Chuyện chép tranh nhái phong cách

Doduc
1 – Nhiều năm gần đây chuyện chép tranh, nhái phong cách xảy ra hơi nhiều vì thị trường tranh nhái cũng có cửa đi. Tranh nhái thường bán rẻ vì người vẽ chỉ nhằm kiếm tiền cho nhanh. Họ làm việc đó động não ít, chỉ cần có kĩ năng nghề tốt một tí để bắt chước. Lâu rầy quen tay, chép lại tranh người khác rất nhanh, có khi còn mượt mà hơn tranh gốc. Nhưng nếu người xem tranh tinh tường sẽ nhận ra ngay. Tranh nhái dù vẽ giỏi vẫn bộc lộ hời hợt về cảm xúc vì họ đâu có đẻ ra sản phẩm đó mà chỉ là sao chép.
Chép tranh đầu têu là ở mấy gallery có máu mặt. chép lại tranh họa sĩ gửi thuê nhân nhiều bản, bán tranh chép giá rẻ được nhiều. Còn bây giờ thì họa sĩ bán qua mạng thì còn nhanh và tiện hơn.Mấy cậu nhái tranh đang bị la lối là giới thiệu tranh để bán qua nhóm, giá bèo bất ngờ theo kiểu vét đĩa.Chả biết những tranh cà là mèng ấy có bán được không hay bỏ xó, nhưng tác giả bị nhái nghe cũng sốt suột. Một câu thơ một ý thơ bị trùng lặp cũng thành chuyện động trời, huống chi đây lại là hẳn bức tranh!
Bị nhái tranh thường là những họa sĩ đang hot trên thị trường tranh, ví dụ như An Hải họa sĩ vẽ trừu tượng có giá rất cao, hay Hoàng Định mới nổi lên sau mấy triển lãm bề thế cả trong và ngoài nước tranh từ trên chục nghìn…hay Việt Lo- tut vẽ sen hot mấy năm trước, thấy tranh lởm của cậu ấy bày đầy ở mấy gallery Hàng Trống với giá bèo tấm. Người bán còn hồn nhiên khoe mà không hề nghĩ đang vi phạm bản quyền.
Kẻ ăn trộm thì trông vào những nhà bề thế có của cải chứ bao nhiêu họa sĩ khác có dễ mà được bị nhái đâu. Tôi không đi sâu và thống kê các họa sĩ bị nhái tranh nhiều nên không thể kể thêm những tác giả đang bị gặm nhấm tinh thần khi tranh mình bị chép bán…
2 – Là một họa sĩ để định danh được trên thị trường, nghĩa là có tên tuổi, thành thương hiệu là cuộc phấn đấu dai dẳng cả đời, hoặc nhanh cũng một hai thập kỉ lên bờ xuống ruộng mới được khẳng định. Các họa sĩ trẻ có hót mấy, bán chạy mấy nhưng định danh cũng còn phải thêm thời gian thử thách. Thị trường tranh nó còn nghe ngóng nhìn trước ngó sau chán. Nhất là khi xứ mình có một số quen mua tranh theo tai, chứ không theo mắt, chưa có tinh thần đầu tư dài hạn. Điều đó cũng đúng thôi, vì người mua chơi thì không mua giá cao, còn sưu tập mua giá cao là cuộc chơi mạo hiểm. Đầu tư nhầm là mất cả đống tiền. Tôi đã nghe ở Sài Gòn mấy năm trước có vị mua qua tai cả một phòng tranh với giá hàng tỉ. Rồi sau muốn bán lại vài trăm không xong. Đầu tư vào nghệ thuật cần phải có con mắt xanh nhìn chiều phát triển của cá nhân tạo ra giá trị đích thực. Nó là cái duyên cái nghiệp và cái nhậy cảm… có kết hợp được với nhau không? Nếu không thi sẽ “lỗ chỏng vó” theo cách nói của một nhà sư khi bàn về giá sớ giải hạn.
Theo tôi, những họa sĩ bị nhái tranh cũng chẳng nên tức bực quá làm gì, vì họ có cái tài để người khác phải tôn thờ, ngước theo. Đâu phải ai cũng dễ có được vị thế ấy. Tôi vẫn đùa với mấy cậu chép tranh nhái tranh rằng: Chép để học cũng được. Âu châu quê hương của nghệ thuật thấu thị cũng còn có những bài học vẽ tranh bảo tàng đẻ nghiên cứu màu cơ mà. Nhưng nếu từ chép và nhái phong cách mà giẫm được nát chân họa sĩ đó thì ok! Cố lên, mọi người sẽ rất khâm phục. Chẳng phải đồ họa Nhật Bản học khắc gỗ từ người Trung Quốc mà hình thanh những đại thụ như Otamaro, Hi rosighe Hocusai mà người Trung Hoa chỉ còn cách ngưỡng mộ đó sao! Hỏi có ai mắng Van Gốc vẽ nhái tranh của mấy đại thụ Nhật bản đâu, khi ông ấy vẽ lại để nghiên cứu. Còn mấy “họa sĩ” ở ta, chép và nhái phong cách cho nhanh để làm bát “ mì ăn liền” quá hạ cấp thực dụng đến thảm hại. Tôi không coi đó là họa sĩ, mà chỉ là anh thợ quèn thiếu nhân cách. Đám thợ quèn thiếu nhân cách đó bây giờ không nhiều nhưng vì tiền mà lì lợm. Có người còn sẵn sàng nói trơ: Thôi anh ăn bát cơm thì cũng cho thằng em húp bát cháo chứ! Nghe cũng thấy thương, nhưng đó không phải là con đường của nghệ thuật, mà họ chỉ là những con mọt gậm nhẫm đồ hàng của người khác. Rất xâu xí.
Những nhóm bán tranh qua mạng thì trưởng nhóm trước tiên nên nên gạt những vị đó ra khỏi thành viên, sau là chặn hẳn, nếu không muốn nhóm của mình mất uy tín với người sưu tập nghệ thuật.
3 – Nhái tranh, nhại phong cách, không phải chuyện gì mới. Vẽ giống nhau cũng vậy. Tôi là đứa đàn em đi sau trong nghề,nhưng này trước về Yết Kiêu thụ giáo đã nghe chuyện họa sĩ Đinh Trọng Khang kí họa lẫn với cụ Trần Văn Cẩn nếu không nhìn chữ kí. Cố họa sĩ Hoàng Đình Tài cũng mê mẩn tranh Nguyễn Sáng và cũng bị ảnh hưởng không nhỏ , nhưng rồi họ vẫn đứng vững chắc trên đôi chân của mình, tên tuổi mình.
Thích một phong cách người đi trước, bị ảnh hưởng vẽ theo phong cách đó là điều không lạ mà cũng không tội lỗi trong con đường nghệ thuật. Ngay cả người bị nhái bị chép trước đó họ từ đâu mà ra. Cũng đều có ảnh hưởng cả, nhưng trong xào nấu nghề họ nhận ra cái tạng của mình phù hợp với một lối, và thăng hoa nó lên, lâu rầy thành phong cách mà công chúng nghệ thuật nhận ra ngay. Phong cách ấy mới đầu chỉ là cái áo ngoại diện, còn cái sâu sắc hơn là câu chuyện đằng sau những nhát bút là cái gì. Đó mới là cái đáng nói của tác giả . Cái này thì không sao chép được. Đó là cái phông văn hóa mà bố muốn cho con, thày muốn tặng trò cũng không được huống hồ kẻ trộm vặt kiếm bát mì ăn liền đâu có năng lực đó. Có đã chẳng phải làm cái việc kém cói đó. Chép trộm tranh là người ta đang xóa cái tên mình trên con đường làm nghệ thuật!
Nói thế đẻ những ai bị chép tranh mà họ có thực tài khỏi lo!
Mới đây nghe một bạn nói chuyện về một người sưu tập tranh Hàn quốc. Ông ta tìm đến nhà họa sĩ nhưng không xem tranh ngay, mà chỉ muốn cùng họa sĩ trò chuyện con đường đi tới nghệ thuật, khuynh hướng sáng tác rồi mới tính đến chuyện có sư tập hay không.
Tài năng sẽ không thiếu cơ hội gặp những cặp mắt xanh. Một đời làm nghệ thuật dài lắm còn cần rất nhiều sáng tạo! Ta hãy nghĩ, mới đi đoạn đầu đường có người bắt chước là vinh hạnh rồi, là ta có tài năng rồi. Mà cũng không nên kết luận ngay người vẽ hao hao giống mình là xơi tái của mình, chuyện đời nó không đơn giản thế. Ngày nay thông tin tràn ngập trên mạng, nếu muốn giữ của riêng thì đừng chơi với in tơ nét!
Chuyện bị móc túi cậy cửa thì thời nào cũng có. Xã hội thế nào thì nó cũng phản anh hình bóng của nó vào trong từng chuyên ngành y như thế. Xã hội mình bây giờ thế nào thì mọi người đã biết cả!
Để kết bài viết này, tôi chỉ chúc đồng nghiệp sáng tạo. Hãy coi tranh vẽ hôm qua là quá khứ và đó là những tranh nháp cho bức tranh sau! Cứ thế đi cho nhẹ người.
31/3/2019