Vết nứt

( Viết tặng Lê Như Hà)
Doduc
Rét đậm rét hại. Trận rét này có thể coi là trái vụ vì nó xuyên hông vào cuối tháng hai khiến cho chuyến đi ngược trung du của tôi bị hoãn lại. Với tôi thì chẳng sao, nhưng bạn tôi muốn đi cùng giờ chưa đi được ngay thì rấm rứt. Cách đây mười năm, anh đã cùng tôi lên trung du trong ngày tôi về giỗ bố. Chuyến ấy anh chụp tấm ảnh ngôi nhà thờ cạnh nhà tôi. Ngôi nhà ấy mái lợp rạ, là nhà thờ họ đạo xóm Đồng Giữa thuộc xứ đạo Tân Thành, giáo xứ Bắc Giang. Bức ảnh thật đơn giản, có bốn cây xoan vắt bóng mỏng tang lên mái giáo đường trong cái nắng đầu đông. Sau này anh khoe đã cầm máy nhiều năm nhưng chưa bao giờ có tấm ảnh bắt được cái nắng mơ hồ mà lại trong đến vậy. Thực tình tôi chưa nhận ra điều ấy từ tấm ảnh. Nhưng tôi vẫn gật gù để anh yên tâm. Mà nói vậy thôi, cũng chẳng cần tôi gật gù anh vẫn yên tâm. Tôi cầm bút vẽ bao nhiêu năm thì cũng chừng ấy năm anh cầm máy, đâu kém gì …
Nhưng rồi mãi sau mới rõ mục đích chuyến đi này của anh không hẳn chỉ muốn ngắm lại một không gian anh từng cho anh những cảm xúc khó quên. Anh trưng ra cho tôi một tấm ảnh đã lồng sẵn vào trong khung kính. Thì ra đó là tấm ảnh anh chụp đứa cháu gái, con thằng em tôi đang bê cái rá, ngồi quải thóc cho gà ăn. Con bé ngồi đó, chiếc áo nhem nhếch đã sờn, lộ đôi tay gầy guộc. Tóc nó rối bù, hai mắt to trên khuôn mặt hơi quắt đang rõi theo đàn gà. Phía sau lưng nó, bức tường nhà bếp nứt nẻ, sỉn màu thời gian bung ra đôi chỗ. Anh bảo nhìn vào những vét nứt chân chim như thấy gương mặt người dân quê. Đó là thời gian khắc sâu trăm năm trên cái nghèo tụ về. Cạnh đó một cái giếng đất, thành giếng xây gạch vôi vữa, bờ thành cũng sứt mẻ tróc vỡ. Cái bếp nhỏ, cửa mở hững hờ, cánh cửa liếp khung tre được cột lại bằng hai sợi dây thép nhỏ thay vì cái bản lề. Nhìn vào chỉ thấy cái hốc tối om vì không điện đóm. Đạm bạc thế, nhưng con người vẫn đùm bọc nhau để sống. Đó là ấn tượng làm anh nhớ mãi, hơn cả những gì Trịnh Công Sơn sonphe lên nốt nhạc về tình đời tình người…Âm nhạc lu mờ sau những gì hiện ra trước ống kính.
Bây giờ anh muốn mang tấm hình này tặng lại con bé. Mười lăm năm rồi còn gì, anh bảo chắc giờ nó đã lớn lắm …Vâng, mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình… Tôi hiểu tặng ảnh cũng chỉ là một phần của chuyến đi. Cái anh cần chắc là muốn trở lại xem mảnh đất trung du sau mười năm bây giờ diện mạo ra sao khi cảm xúc năm xưa vẫn còn đọng lại trong anh.
Tôi hiểu cái đa cảm của một nghệ sĩ khi suy tư trước cuộc sống. Anh bảo nhiều khi có người hỏi cái hình ảnh cuộc sống nghèo mướp thì đẹp nỗi gì mà chụp, để bêu riếu à? Hỏi như thế anh không buồn trả lời. Người ta hỏi câu ấy thích hướng ống kính vào biệt thự, chung cư hay nghễu nghện đám chân dài …
…Ngày mai, ngày kia mưa tạnh, trời nắng ấm tôi sẽ đưa anh trở lại với trung du. Nhưng tôi chắc anh sẽ lại ngỡ ngàng. Mười năm, nhiều nhà mái rạ tường đất nay đã thay bằng tường gạch mái ngói. Những vết rạn trên tường gạch thì không có nhưng cuộc sống đã hé lộ vết rạn khác. Bây giờ đứa cháu tôi cùng trang lứa đều xuất chuồng đi làm ăn xa. Chúng về Hà Nội hoặc theo những thợ cả đi đến các thành phố và khu công nghiệp khắp nước làm phu hồ thợ sơn. Một số khác đi làm con sen thằng nhỏ trong những nhà có máu mặt mà được nắn cách gọi là người gíúp việc hoặc thõng một câu bỗ bã Ôsin!
Con bé cháu trong tấm ảnh anh chụp nay đã thành con gái. Học xong trung cấp tài chính nhưng bố nó không kiếm đựợc vài chục triệu để xin vào cơ sở nhà nước gần nhà. Nó phải xuống tận Thái Bình làm ở một công ti gia công hàng điện tử. Thôn xóm bây giờ cũng giống thời chống Mĩ, trai gái lặng lẽ lên đường đi kiếm miếng ăn, con cái thì gửi lại nhà. Đám trẻ lại lớn lên bên ông bà như bố mẹ chúng thời đánh Mĩ. Rồi có đứa nguyên vẹn trở về, cũng có đứa không. Đồng ruộng lưa thưa người già trẻ choai như những con cò kiếm ăn lẻ.
Vùng thôn quê nghèo bây giờ xuất hiện những vết nứt khác trầm kín hơn. Liệu anh có nhận ra và có cách nào để thu vào ống kính?.
17/3/2011.