Món thất tinh

TP – Cua giò bò gà là món bún tổng hợp ở cái quán gần nhà tôi.

Quán này ban đầu cũng lèo tèo. Cả buổi sáng bán chẳng nổi dăm cân bún. Nhưng rồi theo thời gian nó đông dần lên giống như đứa trẻ hoặc cái cây phổng phao theo năm tháng. Bây giờ buổi sáng trôi nửa tạ bún là chuyện thường.

Xin thống kê tên các món ở quán này: Riêu (riêu cua), riêu đậu, riêu chân giò, riêu gà, riêu bò, riêu bò đậu, riêu bò giò, riêu ốc, riêu ốc đậu, riêu trứng, riêu trứng lộn ốc (trứng lộn- tức trứng vịt lộn), riêu bò giò gà và cuối cùng có người gọi: Riêu bò giò gà trứng (5 thứ trong một bát bún). Nếu có ai độc đáo phàm ăn có thể gọi bát riêu-bò-giò-trứng-đậu-ốc-chân giò. Bảy thứ trộn lẫn, gọi là thất tinh!

Tóm lại, trừ món đầu tiên là bát riêu đồng trinh ra, từ món thứ hai trở đi đều là bát bún tổng hợp tất.

Tuy nhiên người ăn thường chỉ xơi đến bát có bốn thứ riêu bò giò gà là cùng, còn thì hay phối hợp hai thứ là riêu bò, riêu giò, riêu trứng lộn… Tất cả những món kể trên là sản phẩm đặc trưng ra đời thời kinh tế thị trường.

Nghe kể, mẹ tôi bảo cái đứa ăn “thùng bất chi thình” thì mới nuốt hết bát “thất tinh” của mày. Cái bát chứa từng ấy thứ thì còn khí vị gì, nó chỉ để chặt dạ dày, thế mà cũng gọi là ăn à! Mẹ nói thì cứ nói, bây giờ Hà Nội nó thế, cái gì cũng tổng hợp, gọi là phát hiện tìm kiếm sáng tạo. Người kĩ tính như cụ Nguyễn Tuân sống lại rất có thể kêu người xơi món thất tinh kia là “ngưu thực”.

Vâng, nếu bảo đó là ngưu thực thì Hà Nội đã có ngưu nhân. Mà đấy chỉ mới nói đến cái ăn, một trong tứ khoái.

2- Trong nghệ thuật, lẩy ra ngành mỹ thuật chẳng hạn (nằm trong văn hóa thuộc thượng tầng kiến trúc) cũng có thất tinh như cua bò giò gà trứng lộn ốc đậu.

Tranh sơn dầu bây giờ cũng được tìm tòi cải tiến kĩ thuật sơn dầu rắc mùn cưa, dán giấy dó thếp vàng bạc, quẹt nhũ, xịt như xịt sơn tĩnh điện.

Sơn mài có thể ghép mảnh chai, gắn thủy tinh, dán giấy báo, dính đá cuội. Người ta có thể làm bất kì cái gì nghĩ ra được.

Tranh lụa có thể dùng sơn, tampera, vàng bạc quì…

Nhiều cách khác nữa, kể sao cho xiết.

Đó gọi là tranh tổng hợp, tìm tòi sáng tạo.

Văn học thơ ca cũng không thiếu món bún-cua-bò-giò-gà. Viết có chấm phẩy ngắt câu thì có ông sáng tạo bỏ tuốt. Thơ văn xuôi, thơ bí hiểm, văn chương thơ phú không cần ai hiểu thế mới là hiểu.

Sau đấy họ ngồi nhâm nhi món cua gò giò gà rồi tự khen nhau. Nói như người Mông, việc của mình, mình không tự bênh thì ai bênh mình nào!

Có kẻ độc mồm bảo đó là thời đại lẩu thập cẩm. Một khái niệm mới quá. Mà lẩu thì đã làm sao nào, cứ để nó sôi lên đi, lẩu vẫn ăn được, còn được nhiều người thích nữa là đằng khác.

Vây thì có món thất tinh cũng tốt chứ sao

 

Xem thêm:

Quán buổi sáng

Bún cua 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Cõi tình Khau Vai

Chuyện của mình. 

  1 comment for “Món thất tinh

Comments are closed.