Trách ai?

doduc
Một người bạn tôi, anh Đỗ Thiện viết: “Nói đến Hà Nội, chắc ai cũng phải biết tới Hồ Gươm, và cùng với nó là Tháp rùa – như một phần không thể thiếu tưởng như từ ngàn xưa.
Ít ai biết rằng ngọn tháp cổ kính này được cho là mang tâm hồn lẫn khí thiêng của người Hà Nội mới được một bá hộ xây vào năm 1886, với ý định sẽ đặt mộ bố mẹ vào trong ngọn tháp nằm trên hòn đảo giữa hồ để mong phát tài phát tướng.
Ít người để ý bên Hồ gươm còn có một ngọn tháp cổ khác được xây trước Tháp rùa mấy chục năm nhưng hầu như không được nhắc tới. Đó là tháp Hòa phong, vốn nằm trong chùa Báo ân, ngôi chùa được xây vào năm 1842 và bị Pháp phá đi vào năm 1888 để xây tòa nhà Bưu điện Hà Nội.
Nguyên nhân của cái sự nhất bên trọng nhất bên khinh này không có gì khác hơn là vị trí, hay nói một cách khác, là chỗ đứng khi nó được xây nên.”
Câu chuyện này rất thật nhưng lại chứa đựng khá sâu sa những điều huyền bí ở trong cuộc sống đương đại. Đồ tầm thường nhưng để ra chỗ sáng ai cũng thấy và nhìn nó mãi rồi dần nó thành một biểu tượng linh thiêng. Cũng như trong đời thường một tiến sĩ rởm được mời đi nơi này nơi kia chém gió tơi bời rồi dần dà cả người nghe và vị Tiến sĩ kia đều ngỡ là thật và rồi thành ra thật lúc nào không biết, dù chỉ là tiến sĩ giấy.”Lộng giả thành chân” ( cái giả lộng hành mãi thì nó thành ra thật) là như vậy
Có những giá trị thật bị lùi sâu vào bóng tối, và những giá trị giả trồi lên khoe mẽ chiếm vị trí . Rất nhiều ví dụ về chuyện này. Một vị từng bị kỉ luật nhưng là con nhà có truyền thống nên chả nỡ vứt bỏ. Một thời gian sau chuyện kỉ luật lùi xa. Anh ta được đưa lên vị trí cao hơn, rồi vị ấy lại kỉ luật cán bộ dưới quyền mắc lỗi, kí nhanh như chớp. Người đời nhìn chỉ biết bưng miệng cười.
Cứ bảo vì sao văn hóa xuống cấp. Câu chuyện bên bờ hồ, hai ngọn tháp, cái ba vạ để ở chỗ sang trọng được coi như biểu tượng, cái chân thật thì lùi ra dệ đường…Đấy khi sử sách bị coi thường, môn sử trong học đường bị biên soạn méo mó, khiến học sinh chán sử thạo chuyện Tàu hơn chuyện ta, thì cải cách giáo dục có vị bộ trưởng đề xuất bỏ môn sử đi, ghép nó vào môn giáo dục công dân hoặc môn An ninh Quốc phòng gì đó. Tệ quá. Văn hóa xuống cấp không phải chỉ riêng Bộ Văn hóa chịu trách nhiệm mà còn cả cái gốc từ nền giáo dục phổ thông.
Có nhiều cái lệch hướng lắm nhưng khi người ta quá ham tiền khai thác du lịch, băm nát cả những chỗ linh thiêng như Yên Tử đua nhau hai hướng cáp treo, mong du lịch kiếm tiền từ cửa Phật. Hoặc phá rừng bảo tồn cũng lại cáp treo lên đỉnh nóc nhà Đông dương Phan xi phăng. Đến hang Sơn Đoòng kì vĩ mà người ta cũng rập rình dự án đầu tư cáp treo để khai thác hang được nhiều tiền hơn mặc dù địa chất địa mạo của hang không cho phép, hang không chịu được sự chấn động của cáp treo. Tất cả là vì cái gốc văn hóa vị xao lãng, bị coi thường. Văn hóa bị tha hóa vì đồng tiền che khuất tầm mắt.
Chỉ dạo quanh hồ Gươm vào ngày thứ Bảy chủ nhật, tha hồ thẩn tha ngắm nhưng mấy ai để ý đến câu chuyện bạn tôi nói ở trên… có phải cuộc đời giờ người ta ham ăn hơn ham hiểu. Có đúng thế không.Trách ai bây giờ? 30/10/2016