Chơi ô ăn quan

Chắc mọi người còn nhớ để chơi trò ô ăn quan người ta phải đào lên mặt đất hai hàng lồ song song, mỗi bên 5. Còn hai đầu là hai lồ to. Lồ con, là ruộng, mỗi lồ 5 viên sỏi. Lồ to là quan, mỗi lồ 10 viên( quan vẫn giàu hơn). Sau này để cho nhanh thì dùng que chúng vẽ lên mặt đất.
Trò chơi có 2 người. Để giành phần đi trước người chơi phải thắng khi oản tù tì.
Cách chơi là vốc sỏi ở ô bất kì lên, rồi rải theo chiều kim đồng hồ. Rải hết thì vốc ở ô tiếp theo. Liên tục như thế, nhưng khi rải viên cuối cùng vấp vào ô quan thì người đang rải quân phải ngừng, bị “chững” phải nhường cho đối thủ đi tiếp. Còn khi rải hết quân vấp vào ô trống thì được ăn số quân ở ô cách đó..Khi nào ô trống cuối cùng giáp với ô quan thì được ăn ô quan. Ô quan bị ăn là kết thúc ván chơi. Lúc vốc quân chia lại, đám trẻ đều đọc một câu thuộc lòng: “hết quan hoàn dân thu quân bán ruộng”.
Lúc bé nghe thế nhưng chẳng hiểu hết ý nghĩa của trò chơi. Sau này mới hiểu rằng khi ô quan cách ô dân, tức là dân và quan không còn mối quan hệ nữa thì cũng là lúc kết thúc cuộc chơi. Lúc ấy quan cũng chỉ là người dân thôi, “hoàn dân” mà.
Người nghĩ ra trò chơi này thật là sâu sắc. Nó muốn nêu lên một qui luật muôn đời về giá trị của một mối quan hệ DÂN-QUAN. Khi còn kết nối thì còn cuộc chơi, còn khi quan dân xa cách nhau thì cũng là lúc tàn cuộc. Nếu hiểu ý nghĩa sâu xa của trò chơi này thì nhiều ông quan phải giật mình và tử tế hơn.Thì ra từ bé, lúc lũ trẻ còn chưa là dân, là quan, cha ông ta đã dạy cho chúng về qui luật cuộc đời qua trò chơi này. Nhưng xem ra chẳng mấy đứa thuộc bài, nên quan trường bây giờ mới loạn.
7/6/2009