Người ở quê

doduc
Bác tên là Hải, nhưng người trong xóm quen gọi là Hải Moong. Moong là tên vợ. Hai bác là người hiền hậu. Những năm sáu mươi thế kỉ trước mà bác sắm nổi cái đài Phi lip Hà Lan cũng là có máu mặt lắm. Vì thế, về thời sự cả xóm chỉ có bác biết tin tức trước, không chỉ tin trong nước mà còn tin thế giới, từ Trung Quốc đến Liên Xô, từ Anh sang Mỹ, tất cả là từ cái đài Phi Líp nó nhả vào tai bác. Cho nên bác hơn cả những cán bộ xã kể cả tuyên huấn. Lại thêm cái hộp kim tiêm và ống nghe, bác thành người đặc biệt trong xóm, dù chỉ là y tá từ lính cụ Hồ. Trong xóm ngoài làng, cảm sốt là người ta triệu bác . Bác là niềm tin tưởng của tất cả mọi người trong vùng.
Còn nhớ người bị ngất, bác chạy đến tiêm cho một ống thuốc “hồi sinh”. Tên thuốc là gì không biết, cứ thấy gọi thế ( hình như là Vi ta min B1thơm mùi nếp cái). Thuốc hồi sinh tiêm vào nóng người, sắp chết cũng sống lại. Tài thế.
Bây giờ bênh viện dùng xi-lanh nhựa đóng trong túi bóng vô trùng, bơm đầy thuốc vào, tiêm một lần thì vứt. Cái hộp xi lanh của bác Hải bằng nhôm, xi-lanh thủy tinh dùng nhiều lần chứ làm gì có của vứt dễ thế! Trong hộp còn có thêm một cái panh và cuộn bông trắng vặt nhỏ ra, tẩm cồn. Xi lanh, khử trùng bằng nước sôi, bông cồn thì dịt vào chỗ tiêm. Cứ là đun nước bằng cái xoong nhôm rồi đổ ngập vào hộp nhôm luộc cả xi lanh cùng kim tiêm là an toàn, bác bảo thế. Cũng có thêm một cái kim dự phòng nữa nhưng thấy chẳng mấy khi dùng tới. Hộp kim đó cứu bao nhiêu người trong xóm, nhưng lần cần nhất cứu cô em gái tôi lúc nó hai năm tuổi thì nó không hoàn thành nhiệm vụ. Lần ấy, bác cũng tiêm thuốc hồi sinh vào cánh tay, nhưng tim em tôi không đập trở lại. Nó đuối dần, nhịp thưa dần. Cuối cùng thì ngừng đập. Lần ấy bác không dùng ống nghe, mà lấy tay đặt lên ngực, chỗ tim em lắng nghe. Thấy bác lặng đi, rồi đầu lắc lắc thất vọng như người có lỗi. Tất cả bó tay nhìn em ra đi , chấp nhận số phận nghiệt ngã. Từ sau lần ấy tôi không buồn nhìn lại hộp kim tiêm lần nào nữa.
Cũng từ đấy thấy bác dần ít nói. TRước đây, ngồi với bố, bác thường râm ran không hết chuyện, nhưng giờ bác hay trầm tư. Cuộc đời có những biến cố nó biến đổi tính cách con người, em tôi mất vì bệnh, nhưng bác không cứu nổi cũng đâm suy tư như muốn nhận lấy một phần trách nhiệm.
Bác có tám người con. Tuyền con gái. Đứa lớn cách đứa bé một hai năm, củ khoai củ ráy cả. Thôn quê nhà nào cũng ước có thằng con giai chống gậy nối dõi tông đường, nhưng nhà bác chờ mãi chả thấy. Một lần đi đâu đó sớm, bác nhặt được một thằng bé đẹp như thiên thần bị vứt ở gầm cầu trên Quốc lộ. Bác vội vã bế về giao bác gái chăm bẵm, quí như cục vàng. Nhưng được 8 tháng, đang lớn thồi thồi thồi thì cu con lâm bệnh và nổ luôn đôi mắt. Nó ra đi trong sự đau đớn của cả nhà. Cái năng lực y tá bác đổ ra hết công lực nhưng vẫn đành bó tay! Đúng là số không có con giai, có cố cũng không xong, kể cả con nuôi con nhặt, trời không cho cũng chịu.
Năm bố tôi mất, bác vào viếng. Bác ngồi im lặng khá lâu. Không nói lời chia buồn nhưng nhìn dáng bác ngồi , gương mặt thì biết rằng bác buồn rã rượi, hơn tất cả mọi người. Bố là bạn nghe đài thường xuyên của bác Hải. Thời chiến tranh, đài BBC và đài tiếng nói Hoa Kì bị cấm tiệt. Càng cấm dân càng tò mò. Bố với bác Hải muốn nghe thì mở nhỏ, đủ ghé tai bên ngọn đèn dầu vặn nhỏ, cửa đóng kín như nhà đi ngủ rồi. Cảnh giác cho lành dù ngoài sân có con chó mực mẫn cán nhưng cũng không thể chủ quan . Thời ấy công an xã cũng rình mò như trộm.
Rồi bác cũng bất ngờ ra đi sau một cơn tai biến ở tuổi ngoài bảy mươi. Xóm mất một y tá bất đắc dĩ thì có thêm bác sĩ Đại tá quân y thời chống Mỹ Nguyễn Văn Tám xuất ngũ. Bác sĩ cao tay hơn , nhưng tiếng tăm không lớn hơn vì bác Hải bác xuất hiện vào thời xã chưa có trạm y tế. Bác như thầy thuốc lớn. Còn bây giờ trạm y tế xã to như cái bệnh viện Huyện thời ấy.
Bác cũng nổi tiếng bởi dãy tên con: bác tên Hải, con bắt đầu là Quân- Chính – Quy- Hiện – Đại. Rồi tiếp theo là Hoa- Hồng- Hiện. Bác đặt tên con theo mong ước của người lính!
Phía bên kia đường cạnh nhà bác, nhà ông Cứ cũng có số con bằng nửa bác Hải, với dãy tên khá đối xứng: Y- Như- Hòa Bình. Ông Cứ là người Thái Bình tản cư từ vùng tề ra, lúc nào cũng mong được yên hàn để còn về quê.
Bây giờ Hải quân chính qui hiện đại cả rồi. Các cháu cũng lấy chồng sinh con lên chức bà cả rồi, bác Hải có biết không?
Còn hòa bình cũng hòa bình rồi. Nhưng Y Như Hòa Bình ông Cứ đặt cho đàn con thể hiện niềm mong ước mong manh lại giống như điềm báo… cũng đáng để suy nghĩ lắm. Thực tế mình đâu đã có hòa bình trọn vẹn. Ông Cứ cũng không còn để nhận ra điều tiên đoán rất trạng Trình của mình! 22/11/2015