Về quê đi hội

Tôi có một thói quen, mỗi lần về quê đi hội đều rẽ trước ra nghĩa trang thắp hương cắm hoa cho người thân rồi mới vào làng. Cứ nghĩ những hội trước, tết trước còn cùng nhau mà bây giờ âm dương khuất mặt lại thấy thương nhớ cho người nằm xuống. Ra thắp một nén nhang, đặt một bông hoa cho người nằm xuống đỡ tủi, để mong họ được cùng về hội mỗi năm một lần.
Hội chùa Nành vào 4-5-6 tháng Hai hằng năm. Mồng bốn dựng cờ phướn giỗ sư tổ, làng đãi khách thập phương như lệ cũ bằng hai trăm mâm cỗ trong chùa. Mùng Năm giữa hội bắt đầu từ 6h là những đám rước thành hoàng thôn lên chùa. Có 9 thôn, việc rước phải hoàn tất trước 12h. Ngày ấy từ buổi chiều có vui chơi, quan họ ở thủy đình, hát chúc, cờ bỏi, đánh vật, hội thơ các cụ tại Thạch Sàng, đấu vật ở sới vật làng có treo giải. Trước gian chính, nhà chùa đã cho dựng rạp để đón đội tuồng tiến bên Tấn Bào. Đây là đội khách thường niên của làng. Năm nay đội diễn vở Phụng Nghi Đình, vẫn vở cũ. Chú tôi bảo, anh lên xem có Lã Bố hí điêu thuyền đấy. Chuyện quái gì cũng dính tí Tàu. Nhưng nhà quê chẳng nghĩ gì về Tàu cả: tuồng Bắc đấy, bên Tấn Bào người ta còn giữ được, vẫn được mời đi diễn đều vào các hội chùa.
Trong chùa, các vãi già áo cánh màu nâu, ngoài chằng thêm chiếc áo len màu tối, trải chiếu dưới bệ thờ La hán, cặm cụi têm trầu chẳng biết để ai ăn. Cứ như mấy con mối cần mẫn cả ngày. Các bà các cô tuổi năm năm mươi áo dài lối cổ màu gụ tươi, ánh lên sắc tím, khăn đóng quấn thêm dây kim tuyến lấp lánh, sẵn sàng biến thành cô đồng xanh đỏ áo hội khi vào tế hoặc phải ghé vai rước kiệu. Cơ nào đội ấy. Đầu đoàn rước thành hoàng các thôn lên chùa vào chính hội, bao giờ mở đường cũng là hai hàng những tiên đồng gái chưa tròn chục tuổi áo mão cô tiên, tay giữ trống bỏi, múa dẻo mặt tươi. Các nam đồng cùng lứa ấy áo đỏ, đầu buộc khăn đỏ thắt múi, dẻo tay chũm chọe, mắt chớp như khỉ, nhảy lượn hai bên để dẹp đường cho kiệu thánh. Chín làng chín đoàn cắt giờ làm sao tất cả phải trình phật trước Ngọ. Hậu chùa năm nay vắng bóng các vãi già thập phương. Mọi năm từ các tỉnh lân cận , các vãi khăn gói quả mướp về nườm nượp với lòng thành kính phật, tối đến nhà chùa đem cho chiếu nằm ngả ngốn trò chuyện rí rách suốt đêm. Chẳng ai kêu khổ vì cái vất vả cái khổ đã bày ra trên áo quần, trên từng bước đi, ai chả biết. Các vãi chỉ chuyện làng chuyện nước chuyện làm ăn kém khá trong năm như tri kỉ, chẳng mắng chẳng trách ai trước cửa phật. Chỉ biết tụng niệm nam mô!
Tôi sà vào đám hát chúc. Ba diễn viên dân gian không biết ở đâu về, năm nào cũngđóng đô ở tả mạc, lôi theo ba nhạc công già mắt hấp háy, nhưng trống phách nghiêm chỉnh. Đàn nguyệt tưng tưng, đàn bầu thì ỉ oi nhưng đâu ra đấy. Trông bác nào cũng quá lục tuần, người đã chẳng còn thẳng thớm, vậy mà máu mê đàn địch trộ ra đến tận các đầu ngón tay. Ba cô diễn viên tuổi ngoại tứ tuần, mắt lúng liếng, mặt trát phấn dày. Hát, múa, lại có lúc nhẩy cẫng lên cho kịp thời đại. Cô nào cô nấy miệng cười chống tăm. Cô béo nhất dáng dấp giống hộ pháp lượn lờ trên chiếu nhẹ như lướt trên mặt sóng, tay trái cầm mic, tay phải kẹp mấy đồng tiền tươi từ hai trăm, năm trăm đến mười ngàn do khách xem thướng họa, khỏa đi khoát lại, thân mình uốn éo để bộc lộ niềm vui, miệng hát lời hoa đúc sẵn, chúc anh chúc chị chúc bác chúc bà chúc cháu về hội đi đường gặp may về nhà có lộc, toàn chuyện vui vẻ gia môn. Biết trước là các cô sẽ hát gì, thuộc cả lời hát mà vẫn háo hức nghe. Các cô càng được khích lệ khi đám điện thoại di động, máy số du lịch chĩa vào, đèn flat chớp mắt liên tục làm họ tưởng đang ở Nhà hát Lớn trên sàn chính qui. Đặc biệt khi Nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn râu xồm bên báo Nhân dân có quả ống kính pờ-rồ to như cục gạch, chân xuống tấn dí máy gần sát mặt các cô, nổ đôm đốp thì các cô thấy nình biến thành tiên cả..
Đám cờ người bên hữu mạc thưa hơn. Mấy cụ râu dài móm sều đang là vai chính, đĩnh đạc tay cắp đít, đi đi rồi bỗng dừng đột ngột rút một quân ném oạch, oai phong như vị tướng vừa trảm xong một thủ cấp, xong vê râu nhìn đối phương khiêu khích. Một năm âm thầm nghĩ nước để hôm nay ra sới một lần cho đối thủ biết tay. Đám trung niên nếu không bám sát sân thì lại chúi đầu vào các bàn cờ nhỏ bày lả rả quanh sới. Cờ ngoài bài trong, chí chóe như đang có chiến tranh.
Sân chùa rộng người nhiều như rác lềnh phềnh trôi quanh quẩn giữa các đám trò chơi. Xúm quanh lão xe đạp bán kẹo bông là đám nhóc gái, quầy bò pía ngọt dụ lũ choai. Những đứa trẻ chưa tròn năm ngẩn ngơ trên xe nôi, người đẩy xe trông cũng ngẩn ngơ nốt. Đi hội mà như chẳng biết đi đâu, cứ loanh quanh vào ra như lạc lối. Phía giáp mép tường chùa, cánh bán hoa quả ngồi thiền với mấy thứ tầm tầm cầu âu, như ra không phải để bán mà chỉ cốt góp mặt cho hội đông vui.
Thủy đình trước chùa, quan họ chống thuyền gỗ, có ghép đầu đuôi rồng bằng sắt tây vẽ sơn xanh đỏ í ới ra giọng. Đó là đội quan họ của một nhà trong làng. Thuyền lướt trên mặt nước lều bều rác, còn nước thì xanh ngầu tanh tưởi mà lời hát lại như đang say như bên suối hoa đào, cứ lúng liếng là lúng liếng ơi. Bốn bên tường ao rối, người quây kín, ánh mắt đuổi theo hướng thuyền. Quan họ đôi lúc rộ lên chát chúa trong chiếc loa thùng như nhạc pop đang hoành hành trên bãi rác. Vậy mà chẳng ai thấy kinh mặt nước bẩn, mặt cứ ngây, chân mọc rễ miên man trong cơn say. Hết lớp này đến lớp khác, mọi người bị tinh thần vui chơi mê hoặc cho đến mức mụ mẫm suốt cả ngày.
Phía đầu làng là sới vật, trống thúc liên kì như đê vỡ. Trăm ngàn con mắt tụ về một điểm. Đô chính chưa thấy mặt. Họ chỉ đến vào ngày kết, đánh một trận giật giải cao. Hôm nay mới chỉ những đôi vật lèo dọn bãi, vờn nhau như đám mèo con. Nhưng cũng se đài, bá tay tư thử gân, khoe miếng tắt đèn, trộ miếng bốc, miếng vói, miếng quét mới chõm được của bậc đàn anh để thử sức trai hoi. Bí thư Sơn sờ túi treo giải năm trăm ngàn khiến sới vật sôi động. Đám phong bì bưu điện hôm nay đắt khách. Chỉ hôm nay tại hội chùa Nành mới thấy cái phong bì sạch và đáng yêu của khách thập phương tặng cho sới vật. Năm chục, một trăm thôi nhưng là tấm lòng và sự khích lệ tinh thần thượng võ lành mạnh. Một sới vật xã hội hóa tiền thưởng không chút vụ lợi của người móc hầu bao thật đáng để chúng ta vui lắm chứ.
Cũng giống như hội ở mọi nơi, đám hàng rong hàng quà, hàng lưu niệm ở đâu tràn về đông như ruồi. Một bà lão cập quèm, khăn mỏ quạ, tay chống gậy lần bước vào chùa, ca cẩm sau câu nam mô: hàng đâu lắm thế chứ. Góc này một thanh niên bit-git cả cây bò, bày những tờ phô-tô rút ra từ tranh truyện Nhật Bản, cảnh các yêng hùng nhí đang quắc mắt ra oại, những tiểu thư sịn có đôi mắt long lanh, để dụ mấy đứa thò lò ít ra khỏi làng. Cánh thư pháp pốt xoa tiếng việt như đám giun chết chỉ có đám phổ thông trung học xúm vào ngắm ghẹ mà không chịu xuất vốn. Rồi chỗ này bán chong chóng chỗ kia là cái chậu nhôm để mấy con rùa sống mai vàng bé tí hin, bán để ai thích nuôi chơi. Hàng lưu niệm vòng cổ xuyến tay, rặt đồ Tàu rẻ tiền la liệt chẳng ai thèm nhìn. Sách thì trải lộn xộn trên tấm bạt bày dễ dãi bên đường. Trong chợ vải, các cô chủ hàng vẫn nằm ườn bên sạp, như ngày hội là của ai đó. Đặc biệt là hàng ăn, miếng chín có đủ từ bột sang béo. Chỗ nào cũng đông, nơi nào cũng chật, ai người nấy thả sức với cái thú vui riêng của mình. Khách thập phương thì háo hức dòm ngó chen lấn làm cho không khí hội càng thêm sôi động.
Đứng trước sân chùa, lão ngoan đồng Cung Khắc Lược dắt mấy sinh đồ trong làng chỉ lên mười đại tự viết lối triện trên cổng tam quan, vê câu nói cho gọn rằng: Đây là mười chữ vàng của Làng, không biết là ai ra chữ mà chẳng dính gì đến Phật. Này nhé, bên phải ba chữ HOÀNG KIM ĐỊA (đất vàng), ở giữa là THÊ KIẾP LĂNG KHÔNG (nương tựa mà đi tới), còn bên trái là ba chữ THIÊN ĐỖNG BICH (vùng trời có nhiều hồ động). Người ta đánh giá về mảnh đất của mình như thế đấy. Tuyệt không.
Đến đây lại bâng khuâng nhớ ông Nguyễn Khắc Quýnh đã ra đi được hai mùa hội. Cái con người mình mai vóc hạc đã bỏ ra trên hai mươi năm sưu tầm mấy ngàn trang bản thảo từ dân gian đến bác học về văn hóa làng, xứng đáng để được tôn vinh danh nhân văn hóa làng ấy đã không còn. Điều đáng tiếc là ông mất đi mà một nửa trong số đó chưa kịp in thành sách, khiến lòng tôi ngậm ngùi thương mãi cho cái ước nguyện của ông chưa được trọn vẹn
Hôm nay lúc rây mưa bụi, nhưng có lúc trời lại sáng trong. Không khí trở lạnh đã làm cho ngày hội thêm duyên.
Hòa trong tiếng trống hội vật thùng thùng dồn rập là tiếng chũm chọe xoèn xoẹt, tiếng trống cơm tong tong, tiếng sênh tiền lách chách của các đám rước là tiếng ầm ào của loa thùng đặt đâu đó trong các gian trò chơi trộn lẫn những câu thơ đọc to trong thư quán của xã do mấy cụ đã hết thời tung tẩy, nay về vui với thi ca. Hội Nành cũng là những ngày hội của các âm thanh hỗn tạp.
Trong chiếu rượu của một nho sinh làng tiễn lão ngoan đồng Cung Khắc Lược về phố có đủ nem chạo món quê. Trò chuyện về việc làng việc nước, tôi chợt nhận ra rằng, giữ gìn bản sắc văn hóa thì ra không phải ở lời kêu gọi, ở nghị quyết, ở những định hướng rườm rà tốn mực, mà chính là những việc người dân quê vẫn tự sống tự làm hằng ngày. Họ cứ sống vui như thế với di sản lớp trước để lại hồn nhiên và đằm thắm. Bất chợt một ý nghĩ nẩy ra trong đầu, tôi đề nghị ông Lược lưu bút tạ lại tấm thịnh tình của người làng trong ngày vui này. Lập tức mâm cỗ gần tàn được dẹp sang hai bên chiếu, giấy trục được mang trải dài như dòng sông rộng Sinh đồ đổ mực ra nghiên. Ông Lược trong cơn cuồng say, phun rượu lên mặt giấy. Đợi cho rượu tản đều, lão ngoan đồng vén tay áo, cái đầu bạc lõa xõa cũng vén lên tìm chữ… Lão xòa bút vào nghiên mực xoay xoay cán bút, lặng lẽ xuống tấn định thần giây lát. Rồi như chớp giật, cây đại bút ngập mực xả ngang chém dọc như ra đường kiếm lắt léo, bốn chữ NINH HIỆP CHÍNH HỘI phút chốc hiện ra đen nhức hạt na trên mặt giấy đỏ thắm. Cả chiếu rượu nín hơi im phắc. Tinh thần Hội hình như thu trọn vào đây. Tiếng vỗ tay lốp bốp bất chợt nổi lên như tràng pháo tép. Niềm vui chợt bùng lên trong khoảnh khắc.
Một hội nhỏ trong ngày Hội lớn. Đức phật vẫn luôn ở bên ta.!
Hội Nành- 2009