ngưỡng mộ và xin chân thành chúc mừng ông.14/3/2008