Hàng rong

Doduc
1 – Nói đến hàng rong thì người ta hiểu ngay là người bán hàng gánh hàng đi rong từ phố này qua phố nọ, thậm chí len lách vào các ngõ các hẻm.
Đó là những người bán rau buổi sớm, gánh hàng phở hoặc bán bánh trôi chay hoặc bánh đa kê chẳng hạn, vừa đi vừa rao…Họ chỉ dừng trên vỉa hè chốc nhát khi có người mua hàng.
Hàng rong hình thành từ phố thị đáp ứng những nhu cầu nhỏ hàng ngày của thị dân. Gánh rau , gánh quà, gánh phở nho nhỏ nhưng nó cũng là một phần huyết quản của phố phường.
Với những gánh hàng rong như thế , nhiều người mẹ đã nuôi sống cả gia đình dù thu nhập chẳng nhiều nhặn gì nhưng đều. Mẹ tôi từng bảo” buôn thất nghiệp, lãi quan viên” là nói về những gánh hàng rong.
2 – Hôm nay gánh hàng rong vẫn còn trên đường phố, thậm chí nhiều lên. Nhìn hàng rong thì biết dân ta còn nghèo lắm. Hàng rong là cách kiếm sống hiệu quả cuối cùng, vì chỉ có đi mới bán nổi hàng.
Nhưng hàng rong hôm nay phát triển thêm phương tiện mới đỡ cho đôi vai: xe đạp, xe đẩy. Hàng rong vẫn trái cây, rau cỏ nhưng có thêm những xe đẩy bán áo quần trên đường phố. Họ cũng đi rong, nhưng họ cũng đứng cố định nhiều ở rãnh ven đường chứ không leo trên vỉa hè. Họ gọt dứa bán tại chỗ, cam quýt mận đào trên mẹt buộc sau xe. Thế hệ hai hàng rong này bắt đầu hình thành như những chướng ngại trên phố xá, có lúc cũng cản trở giao thông không chỉ khi người đi đường dừng lại mua bán.
Hàng rong kiểu này có thể coi như chợ cóc một người. Giống như nước ngoài,có cuộc biểu tình cá nhân một người, họ đóng cọc ngay ngã tư hoặc ven đường chỗ đông người qua để nhiều người thấy. Hàng rong thế hệ mới có xe đạp xe đẩy cũng hay ngự ở những chỗ nhã ba ngã bảy, nơi giao thông đan chéo người qua kẻ lại đông nườm nượp mới bán hàng dễ hơn. Thế hệ hàng rong này cần đưa vào chỗ cố đinh thì nghe còn có lý, còn hàng rong xe đạp di chuyển thì cũng như người giao thông trên đường thôi
3 – Mới đây nghe nói thành phố Sài Gòn dẹp hàng rong đưa vào một khu cố định. Nhiều người nghe thấy đều bật cười. Hàng rong nó đẻ ra vì như cầu của phố phường, một thứ hàng hóa trao tận tay người tiêu dùng mà vào chợ cố định không làm được. Đặc điểm hàng rong là phục vụ tận tay người tiêu dùng thì phải để nó làm việc ấy, còn chợ cố định thì nói làm gì?
Mà xét cho cùng hàng rong chủ yếu ở các phố đông người qua lại, người dân đủ thứ hạng, phần đông là phục vụ tầng lớp nghèo. Những khu phố mới như Mĩ Đình Hà Nội thì bói đâu ra hàng rong. Ai mua mà bán!
Dẹp chợ tạm xe đẩy thì được chứ hàng rong đòi dẹp ngay có vẻ không ổn. Nó sẽ vẫn tồn tại.Nó tự mất đi khi đời sống xã hội cao lên.
4 – Hàng rong cũng được xem là một mục tiêu nhắm tới dọn dẹp của phong trào “Giành vỉa hè cho người đi bộ”. Về câu chuyện này xin có lời bàn: cái slogan “ giành vỉa hè cho người đi bộ” chưa chuẩn.. “Người đi bộ…” như là cái cơ thuyết phục cho phong trào này sao? Nghe lâm ly quá, chẳng cần nịnh dân đến thế, chỉ cần thông báo là “Lập lại trật tự vỉa hè đường phố theo pháp luật” là đủ lắm rồi.Gớm, khi muốn làm việc gì thấy khó lại mang dân ra làm bình phong, như là yêu dân lắm, rõ chán chết! 28/3/2016