Bác Son

Chẳng biết lúc trẻ bác làm nghề gì. Chỉ nhớ khi gặp bác lần đầu thì thấy bác ngồi bơm xe xó đường. Thời buổi đồng tiền khó kiếm, nhà nào cũng sắm sẵn cái bơm. Bác cũng thế, ngày ngày ngồi bơm xe nhưng ít việc, mặt dài như cái bơm. Cho dù tên bác là Son mà chẳng có vận may. Cũng có phần tại bác cơ, lúc có người dắt cái xe bẹp lốp đến là để vá thì bác lại chưa có đồ nghề vá xăm!
Đói xanh rờn trên mảnh đất cạnh đường quốc lộ chỉ có thể là chuyện ngu ngốc. Tôi bảo bác, đất rộng chỉ vơ vất có mấy cây xoan, ngoài vài bụi mùng tơi lớt nhớt, còn lại thì cỏ mọc rậm rì, hay là bán đi một phần vườn lấy ít tiền làm nhà rồi mua hẳn bộ đồ nghiêm chỉnh mở hiệu chữa xe thì mới kiếm được, chứ ôm cái cái bơm mài đít vệ đường thế này thì khi nào mới ngáp được con ruồi? Nghe tôi, bác dụt dè thử bán đi cái thẹo đất nhỏ cuối vườn thế mà không ngờ mó được cả đống tiền. Bác kêu lên: Ồ, hóa ra tiền ở ngay trong đất mà mình không biết. Bác hể hả bảo tôi: kể ra ra kiếm tiền cũng không khó, mà bán đất là thu nhanh nhất chú ơi, thế mà không bảo anh sớm.
Từ hôm ấy bác khoe vung với mọi người là đã biết cách làm kinh tế như thế nào rồi. Cách kiếm tiên của bác vừa nhàn vừa nhanh, chỉ đá cái thẹo nhỏ dăm chục mét thôi mà bằng cả nửa thế kỉ bơm xe!
Tưởng bán được tiền thì vợ con nở mày nở mặt. Nào ngờ khi có tiền bác mắc bệnh huyếnh. Đi đâu mặt bác cũng vác lên hất hất! Rồi lại quay sang khoe mẽ. Từ chỗ ru rú ở xó nhà bây giờ bác đi khắp nơi mọi chốn. Trời lụt đầm đìa, nhà ngập tới mái, bác vẫn cứ bơi thuyền đi chơi tỉnh xa, mặc xác vợ con ông bà ở nhà dầm nước.
Bác ôm tiền bán đất tiêu pha như tiền như của riêng bác làm ra, chỉ đưa vợ mấy cắc lẻ rau dưa. Ông bà vợ con vẫn núp trong cái nửa túp nửa nhà, cơm cà rau rệu, bác chẳng cần biết. Bác thấy mình là người thuộc kênh khác, biết làm kinh tế. Bác có những chủ trương lớn.
Mấy cây xoan lão niên trong vườn bố bác trồng bảo để sau này cho thằng con làm cột nhà. Khi này bố già, bác lên làm chủ, thấy soan bán được giá, thế là cưa gốc bán luôn chẳng cần hỏi ai. Lão lang ê hàng xóm lại mò sang tìm mua rễ xoan, bảo đem về để làm thuốc (có mà thuốc độc). Chỉ đào gốc mấy cây xoan đã chặt mà bán cũng được kha khá. Hóa ra trên đất nhà bác, mọi thứ đều có giá. Nên những lão xoan cụ chưa có ai hỏi mua bác cũng cho bới lấy rễ bán trước, gỗ ai mua thì bán sau. Vườn tược ngổn ngang, bố mẹ cằn nhằn, vợ kêu con khóc, bảo bác là điên, bác chỉ cười khẩy: Ông bà già rồi, còn đàn bà thì biết cứt gì. Lời kêu la của con cái thì bác chẳng bao giờ để vào tai.
Cái vườn hoang của nhà bác chẳng bao lâu thành bãi chiến trường, giống như một trọng điểm trên đường Trường Sơn thời đánh Mĩ, loang lổ các hố sâu hoắm, òm õm nước. Nhưng bác Son không biết điều ấy nên bác không buồn. Người ta khi trong túi rủng rỉnh tiền thì nhìn mưa thành nắng, nhìn bạc thành vàng, chuyện buồn thành vui, nhìn điếm thành vợ, thằng đểu thành đứa tốt, chuyện rủi thành may, nghe chửi lại nghĩ là lời khen thì cũng chẳng phải chuyện lạ. Bác luôn ở trạng thái lâng lâng như phê thuốc. Đi đâu thì thôi, về nhà là bác rung đùi pha trà, mặt ngưỡng thiên đắc ý. Để nuôi cái đắc ý ấy, bác xẻ dần miếng đất vườn, mỗi ngày một tí, mỗi năm một ít. Mỗi lần có tiền, bác ngồi dỡ tiền đếm rất to. Mỗi âm thanh bác nhả ra như sét đánh: tỉ! tỉ! tỉ! ỉ ỉ ỉ ỉ ỉ … khiến bác chẳng bao lâu bác mắc tật ù tai và rồi dần điếc đặc. Điếc tổng nhĩ thật sự chỉ vì hai vành tai quá gần miệng bác, nó hứng tất cả niềm vui và nỗi buồn mỗi khi bác khạc ra. Đã từ lâu ông bà bó tay, vợ con không còn gần được bác nữa. Rau cháo họ đã tự lo. Mỗi khi buồn, bác thì thụt sang hàng xóm phê pha với mấy anh giàu. Đám ấy có những thằng cự phú phất lên từ lừa đảo, có thằng xuất thân từ giặc cỏ, buôn heroin hoặc thuốc phiện nên giàu có lắm mà lưu manh cũng lắm. Hóa ra lưu manh có nòi. Mỗi lần bên đông tây nam bắc xây tường sửa rào chúng đều tìm cách lấn tí đất nhà bác, khi nửa viên gạch, khi thì cả viên. Lúc trước có đầy đủ ông bà vợ con bên cạnh thì bác không hãi lắm. Chẳng gì ông bà cũng dạy rồi, vợ con đã cảnh báo bác rồi, bảo phải cẩn thận với cái đám giòi bọ ấy. Nhưng rồi dần nghe chúng ngọt nhạt, bác không nghe ông bà, không nghe vợ con nữa, cứ tự cho là mình khôn ngoan: “Tao có cách của tao!”. Bác thanh minh đó là cách ứng xử nhân ái tuân theo lối cổ ngày xưa: tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thiên hạ thì không nói thế, thiên hạ lại bảo bác là thằng “ già dái non hột”, ngu! Biết chuyện bác vẫn mặc, bảo ông bà lú lẫn, thiên hạ chọc gậy bánh xe, vợ con thối mồm, biết đếch gì nào. Bác vẫn cứ làm theo ý bác.
Thế là ông bà vợ con càng ngày càng xa. Bây giờ thì xa tít mù tắp khiến có lúc bác còn tưởng quân thù. Mỗi lần thiếu gì thì bác cầu hàng xóm giúp đỡ. Mỗi lần giúp là một lần nó lấn sang một tí theo chính sách học được của đế quốc: củ cà rốt và cây gậy. Bác biến thành lu tí mẹt từ lúc nào không hay. Năm tháng trôi qua, miếng đất cha bác để lại thênh thang, thì bây giờ tươm tả. Mấy thằng cự phú, mỗi thằng thiến một mảnh, trong đó lão lang ê hàng xóm cũng kiếm một khoảnh kha khá với những lời ngon ngọt dự án. Chúng mua bòn mua mót với giá rẻ hều, rồi cắm các dự án lên mảnh đất nhà bác năm mươi, một trăm năm. Bác bảo bao nhiêu cũng được, mình chắc đâu đã sống đến bảy mươi. Lúc ấy chết rồi,của mình hay của nó cũng thế cả. Tính cách bác thế, nên bao nhiêu năm rồi mà căn nhà xiêu vẹo của nhà bác vẫn chẳng thay đổi được gì.
Thế mà bác vẫn chưa biết. Đi đâu chuyện trò hàm bác vẫn hất hất, miệng vẫn rất tươi. Chẳng biết bao giờ bác mới tỉnh dể vợ con được nhờ. Khốn nạn cho nhà bác. 14/3/2009