Chuyện xưa như Diễm

Chuyện xưa như Diễm
doduc
1 – Từ lâu nay vào một số khách sạn gặp người ta hay gặp những đôi dép để đi trong nhà bị chặt cụt mõm. Khách sạn đã cắt phăng mõm những đôi dép nhựa mới trong phòng nghỉ. Như một hội chứng bệnh tật, việc này tràn lan từ Bắc vào nam, vào cả các xó xỉnh tỉnh lẻ. Mới đây lại được đọc một cái tút ngán ngẩm của nhà văn Văn Gía trên phây buc về chuyện “ dép bị chặt mõm” đó. Xin phép anh Văn Gía cho trích một đoạn trong cái tút của anh : “…Mới đây, kẻ viết bài này tham dự lớp tập bơi tại một trung tâm ở giữa Thủ đô có cái tên rất mỹ miều nửa Anh nửa Việt Fitness Garden Hương Sen. Vào trong phòng thay đồ, chao ôi, la liệt các đôi dép cũng đã bị chặt mõm xếp hàng ngăn nắp trên kệ. Thoạt trông như một bầy ngan trắng nhất loạt bị chém cụt đầu.
Khốn nạn, mấy chục đôi dép so với cái cơ ngơi mênh mông nào là bể bơi, nào là phòng Yoga, nào là phòng Gym…thì có nghĩa lý gì. Ấy thế mà cứ nhất thiết phải chặt dép mới thỏa cơn.
Không biết cái tay chủ là người thế nào? Liệu có phải cái đói khát lam lũ tuổi thơ ám ảnh y đến bây giờ lúc nào cũng sợ…mất dép? Hay có phải y tìm được cái thú vui hiếu sát mỗi khi hành quyết những chiếc dép vô tội kia không?”

2 – Tưởng đâu đó chặt mõm dép như sáng kiến mới có từ ngày đất nước mở cửa. Nhưng hóa không phải. Khi đọc trong tập sách viết về chân dung một số nhà văn “ Rừng xưa xanh lá” của cố nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể thì từ thời bao cấp ông cũng bắt gặp những chiếc thìa xinh xinh trong quán nọ cũng bị chủ quán dùng đinh đục thủng một lỗ, còn không mài ba via sắc lẹm trên đáy thìa của lỗ đục do chiếc đinh tạo ra. Đó là sáng kiến của chủ quán để cho ai đó muốn “ sưu tầm” chiếc thìa thấy thìa bị tàn phế thì cũng chán, để khỏi đút nhầm vào túi!
Đấy là chưa kể về những cái bật lửa ga nhan nhản trong quán nước bây giờ cũng được chủ quán sáng tạo cắt một đoạn dài ống nhựa hơ nóng cho giãn ra rồi lồng khít vào để trông nó dị dạng lòng ngòng, đề phòng khách cầm nhầm, hoặc một đoạn dây lò xo nhựa gắn vào đuôi bút bi tại quầy giao dịch các ngân hàng để giữ bút… Chỉ nhìn chứ chưa dùng đến đã thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương. Những sáng kiến chặt mõm dép này của khách sạn, nhà trọ có từ lâu lắm cũng chỉ cốt để giữ của. Lại chơt nhớ chuyện một cô bạn lứa tuổi tôi ngày mới sinh được bố mẹ đặt tên cái tên xấu xí là cái Thớt, đề phòng ma bắt vì gia đình thuộc loại hiếm muộn. Cho nên có chuyện hài rằng ngày cái Thớt cưới, bà bạn có con sinh cùng Thớt nhưng rồi bị bệnh chết. Giờ trông thấy Thớt lấy chồng , bà khóc nói với bà bạn rằng, cái L. nhà tôi mà còn cũng bằng cái thớt nhà bà đấy! Câu chuyện thương tâm, hơi xấu xí và hài hước dù nó không có gì tệ hại lắm.
3 – Lâu rồi tôi nghe câu chuyện về nhà văn Tsekhop cùng bạn vào quán ăn. Khi đưa lát bánh mì lên ngang miệng, Nhà văn bảo với bạn: “ Gã chủ quán này chắc chắn gốc gác là nông dân bị điền chủ chèn ép không chịu được nên bỏ quê bỏ làng lên đây mở quán ăn kiếm sống” . Bạn ông trố mắt : “ sao ông biết” thì Tsekhop bảo hãy cứ hỏi chủ quán thì rõ. Người bạn đã hỏi và nghe chủ quán kể y như nhà văn dự đoán. Trước cặp mắt tròn xoe của người bạn , Tsekhop cười giải thích: khi đưa lát bánh mì lên miệng tôi thấy sự mùi hành tây là đoán ra ngay. Chỉ có những tay nông dân xé rào mới đem dao thái hành cắt bánh mì chứ người chuyên nghiệp không ai làm thế.
Một họa sĩ học ở Châu Âu về kể với tôi: anh ạ, bên ấy có những người không xu dính túi nhưng vẫn là quý tộc, Qúy tộc thất thế khuynh gia bại sản thôi. Còn có những kẻ tiền đầy mình mà không vươn lên được tước hiệu đó. Đơn giản, đó là ứng xử trong giao tiếp trong cuộc sống, gia đình quý tộc nó được giáo dục nền nếp lời ăn tiếng nói, cử chỉ bặt thiệp, đàng hoàng tự tin, còn kẻ mới ngoi lên có tiền nhưng không có những thứ ấy.
4 – Trong tranh Đạo giáo, trên đầu các vị tiên thánh luôn có một khoanh tròn như vầng hào quang. Trước đây tôi cứ nghĩ đó là vầng hào quang trí tuệ như hình ảnh trên các tranh Thánh ở châu Âu , hay hào quang trên đầu Đức chúa. Mãi đến khi gặp một người bạn làm nghiên cứu bên viện Dân tộc học giải thích mình mới ngớ ra là đã hiểu sai. Anh bạn sang Trung quốc được giải thích đó là chiếc gương. Quan niệm của Đạo giáo là vạn vật hữu linh , cây đủ nghìn năm thì có thể thành địa tiên, biến thành người, còn các bậc thánh gốc gác cũng chỉ là động vật sống lâu, tu luyện mà đắc đạo được lên những vị trí cao sang. Để giữ mình, tránh tự diễn biến, biến chất nên các vị thần tiên luôn để cái gương trên đầu, soi mặt hàng ngày. Soi vào đấy để luôn nhớ nguồn gốc của mình sinh ra từ đâu. Từ đó nhớ đừng quay lại thói xấu từ tiền kiếp mà tan tành công quả. Xét trên góc nhìn đó thì đạo giáo quả là có tư tưởng duy vật!
Lan man đủ chuyên từ đông sang tây, từ nhà quê ra tỉnh, từ chốn nghèo đến nơi sang trọng để quay trở lại cái gốc của vấn đề, có thể cắt nghĩa chuyện dép cụt mõm ở những nơi tưởng như sang trọng kia mà anh Văn Gía đã kể thì thấy ngay góc bần hàn ti tiện trong tâm thức của kẻ lắm tiền. Họ có tiền nhưng không thể lột xác thành quý tộc. Họ là những người nghèo văn hóa, thiếu hụt kĩ năng sống đến thảm hại. Một lần nữa để cùng nhau nhìn lại đồng tiền chỉ là phương tiện, đồng tiền không cho anh văn hóa, không mua được văn hóa, mà nó chỉ có năng lực siêu việt là nhanh chóng biến anh thành tên trọc phú.
Ở ta những chuyện này đầy ra và xưa như diễm! Một “truyền thống” không có gì là tốt đẹp, chỉ phô bày tính ích kỉ, hẹp hòi , ti tiện của một thời nghèo đói cả vật chất lẫn tinh thần, đến mất cả niềm tin vào con người!Cái này coi thế mà khó khắc phục lắm. Đến giờ đây còn có nguy cơ tăng thêm, vì lý do gì, các bạn hãy tự tìm hiểu.
Cho nên những trọc phú bây giờ nhan nhản nhưng họ không bao giờ trở thành quý tộc được. Tìm được quý tộc thật khó, vì nó cần có cả một bề dày giáo dục.11/12/2016