Những gì còn nhớ (28)

Bác tôi

Tôi có ông bác bên nội, cũng làm nông, nhưng bác nghèo lắm.
Vốn con nhà nho. Bố bác có chữ , được làm đến chức lí trưởng trong làng. Cả làng kính cẩn gọi cụ Lý mà ít nhắc tên. Cứ nói cụ Lý là mọi người biết là ai rồi. Làng xưa nhỏ hẹp, cái chức Lí trưởng bé ti cũng có lúc thành danh từ với những ai giữ chức vụ lâu.
Bác lớn lên thời cách mạng nên bị thất học vì xã hội lúc đó nhộn nhạo. Không có chữ biết làm gì ngoài việc cổ cày vai bừa, bác nhanh chóng sung vào đội phu kéo xe tay ngoài phố thị kiếm ăn cho tiện.
Rồi bác cùng bố tôi bỏ quê kéo nhau ra vùng tự do. Không phải đi làm cách mạng gì đâu mà lên lĩnh canh mấy mẫu ruộng cho chủ đồn điền Bùi Huy khuê kiếm sống. Rồi cách mạng thành công ông ở lại luôn vùng tự do.
Làm ruộng thì có gì mà giàu có. Mỗi năm đóng thuế nông nghiệp cho kháng chiến thay vì nộp tô cho chủ. Số thóc còn lại co kéo đủ ăn cho đến vụ mới.
Chả gì cũng con nhà quan một thời dù chỉ quan làng, bác có thói quen ăn tiêu xông xênh. Bố tôi xếp bác vào loại : “ rượu cả vò/ chó cả con”nghĩa là có bao nhiều xài hết.
Có khi thói quen này do cái tên của bác chăng? Bác tên là Chai! Không hiểu sao ông thân sinh lại đặt tên bác thế. Chai là chai rượu, vì em dưới bác tên là Nậm, cũng có nghĩa nậm rượu! Nghe tên hai anh em bác đã thấy say. Người kém rượu thì say đứ đừ!
Nhà bác thịt con chó, mấy người trong xóm muốn đánh đụng chia nhau nhưng bác chẳng để cho ai, để nhà ăn tất. Bác bảo bố tôi: “Anh muốn ăn sang tôi cắt cho một đùi”. Vậy là bác cho chứ bán thì không.
Bố bảo “Anh chỉ được cái ăn tào ăn huyệt, nhà lúc nào cũng xác như xơ mít”.
Nghe thế bác cười bảo bố tôi: Đời người mấy tí mà dành dụm hả chú? No cũng chết, đói cũng chết, vậy chết no hơn chết đói. Là bác sĩ hão nói thế chứ nhà bác cơm rau thường xuyên.
Bố bảo tiếp: Anh sướng ở cái chỗ nói phét thay cơm. Nghe vậy bác chỉ cười khùng khục chứ không giận.

Bác sống có lòng với con cháu. Mỗi lần nghe tôi về thăm nhà bác đều lọc cọc chống gậy lên nhà hỏi thăm ân cần và kéo bằng được thằng cháu sang nhà ăn bữa cơm với bác mới xong.
Bác mất mấy chục năm nay rồi mà tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bác. Những năm cuối đời mắt bác kém dần rồi hỏng hẳn. Khi ấy bệnh viện chưa có phương pháp thay thủy tinh thể. Nhưng đổi lại bác chỉ nghe bước chân là đã biết là ai, ít khi sai.

Bác Chai tôi là con người bình dị. Tuy rượu cả vò, chó cả con nhưng đời bác sạch sẽ, ra đi không mang công mắc nợ ai, để lại nỗi nhớ với mọi người trong lối xóm. Kể ra đời một người sống suôn sẻ như bác tôi cũng không phải nhiều lắm, thường không điều nọ thì tiếng kia. Bác được mỗi cái tiếng “ rượu cả vò chó cả con” no nê suốt đời dù bác luôn sống trong cảnh nghèo. 12/10/2013