Đứa con phản biện

ĐỨA CON PHẢN BIỆN
doduc
Ngày sinh con, mẹ bảo đứa đầu anh đặt tên, đứa thứ hai này để em đặt.
Không chờ tôi hỏi, mẹ nói luôn: tên nó là Thiên Hương. Là hương của đất trời. Nó sẽ là đứa con xinh đẹp, em tin thế.
Trẻ mới đẻ đứa nào chẳng giống đứa nào, nhưng mẹ bảo, rồi anh xem, nó rất xinh!
Mà đúng thế thật.

Năm 5 tuổi, em nó ngứa lưng đòi mẹ gãi, nó bảo, ngứa thì tự gãi. Mẹ đi vắng thì mày đòi ai!

Năm7 tuổi, một hôm mẹ hỏi: lớn lên con thích làm gì? Nó nói ngay: thích làm giám đốc/ lý do/ vì đi làm buổi sáng có xe đón.
Chẳng biết nó lấy thông tin từ đâu mà ước mong vậy!.

Năm 8 tuổi, thày Phạm Công Thành qua nhà chơi , tôi hỏi: Thày xem con này sau lớn học hành thế nào.
Thày Thành sau khi nhẩm ngày giờ năm sinh , bấm tay nói luôn: Chú đừng lo, con này không học mà thành.
Thày nói thế biết thế, làm sao có chuyện không học mà thành. Đó là cách nói phóng túng về tương lai của nó. Nhưng cũng chỉ để bụng thế.

Năm học lớp 11, rục rịch chuyện thi cử vào trường nào. Tôi bảo con: con thi đại học báo chí đi. Con xông xáo, nghĩ nhanh, viết tốt. Năng khiếu ấy không phải ai cũng có.
Tôi biết năng lực chữ nghĩa của nói. Tôi viết bài, nó đánh cho còn sửa ngữ pháp câu cú. Nó còn phân tích chủ ngữ vị ngữ, thành ngữ, hình dung từ trong một câu hoàn chỉnh cho tôi nghe. Còn tôi chỉ biết chủ ngữ danh từ, đại từ, tính từ , thán từ là tịt mít…
Nó nói luôn: Con không học báo chí/ Tại sao/ Bố biết không, báo chí tư bản săn tin, báo chí của ta đưa tin, mà còn tin gì được đưa, tin gì không. Thế thì theo nghề đó làm gì. Lúc đó mới đầu năm 2000
Không học báo mà sau này thi thoảng vẫn viết cho một số báo mà tôi đọc cũng không hiểu hết. Những vấn đề nó tham gia vào thời hiện đại mà chỉ nó xoay đủ thông tin.

Nó lúi húi làm hồ sơ thi vào mĩ thuật. Tôi bảo bố vẽ, chị Thắm cũng nghề vẽ, con chọn nghề nào khác đi. Nó gọn lỏn; con chọn vẽ, nghề đó con thích, nó là nghề tự do.
Tôi không bàn nữa, con thích nghề gì thì theo nghề đó.
Loay hoay, thi đến năm thứ hai rồi cung đậu vào Yết Kiêu , ngành sư phạm
Nó có những khả năng đặc biệt, có thể mua sách về tự học. Đó là điều tôi không làm được. Tôi học gì cũng phải có thầy.
Nó có thể say sưa ngồi trước máy tính hàng giờ tập phát âm tiếng Anh, như ca sĩ luyện giọng không chán. Có một lần đã dám nhận dịch ca bin cho một lớp hướng dẫn báo chí của Thụy Điển, mà làm được!

Có cái máy quay băng nhựa mi ni, thế mà nó loay hoay bóc băng số hóa, dựng nhưng clip quảng cáo, lồng nhạc, lồng tiếng. Làm theo sách! Mình thì mù tịt chẳng biết nó làm thế nào tài thế. Đấy là những năm mới bước vào Đại học.
Cần máy tính, mua cho nó máy tính, mua cả kim từ điển để học được nhiều hơn. Tôi có kinh nghiệm từ mình: phải học, phải đọc nhiều, phải tích trữ nhiều tri thức. Kiến thức trong đầu luôn sẵn để có vốn đối ứng. Đó mới là tiền bạc. Tiền cất vào đấy thì không bao giờ mất, chứ không phải tiền trăm tiền triệu cho con. Dốt nát mà ăn chơi thì bao nhiêu là đủ, dù có thì cũng rất nhanh phá tán hết.
May thay, nó cũng là đứa hiếu học và chủ động việc học chứ nào bố mẹ có kèm cặp được gì. Quen sống tằn tiện, mặc gì cũng xong.

Tốt nghiệp ra trường bằng tranh sơn mài. Tiếc là không có ảnh lưu trữ, nhưng trong tâm trí tôi, đó là bức tranh khá đẹp, màu tranh tươi sáng ấm áp. Tôi nghĩ nó ra trường, trình độ hơn tôi khi cầm bằng đại học, có khả năng đi xa trong nghề. Nhưng nghề vẽ là nghề thử thách sự bền bỉ khắc nghiệt, đa năng trong kiếm sống. Học vẽ giỏi kĩ năng chưa đủ, nó còn là cái duyên. Những năm 2000 trở ra có nhiều cánh cửa kĩ nghệ mới xuất hiện, thế là học xong, nó không tìm bục giảng, mà tìm thêm các ngõ nhách khác: làm sách . Nó vào làm sách cho một công ty: dựng sách, viết chú thích, dịch sang tiếng Anh. Nó cũng dich sang tiếng Anh nhiều bài viết về văn hóa nghệ thuật cho tạp chí Heritage của hàng không thành cộng tác viên tín nhiệm của tạp chí.

Có một lần hợp tác với Nhà xuất bản Kim Đồng, dịch cuốn sách tranh họa sĩ Van gốc. Nhà xuất bản in nhầm tên người dịch thành Lưu Hương mà không chữa lại. Nó giận, bỏ luôn không tìm hợp tác tiếp nữa. Rồi có một thời gian làm trình bày cho một tờ báo (mà tôi quên tên). Tổng biên tập là một nhà thơ tôi quen. Lúc ấy nó đã làm quen trên máy tính, trong khi ông Tổng nhà thơ thì đòi ma két kẻ tay, nó làm trên máy tính, duyệt trên máy tính. Cãi lại nhem nhẻm.
Có một lần trình bày bià một truyện cổ tích Pê Ru, tôi chẳng có tư liệu gì, nhờ nó tìm. Chờ chùng một phút, nó moi ra cả đống đền đài , tượng cổ, con người. Thì ra nó thạo tìm tòi trên mạng từ bao giờ. Lúc ấy mới biết có lần tờ báo nó trình bày tổng biên tập cần tìm ảnh Mao Trạch Đông, nó sớt trên mạng ra cả đống từ lúc Mao trẻ, đến lúc già khú, chỉ thiếu ảnh lúc cởi truồng!

Hồi đầu có mạng nối theo đường điện thoại, tôi không cho nó dùng, sợ sếch xiếc đồi bại như người ta nói. Hóa ra tuổi trẻ nó tìm đến những giá trị văn hóa cao hơn mình. Tôi đã nhận ra mình sai, mình định kiến a dua theo đám đông quan chức ngu muội, không nhìn thấy cái lợi của kho kiến thức trên mạng mà đầu chỉ nghĩ bẩn.
Bây giờ thì hội họa với nó chỉ còn là thú chơi thư giãn, mặc dầu những bức vẽ của nó vẫn đầy tình cảm sống động! Nó bước sang hẳn cái ngành không học mà thành là tin học như giáo sư Thành tiên đoán ba mươi năm trước. Cái đó nó cũng tự học. Qủa là hậu sinh khả úy.

Con đường của nó đi giờ tôi cũng không hiểu. Nó kể về công việc thì mình nghe như vịt nghe sấm. Nhưng khi nó làm cho những công ty lớn thì không thể là đứa ngu ngơ. Tư bản nó không trả tiền công cho bò cho vịt, nhất là tiền công cao!
Phận mình nuôi con đến khi nó biết bay vào cuộc sống, mất hút ở đường chân trời thế là mình yên tâm rồi!
Lần mới rồi về ăn hỏi, nó đi lấy chồng, trong câu chuyện gì đó mình mắng nó: Con cứ hay cãi. Nó vênh mặt lên; con vẫn cứ cãi bố!
Ok, trí tuệ con thời kĩ thuật số cao hơn bố mấy tầng, nhưng con vẫn là con của bố.
Nó vẫn như xưa. Nói chuyện được vài câu là cãi. Một đứa con quen thường trực phản biện
Như một luật sư, trong đầu nó luôn đặt câu hỏi ngược! Hơi giống bố nhưng ở tầm khác hơn mà đôi lúc cũng nhảm!.
Hẳn nào mà có một thể chế lấy người soi lý lịch đến 5 đời cũng phải.
Hê hê!
29 tết, nhớ con gái ( 23/1/2020)