doduc
Cứ đến gần rằm trung thu hằng năm tôi lại nhớ đến bài đồng dao:
“Ông giăng xuống chơi nhà tôi/ có nồi cơm nếp/ có đệp bánh chưng/ có lưng hũ rượu/ có thiếu đánh đu/ bồ cu vẽ chài/ cái chai xách giỏ/ mẹ đỏ ẵm con/ cái lon xách nước/ cái lược chải đầu/ con râu cày ruộng/ cây muống thả ao/ Mày tát chuôm tap/ Tao tát chuôm mày/ Mày đầy rổ cá/ Tao đầy rổ tôm/ Mày bán chợ Hôm/Tao bán chợ Đền/ Mày canh cửa đền/ tao canh cửa vua/ Mày làm mắm chua/ Tao làm mắm thính/ Mày con ông Chính/ Tao con ông Xã/ mày là cái ả/ Tao là cái hai/ Mày cầm bồ đài/ Tao đội nón méo/ Mày cầm cái kéo/ Tao cầm con dao/ Mày làm sao/ Tao làm vậy./ Mày đi buôn cậy/ Tao đi buôn hồng/ Mày ra kẻ chợ/ Tao về nhà quê”.
Bài đồng dao ấy chị hát cho nghe rồi đến tôi nhập tâm. Nằm trên chõng trước sân ngửa mặt nhìn trăng một thế giới vui chơi của trẻ con bày ra trong bài dồng dao như chơi đồ hàng, tôm tép rồi kiện cáo rồi khoe thân phận…Những bài đồng dao không biết ai nghĩ ra mà tài thật, vô nghĩa như những trò chơi lan man của đám trẻ nhà quê, nhưng lại ngồn ngộn cuộc sống xóm làng trong đó. Nó vẽ ra cả gương mặt đồng quê, trên những câu chuyện chắp vá. Bài đồng dao giống như bức tranh con trẻ, thích gì vẽ nấy, biết gì viết nấy, vậy nên đồng dao vô nghĩa mà có nghĩa, tưởng vu vơ mà chính là cuộc sống thời đại hằn lên trong đó đúng tinh thần trẻ thơ.
Cái vui cũng chỉ dừng chuyện xóm chuyện làng như thế, ước mơ không đi quá cổng làng, nghèo nàn nhưng chẳng biết đó là nghèo nàn, chẳng ganh đua và không có nhiều mơ ước nên chẳng bao giờ vỡ mộng.
Những trò chơi đêm trung thu phổ biến là chơi rồng rắn. Một bên một đứa trẻ dẫn đầu và sau nó là dăm đứa túm áo nhau theo đầu rắn. Bên kia là môt đứa nhanh nhẹn chay ngang chạy dọc đẻ làm sao vỗ được vào đuôi rắn là thắng. Thành ra đầu rắn là nơi xòe tay vừa chạy vừa chặn, đuôi rắn là nơi ngoằn ngoèo chạy trốn. Chúng vừa săn đuổi nhau sau khi hát những câu đồng dao khó hiểu: “Rồng rắn lên mây/ có cây núc nác/ có nhà điểm binh…/ Thày thuốc có nhà hay không…”. Cứ như thế lặp lại rồi huỳnh huỵch chạy đuổi dưới trăng cho đến nửa đêm khi cá lạnh của sương thu thấm áo.
Bây giờ thì không đứa trẻ nào còn biết những câu đồng dao như thế và những trò chơi như thế. Cũng như chúng không thể biết có thời trăng sáng hơn đèn. Trong trí nhớ của người một thời, trăng còn sáng hơn cả điện nữa kia.
Chơi và hát những câu không cần hiểu kéo dài suốt tuổi thơ cho đến lúc thành lão nông chi điền. Đó là trung thu một thời cách đây dăm chục năm mà bây giờ đã là xa vắng.
17/9/2010