Giải cứu nồi đất

doduc
1 – Tôi lớn lên vào thời mà nông thôn còn một số nhà dùng nồi đất nấu cơm vì chưa sắm nổi nồi đồng. Nồi đất nấu cơm đun rơm cơm rất thơm ngon nhưng phải nhẹ chân nhẹ tay, va đập là vỡ như chơi! Lại nữa, nồi đất nấu cơm cũng hay bị nổ, do đất xương không được lọc kĩ, lẫn lại hòn sỏi nhỏ thôi, cũng đủ để nổ cái bép và làm thủng một lỗ bằng hạt ngô hạt đậu. Tôi đã từng nhiều lần thấy mẹ “hàn “ cái nồi đất thủng như thế. Nguyên liệu chỉ hai thứ: mớ giấy bản , và thìa vôi đặc. Bà phết vôi lên lỗ thủng rồi dán miếng giấy bản cắt tròn to bằng đồng xu.cứ quết vôi một lớp lại một lần giấy dán. Sau sáu bảy lớp giấy và vôi, nồi được đem ra phơi nắng cho khô ròn. Để thêm vài ngày cho vôi khô kiệt rồi lại đem nồi nấu cơm được. Lớp mồ hóng bắt ngoài phủ kín dần chỗ vá, còn bên trong thì vôi khô cứng không thấm nước nữa. Những nồi như thế nhà tôi có đến vài cái vì nồi đất nặn thủ công thường đất lọc không dám chắc đã hết những hòn sỏi nhỏ hoặc hạt cát lẫn vào. Thành ra nồi nào cũng đầy sẹo vá. Càng nhiều miếng vá thì càng tốt vì có bao nhiêu hạt sạn lẫn vào nó nổ hết rồi thì nồi trở nên an toàn. Anh chị em chúng tôi lớn lên bên những nồi đất như thế. Nó chỉ bị loại đi khi đủ tiền mua được cái nồi đồng
2 – Bất chơt nhớ lại chuyện này khi đọc thông tin TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT có sáng kiến đưa giải pháp giải cứu là mỗi học sinh tiểu học đóng góp 100 nghìn đồng/tháng vào Quỹ, tạm gọi là Quỹ Giải cứu Giáo viên tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy. Số tiền này, sẽ dành toàn bộ để bổ sung cho thu nhập giáo viên. Sao câu chuyện đầy chất vá víu tình thế mà người ta không hiểu đất nước đang là xã hội nào, có còn chính phủ, còn nhà nước không hay tất cả như chuyện của mẹ tôi với mấy cái nồi đất, tự xoay xở khi chẳng có cái gì hơn thay thế nó. Trong nhà lúc nào cũng mớ giấy bản với lọ vôi tôi nhuyễn cất góc bếp . Vôi ấy để càng lâu càng ngấu càng dẻo cãng dễ quết lên giấy bản, khi hàn nồi càng nhanh.
Kể ra ví von thì khập khiễng vì nó xa nhau quá, một đằng là cái nồi trong nhà dùng nấu cơm phải vá vì các lỗ thủng, còn đằng kia là một nền giáo dục quốc gia thiếu tiền không đáp ứng được đồng lương cho đời sống. Nhưng bản chất của vấn đề thì đặc biệt giống nhau. Việc vận động gia đình mỗi trò đóng thêm 100 ngàn một tháng, một năm vị chi 12 triệu cho vào quĩ “ giải cứu”giáo viên cũng giống như miếng giấy bản quẹt vôi để hàn lỗ thủng của cái nối đất nấu cơm, cũng là tạm bợ thôi. Phương án nêu ra như một ý nghĩ vụt đến nghe khá khôi hài nhưng lại đóng khuôn khá nghiêm túc. Vì ngài tiến sĩ hiệu trưởng một trường lớn xông xênh nhà cao cửa rộng chắc chắn không hiểu về thu nhập thực tế của những gia đình các em học sinh thế nào. Chắc thày tưởng trăm ngàn chỉ là ba bát phở, vài ba ly cà phê thày tiêu vặt hàng ngày bõ gì!
3 – Thày nêu ra giải cứu giáo viên để thày cô tăng tí tiền lương liệu có làm cho chất lượng giáo dục khá lên không? Xin thưa là không, vì chính là ngành Giao dục mới chính là cái cần giải cứu, vì nó đang mất phương hướng, nó đang hỗn loạn. Cái bấp bênh là cải cách chương trình trên bục giảng đang như gà mắc tóc, chứ không phải chỉ vá miếng ăn hàng ngày cho thày cô đâu là có chất lượng đâu. Đói nhưng cải cách đúng đường tôi chắc các thày cô sắn sang vẫn đứng bục giảng.
Lâu nay thật lắm chuyện cười! Giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn, giờ lại có sáng kiến quá tệ là “ giải cứu giáo viên”. Loạn những sáng kiến tưởng nghiêm túc mà thành trò cười rơi nước mắt. Chính những người Thày trên bục giảng đã không chấp nhận điều đó. Chẳng lẽ ngành giáo dục tạo những thế hệ tương lai cho đất nước , một ngành quan trọng bậc nhất có tính chiến lược mà nhà nước bỏ rơi hay sao?
Rieng tôi thấy câu chuyện giải cứu giáo viên của thày Lê Trường Tùng đưa ra giống chuyện vá nồi đất ở thôn quê quá. Một giải pháp tạm bợ cho cái việc mang tính chiến lược. Lạ về cách nghĩ quá xa la lạ vơi nghề giáo.
6/6/2017