Từ một thành ngữ

doduc
1 – Tôi từng nghe câu thành ngữ: “ Dâu dữ mất họ/ chó dữ mất hàng xóm”. Nhiều người đinh ninh là đúng, vì nhà có cô con dâu dữ dằn thì mất dần họ hàng, có lý quá. Nhưng rồi một hôm ngồi cùng lão nông trong làng, ông bảo câu thành ngữ đó sai, sai lắm. Làng quê xưa, trong bóng phủ của Khổng giáo, “ nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nghĩa là có một con trai thì coi là có, còn dù có mười con gái cũng coi là không, bởi người ta coi con gái là con nhà người, còn con dâu mới là con mình. Vậy không ai ví con dâu con mình là chó cả. Con gái “xuất giá tòng phu”, lấy chồng là theo chồng, phúc lộc theo nhà chồng. Nên câu thành ngữ kia là bậy!
Ông giải thích: Đúng là thế này: “Trâu dữ mất họ, chó dữ mất hàng xóm”, trâu thành dâu là một sự nhầm lẫn đáng trách, vì không hiểu văn hóa làng nên mới thành ra như thế.
Khi cày ruộng, con trâu dữ, có khi “họ”, nghĩa là bắt nó đứng lại nó cũng không nghe. Mất “ họ” là vậy, chứ không phải mất họ hàng như người ta nghĩ. Còn vế sau thì vẫn đúng, thế mới là là trâu đối với chó.
Thành ngữ kia là câu chuyện trong khuôn viên hàng xóm, là chuyện trong làng.
Thế thì sao thành ngữ ấy lại có nghịch bản như vậy?
Có ý kiến khá xác đáng cho rằng đó là do biến thể từ làng ra phố thị. Người phố thị là dân tứ xứ hợp thành, là người dám bỏ làng đi kiếm ăn bên ngoài thì thường cá tính mạnh mẽ mới dám tranh giành để tồn tại. Cái tình hàng xóm ở phố thị khá mỏng manh chứ không đậm đặc như làng quê. Cô dâu phố thị dữ dằn hơn để có thể che chắn cho gia đình mình thì người ta ví von như thế. Nên thành ngữ được biến sang “ dâu dữ mất họ” dù nó vênh hẳng với vế sau nhưng người ta vẫn chấp nhận.
2 – Ngoái lại làng xã xưa, mà dân phố thị thường miệt thị là “ nhà quê” ấy đúng là có những điểm khá khu biệt.
Có một thành ngữ khá điển hình : “Quan có cần, nhưng dân chưa vội, quan có vội, quan lội sang sông”, hoặc đã từng có “ Phép vua thua lệ làng”, đó là hình bóng một xã hội dân sự. Làng xã có cái độc lập tương đối của nó. Làng này xã nọ kề nhau nhưng có hương ước, có lệ làng chẳng giống nhau dù cùng dưới một triều đại. Sự độc lấp tương đối ấy là lá chắn vô cùng chắc không để văn hóa ngoại lai xâm nhập. Trong nước đã khó huống chi bọn xâm lược. Cho nên giặc phương Bắc nghìn năm đô hộ mà không nuốt nổi nước Nam vì cái vỏ bọc “ Văn hóa làng”, nên nó không thể xâm nhập được. Văn hóa làng có sức mạnh trường tồn. Khi xưa những kẻ càn quấy trong làng rất ít, sự tha hóa cũng không dễ, vì sẽ bị cả làng tẩy chay, sẽ không sống nổi trong làng.
Đã từng có câu “ Ta về ta tắm ao ta, dầu trong dầu đục, ao nhà vẫn hơn”, hoặc” trong chuyện lấy vợ lấy chồng được ví von “ Trâu ta ăn cỏ đồng ta” bảo thủ đến ghê gớm. Trong cái tưởng như lạc hậu toàn phần đó người ta vẫn nhìn thấy lung linh một giá trị đã được xác lập mà không dễ phá bỏ.
Có một thời xã hội từng lạc quan với khẩu hiệu “ Thành thị hóa nông thôn” là ước muốn phá bỏ cấu trúc làng mà người viết bài này cho rằng ý đó bắt nguồn từ chỗ không chằng không rễ, là thứ áp đặt phi văn hóa. Cũng may mà nó đã chết sớm, chưa khởi đầu được cái gì. Còn ngày nay, xây dựng nông thôn mới không rõ xuất phát từ nền tảng lý luận nào, nhưng điều đó thực sự đáng ngại vì nó sẽ phá vỡ khá nhiều giá trị văn hóa đã được xác lập của làng xã. Nên nhớ mất văn hóa là mất nước. Khi cuộc sống chỉ nghĩ đến tiền thì con người sẽ mất gốc, sẽ đi hoang trong đời sống tinh thần và dễ dàng bị bẻ gẫy vì cái cốt văn hóa không còn.
Đất nào văn hóa ấy. Hãy để cho làng xã được yên, và mọi sự thay đổi sẽ để sự vận động nội tại nó tự giải quyết. Nhìn lại có một thời ý đồ “ Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”trong hàm ý có cả kinh tế và văn hóa thành một cuộc vận động nhưng rồi chẳng đâu vào đâu. Rốt cục đó chỉ là chủ trương duy ý chí, áp đặt chẳng trên cơ sở nào nên đã thất bẠI hoàn toàn nhưng chưa thấy có sự tổng kết rút kinh nghiệm.
Câu chuyện làng xã từ những thành ngữ chẳng phải vu vơ, mà nó là những giá trị đúc kết từ cuộc sống, chúng ta cần tôn trọng và thận trọng trong các cuộc vận động xã hội, chớ làm càn để rồi tiếp tục mắc sai lầm! 1/3/2017