Trông thấy mùa thu

Doduc
Cách đây mấy hôm, buổi sáng ra chợ thấy có trám đen. Vài qủa trám đầu mùa loi thoi trên góc sạp rau quả. Tôi hỏi mua vài chục thì cô bán hàng nhanh nhẩu: Bốn mươi ngàn một cân chú ơi. Lâu nay trám đen còn ai bán trăm bán chục? Ừ, thời thế thay đổi, Bây giờ, trám còn ai bán quả, gạo còn ai bán đấu. Cái cân thỏa tính chi li của con người hơn. Ôi sự kì diệu chi li!
Có trám đen nghĩa là mùa thu đã tới. Mấy hôm nay trời oi nồng bức bối. Thì ra năm nay trám chín trước cả ngày lập thu.

Hoàng Cầm xưa viết :
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng

Nhưng đó là kỉ niệm của ông về nắng thu vàng. Còn với tôi thì mùa thu là trái trám đen, hương thu náu sau mùi trám ngầy ngậy và vương chút vị chát tình đời.
Dù bây giờ người trung du trở lại với cây trám thì rừng cũng đã nhỏ đi trên mảnh đất mới chia. Cây trám chẳng dễ buông cành tỏa bóng sang phần đất không thuộc chủ nó. Trên đời, có những thứ phải quản để phát triển, nhưng lại có thứ quản là dẫn đến tiêu diệt. Cây Trám vốn quen sống tự do xoài bóng theo triền đồi, nhưng không được tự do xòa tán lá thì khó có mùa trĩu quả. Một bạn bảo tôi, kể cũng văn học nhỉ, cây trám lại giống nhà thơ nhà văn, trám cũng nghệ sĩ gớm. Tôi bảo thực ra cây cũng chẳng thể ví với người. Nhưng thiết nghĩ con người cũng nên nhìn theo cây mà sống cũng tốt chứ sao?.

Hai lạng rưỡi trám giá mười ngàn, đếm được hai chín quả. Cô bán hàng cân hơi non vì cân đủ có thể sẽ phải là ba mốt. Nhưng tôi tin rằng nếu có hụt đi chút ít thì đó luôn là sự cần thiết đối với những thân cò lăn lội, vì đó là lí do của nghề buôn thúng bán bưng tồn tại. Dịch vụ tận tay này so với khách sạn vẫn rẻ hơn trăm lần. Nên mua rau cỏ đừng có bao giờ đem cái tinh thần năm xưa ra chợ mà so kè mà tội. Phải nhớ đất nước giờ đây đang thời kinh tế thị trường.

Tôi bâng khuâng giữa khuôn chợ ồn ào. Phía cổng chợ, xe và người tấp nập. Hà Nội không có mùa, không còn mùa. Còn tôi, trên tay đang đỡ mùa thu, đó là những trái trám đen đầu mùa, một mùa thu trông thấy được, sờ tay vào đựợc.
2011

  1 comment for “Trông thấy mùa thu

Comments are closed.