Ăn cỗ lấy phần


Ngày hội chùa ở quê

doduc
Từ trước 1945, bố mẹ tôi tha hương từ Bắc Ninh lên Đại Từ Thái nguyên nhận ruộng phát canh thu tô của chủ đồn điền kiếm sống. Nơi bố mẹ tôi cắm chốt là xóm Đồn, xã Bản Ngoại mới có 7 hộ. Cũng tứ xứ cả: nhiều nhất là Thái Bình, còn lại Nam định Hà Nam Hưng Yên rải rác. Bây giờ Bản ngoại đã trên vạn hộ, nhà ken kín đất.
Tha phương cầu thực, trở thành dân ngụ cư vùng đất mới không làng trên xóm dưới họ hàng dây mơ dễ má, lại cùng cảnh nghèo nên dù tắt lửa tối đèn thì cũng chỉ là hàng xóm chứ không họ tộc chú bác cô dì trên dưới phân minh theo lối sống làng quê mạn xuôi. Làng cổ đồng bằng có lê luật hương ước quy củ. Còn đây như dân ngoài ấp vậy.
(Xin giải thích thêm “ ấp” là để chỉ những nhóm dân cư phiêu dạt dựng lều khai đất ngoài soi bãi, chưa thành đơn vị hành chính, chưa thành làng).
Một cái làng hình thành cũng mất dăm bảy thế hệ mới tạo dựng nên một nếp sống, lối sống từ các mối quan hệ họ tộc xóm giềng!
Hòa bình lập lại tôi về thăm quê thăm ông bà nội ngoại ở Bắc Ninh, lúc ấy mới biết dần về quê hương bản quán, cái mà trước đó khai lý lịch đi học thì quê quán chỉ là mấy dòng chữ ghi trên giấy. Còn bây giờ mới hiểu quê hương là căn nhà ông bà, là họ mạc anh trên em dưới, họ hàng nội ngoại, những con người bằng da bằng thịt. Ra khỏi cổng là đường làng lát gạch nghiêng, là ngôi đình thờ Thành hoàng làng, là ngôi chùa cổ của mở tứ thời bát tiết nó có từ bao giờ.
Mới biết thêm về đường làng ngõ xóm được ghép bằng gạch nộp “cheo” trong mỗi cuộc hôn nhân. Trai làng lấy vợ trong làng thì góp cho làng 300 viên gạch để sửa sang đường làng ngõ xóm. Nếu lấy gái làng khác thì phải nộp cho làng bên ấy 500 viên…Tôi nghe chuyện đó, mỗi khi đi trên dường làng thấy ấm tình thân thuộc. Thì ra đường tốt chẳng có nhà nước nào cấp tiền sửa sang, chẳng có ngân sách nào gánh, chẳng có xin cho vẫn tươm tất. Làng tự lo bằng những thứ lệ, bằng hương ước để giữ cái làng mình. Một xã hội dân sự thực sự đã có từ xa xưa trên những làng cổ đất quê. Đi trên con đường có cả những viên gạch của chính cha ông cụ kị mình góp vào mới thấm tình làm sao!
Từ ngày chính quyền mới thiết lập, lệ cũ bỏ dần,thay bằng những chỉ thị chính sách trên Trung ương ban xuống. Nhà nước quản lý thống nhất từ trung ương đến thôn xã. Xã có Chủ tịch Bí thư thay cho một Chánh tổng, xóm có Trưởng xóm thay cho Lý trưởng và Phó lý.Trước pháp luật ở làng là lệ, là hương ước. Xử khiếu kiện ngay trước sân đình trên cơ sở lệ làng, hương ước ngay trước mặt Thành hoàng làng, nghĩa là có cả âm cả dương chứng kiến. Còn nay có Ủy ban lúc gọi là “hành chính”, lúc gọi là “Nhân dân” và quản lý theo luật, theo chính sách nghị định của nhà nước thống nhất toàn quốc. Đình xưa chỉ còn vai trò thờ tự của làng
Xưa làng cũng có mua quan bán tước. Chức “lý cựu” người giàu ở làng có thể mua được. Tiền bán chức ấy làng cho dùng cho việc công ích, còn Lý cựu thì ngày làng có việc đình đám được ngồi chiếu trên cùng các chức sắc bô lão. Nhưng cũng chỉ thế thôi, đủ để làm sang chứ không mang cái chức mua đó để nhảy vào hội đồng nắm việc của làng xã được!. Mà theo tôi biết làng cũng chỉ được”bán” chức Lý trưởng ( trưởng thôn ngày nay) chứ từ chức Chánh tổng trở lên không có chuyện bán mua dù chỉ để mua lấy tiếng sang.
Rồi cũng nghe kể đi ăn cỗ lấy phần từ việc làng ở đình, đến giỗ họ hàng năm ở nhà trưởng họ. Vào cỗ ai cũng ăn qua loa cơm với vài thứ canh rau và những món xào nấu, còn xôi với thịt, giò chả chè kho chuối oản hoa quả thường được dành lại để chia phần, mỗi người một gói cầm về cho con cháu. Gọi là lấy lộc, lộc thánh, lộc họ dành cho những người ở nhà không được đi ăn cỗ. Nó tình cảm thiêng liêng lắm, Người phố phường không có và cũng không hiểu cái tình đó.
Cái tục lệ không ai bảo ai ấy có từ lâu lắm rồi ở làng ở tổng. Nó thấm vào gene. Chẳng phải bây giờ hỏi nhau đi ăn cỗ, người ta vẫn tiện mồm đùa: nhớ lấy phần về nhé.
Làng quê là thế: “Đất lề quê thói” chẳng làng nào giống làng nào chồng khít. Nhưng lề thói trong hương ước nó bộc lộ một gía trị “ pháp luât” ở một đơn vị hành chính nhỏ nhất là làng xã, nhận thức hình thành từ văn hóa ứng xử, thành kĩ năng sống bảo vệ tình làng nghĩa xóm, nó nhuần nhuyễn từ đời cha truyền cho con chứ có học đường nào dạy” kĩ năng sống’ như ngày nay.
Mới đây nghe thông tin huyện Giao Thủy Nam Định, chính quyền ra qui định nhà nào cho người ăn cỗ lấy phần là phạt 3 triệu đồng. Nghe chuyện không ai nín được cười. Sao chính quyền lại nhúng mũi vào chuyện đầu mâm cuối chạn trong cách sống của làng như thế, nó vi phạm quyền tự do của con người và tàn phá văn hóa làng, cái mà người dân còn muốn lưu giữ. Chả nhẽ chính quyền không còn việc gì làm sao.
Ăn cỗ lấy phần, còn là giúp gia chủ khỏi trút thức ăn thừa trong các đám cỗ, rồi không biết bỏ đi đâu cũng là việc hay đấy chứ!
Thế mới biết thực hiện ba chữ “Nếp sống mới” mà không biết cái cũ một cách rõ ràng sẽ dễ dẫm đạp lên văn hóa. Làm trò cười cho thiên hạ.
Cho nên bây giờ tôi vẫn băn khoăn với dự án “ xây dựng nông thôn mới” không khéo sẽ phá vỡ cái làng quê gắn bó nhau từ chuyện nhỏ như “ăn cỗ lấy phần”, tạo nên cái tình bền chắc mà những cán bộ thời nay chả hiểu gì, vẫn lấy duy ý chí để thò tay vào những việc riêng tư. Đó là sự dẫm đạp lên văn hóa, phá nát tất cả cái tốt đẹp được hình thành tạo nên gương mặt tình làng nghĩa xóm của làng quê nước Việt!
30/3/2019